Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3: Lịch sử hay 'sô diễn'?
Cuộc gặp đình đám mới nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang khiến giới phân tích chia rẽ về tác động, ý nghĩa thật sự của những gì đã diễn ra tại khu phi quân sự liên Triều hôm 30-6 này.
Một số chuyên gia cho rằng cuộc gặp không khác gì một chương trình truyền hình thực tế. Báo Los Angeles Times chỉ ra thực tế rằng bất chấp những diễn biến kịch tính xoay quanh sự kiện được ông Trump gọi là "lịch sử" này, hầu như không có gì thay đổi và đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều vẫn chưa khai thông bế tắc.
"Cuộc gặp chỉ mang tính lịch sử nếu dẫn đến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, một thỏa thuận có thể kiểm chứng và một hiệp ước hòa bình. Còn không, nó chỉ dừng lại ở một vài bức ảnh đẹp và sự hào nhoáng bề ngoài" - ông Victor Cha, cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, viết trên mạng xã hội Twitter.
Ở chiều ngược lại, theo hãng tin AP, cũng có một số nhận định cho rằng cái bắt tay và những bước đi cùng nhau ngắn ngủi giữa hai ông Kim và Trump trên lãnh thổ Triều Tiên là một phần của điều đặc biệt và cho thấy hai nước đã đi xa đến đâu để cảnh tượng này diễn ra. Viết trên trang Fox News, chuyên gia chính trị người Mỹ Rebecca Grant chỉ ra rằng chính sách về Triều Tiên của ông Trump gồm 3 phần - loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đạt hiệp ước hòa bình vĩnh viễn để chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và thay đổi quan hệ Mỹ - Triều.
Theo bà Grant, cuộc gặp hôm 30-6 giúp ích nhiều cho mục tiêu cải thiện quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Chia sẻ nhận định này, ông John Delury, chuyên gia tại Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc), cho rằng Triều Tiên cần phải được cảm thấy "ít bị đe dọa hơn", "an toàn hơn", "ít bị bao vây hơn", "được chào đón nhiều hơn"… và cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 30-6 góp phần thúc đẩy hình thành "những mối quan hệ mới" giữa hai nước.
Dù vậy, ngay cả khi 3 cuộc gặp giữa hai ông Trump và Kim cho đến giờ đã dẫn đến đột phá về quan hệ, chúng cũng bộc lộ hạn chế khi thiếu sự hỗ trợ của các cuộc đàm phán diễn ra thường xuyên ở cấp độ thấp hơn - theo bà Suzanne DiMaggio, nhà phân tích của Viện Carnegie về Hòa bình Quốc tế (Mỹ). Vì thế, bà DiMaggio cho rằng điều cần nhất hiện giờ là "những nỗ lực ngoại giao nghiêm túc để kiểm soát những điều không chắc chắn phía trước và giải quyết một loạt vấn đề khó khăn".
Rốt cuộc thì hai nước vẫn còn khoảng cách xa về lập trường giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Washington muốn Bình Nhưỡng nhanh chóng phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy sự bảo đảm an ninh và dỡ bỏ trừng phạt. Trái lại, Triều Tiên muốn có cách tiếp cận từng bước đối với vấn đề này.