Thượng đỉnh Mỹ - Hàn: Chuyến công du đúng thời điểm, Washington 'thở phào', Seoul có thắng lợi lớn
Chuyến công du một tuần của Tổng thống Hàn Quốc tới Mỹ góp phần củng cố thêm mối quan hệ đồng minh trong bối cảnh cả 2 đều có những mối quan tâm lớn về an ninh.
Vì cần nhau mà đến
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang trong chuyến thăm kéo dài 7 ngày tới Mỹ (từ 24-29/4) nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập quan hệ đồng minh. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc tới Mỹ sau 12 năm. Đây là cơ hội để nâng mối quan hệ Hàn-Mỹ lên một tầm cao mới và ngăn chặn mối đe dọa Triều Tiên.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với cả hai nước, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về Trung Quốc và Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Joe Biden cần sự hỗ trợ của Hàn Quốc cho các nỗ lực địa chính trị của Mỹ, trong khi Tổng thống Yoon Suk Yeol hy vọng giải quyết các vấn đề gây tranh cãi trong nước với sự giúp đỡ từ Tổng thống Biden.
Có thể khẳng định đây là chuyến thăm mang đến lợi ích cho cả hai nước, cụ thể:
Thứ nhất, Mỹ cần sự ủng hộ và trợ giúp của Hàn Quốc trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt với Trung Quốc. Thành công của nỗ lực tái cơ cấu chuỗi cung ứng của Mỹ, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chiến lược như chất bán dẫn và pin, phụ thuộc vào sự hỗ trợ tích cực từ các đồng minh như Hàn Quốc.
Bất chấp những lo ngại về khả năng trả đũa kinh tế từ Trung Quốc, các tập đoàn Hàn Quốc - bao gồm Samsung Electronics, Hyundai Motor Group và SK Group - đã phản ứng bằng các khoản đầu tư khổng lồ vào Mỹ, riêng SK Group tuyên bố sẽ đầu tư 22 tỷ USD. Tổng thống Biden cần đảm bảo duy trì sự hỗ trợ liên tục của Hàn Quốc trong lĩnh vực an ninh kinh tế mới này.
Thứ hai, những nỗ lực của Mỹ nhằm thành lập các tổ chức đa phương mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng cần sự ủng hộ tích cực từ Hàn Quốc – quốc gia đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực.
Nếu như chính quyền trước đây của Tổng thống tiền nhiệm Moon Jae In đã do dự tham gia Diễn đàn Đối thoại An ninh Bộ tứ (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia), thì chính phủ Tổng thống Yoon Suk Yeol lại sẵn sàng ủng hộ nỗ lực này và các nỗ lực khác của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, chẳng hạn như Khuôn khổ Kinh tế Thịnh vượng cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Sáng kiến chuỗi cung ứng chất bán dẫn Chip 4.
Thứ ba, cả Mỹ và Hàn Quốc đang phải cảnh giác cao độ đối với các hành động ngày càng quyết đoán của Triều Tiên. Sự hỗ trợ đầy đủ từ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ rất quan trọng trong việc giúp Mỹ ngăn chặn hoặc đáp trả các hành vi gây hấn quân sự từ Triều Tiên và Tổng thống Biden cần đảm bảo một lập trường vững chắc từ người đồng cấp Yoon Suk Yeol về vấn đề này.
Tổng thống Yoon Suk Yeol là một trong những tổng thống Hàn Quốc ủng hộ mạnh mẽ liên minh Hàn-Mỹ và được dư luận Hàn Quốc ủng hộ. Theo kết quả khảo sát năm 2019 do Viện Nghiên cứu Chính sách châu Á thực hiện, hơn 3/4 người dân Hàn Quốc tin rằng nước này nên tăng cường quan hệ với Mỹ nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối đầu.
Cuối cùng, sự thiếu đồng bộ với Washington về các vấn đề quan trọng đối với Seoul đã dẫn đến sự bất hòa trong nội bộ Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol cần sự giúp đỡ của Mỹ để giải quyết những vấn đề này.
Ví dụ có thể kể đến Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Tổng thống Biden, vốn đã gây ra rạn nứt trong liên minh Mỹ-Hàn khi liệt kê xe điện của Hàn Quốc không đủ điều kiện nhận tín dụng thuế tiêu dùng của Mỹ.
IRA ra đời sau khi tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư mạnh vào việc xây dựng các nhà máy sản xuất xe điện ở Mỹ, khiến Hàn Quốc cảm thấy bị Mỹ phản bội và làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng đối với chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol vì đã xử lý sai vấn đề.
Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng phải đối mặt với áp lực từ công chúng trong việc giải quyết mối quan hệ liên triều khi có tời gần 2/3 số người Hàn Quốc cho rằng Seoul nên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thái độ của người dân Hàn Quốc phản ánh 2 vấn đề liên quan đến Mỹ: Washington không quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề Triều Tiên và sự xói mòn uy tín của “chiếc ô an ninh” của Mỹ.
Bước đi chưa từng có tiền lệ
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm giữa hai Tổng thống, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết hai bên đã đồng ý về các bước tăng cường khả năng phòng thủ của Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố: “Chúng tôi đã đồng ý tham vấn ở cấp tổng thống ngay lập tức trong trường hợp Triều Tiên tấn công hạt nhân và hứa sẽ đáp trả nhanh chóng, áp đảo và dứt khoát bằng cách sử dụng toàn bộ lực lượng của liên minh, bao gồm cả vũ khí hạt nhân của Mỹ”.
Về phần mình, Tổng thống Biden nhắc lại đề nghị của Mỹ với Triều Tiên về việc tổ chức các cuộc đàm phán về các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, vốn đã bị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phớt lờ.
Tổng thống Joe Biden cho biết thỏa thuận, được gọi là Tuyên bố Washington đạt được giữa hai nhà lãnh đạo, sẽ tăng cường sự hợp tác của các đồng minh trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công của Triều Tiên.
Tuyên bố Washington đánh dấu một bước đi “chưa từng có tiền lệ” nhằm tăng cường khả năng răn đe mở rộng, vốn là cam kết của Mỹ nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công và bảo vệ các đồng minh bằng việc sử dụng sức mạnh quân sự, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.
Báo giới Hàn Quốc đã có nhiều bình luận về cam kết hạt nhân của Mỹ với Hàn Quốc trong thỏa thuận cấp cao giữa Tổng thống Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Joe Biden hôm 26/4.
Ngay sau Tuyên bố Washington được công bố, truyền thông Hàn Quốc đã nhận định rằng kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm lần này là Seoul đã nhận được một chiếc ô hạt nhân lớn hơn và cam kết chặt chẽ hơn từ Washington.
Theo giới phân tích Hàn Quốc, mặc dù những từ ngữ của hai nhà lãnh đạo đã trở nên quen thuộc, được lặp đi lặp lại gần như sau mỗi hội nghị thượng đỉnh gần đây giữa Hàn Quốc và Mỹ, tuy nhiên sự khác biệt lần này là hai bên đã củng cố cam kết bằng một tuyên bố chung mang tên Tuyên bố Washington.
Một quan chức cấp cao trong văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết: "Đây là lời cam kết trực tiếp, mạnh mẽ và cụ thể nhất của tổng thống Mỹ với Hàn Quốc. Điều này có nghĩa Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đạt được điều ông muốn - lời hứa của Tổng thống Biden sẽ trả đũa trong trường hợp Triều Tiên tấn công hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc và ngay cả khi Bình Nhưỡng đồng thời tấn công lục địa Mỹ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)".
Có một điều đáng tiếc được giới truyền thống Hàn Quốc nhấn mạnh là tại cuộc gặp lần này, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn Quốc đã không thể hiện nỗ lực nối lại đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.