Thượng đỉnh Nga - châu Phi có giúp Moscow 'đi sau về trước'?

Thượng đỉnh Nga - châu Phi tại Sochi ngày 23 – 24/10 là cơ hội để Moscow có chiến lược tổng thể, dài hạn trong quan hệ hợp tác với các nước 'lục địa đen'. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Logo sự kiện Thượng đỉnh và Diễn đàn Kinh tế Nga - châu Phi. (Nguồn: Summitafrica.ru)

Dự kiến, 43/54 nguyên thủ các quốc gia châu Phi sẽ tham dự Thượng đỉnh và Diễn đàn Kinh tế Nga - châu Phi tại Sochi ngày 23-24/10. Con số này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nguyên thủ các quốc gia châu Phi với sáng kiến của Moscow.

Quan trọng hơn, xây dựng một chính sách về châu Phi là điều Nga mong muốn từ lâu, bởi trước đó Mỹ và Trung Quốc đã triển khai các kế hoạch toàn diện để tăng cường hợp tác, xây dựng ảnh hưởng tại khu vực đầy tiềm năng này.

Từ năm 2013, Trung Quốc đã nhận thức rõ tầm quan trọng của châu Phi, coi đây là khu vực then chốt bên cạnh Nam Á trong Sáng kiến Vành đai Con đường. Bắc Kinh đã trực tiếp xây dựng hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại các quốc gia chiến lược, thông qua những khoản cho vay nhiều tỷ USD. Trong giai đoạn 2005–2018, đầu tư và hợp đồng xây dựng của Trung Quốc vào khu vực Hạ Sahara đã lên tới 300 tỷ USD. Hàng hóa Trung Quốc dần tràn ngập các thị trường địa phương.

Song từ năm 2017, các quốc gia châu Phi đã thận trọng hơn trong chấp thuận các khoản vay từ Trung Quốc, sau khi Kenya và Uganda lao đao vì Bắc Kinh ngừng cấp vốn 4,9 tỷ USD cho chương trình phát triển hạ tầng ở Đông Phi.

Về phần Mỹ, cuối tháng 12/2018, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã công bố chính sách châu Phi mới với tên “châu Phi thịnh vượng”. Theo đó, Washington sẽ hỗ trợ doanh nghiệp của mình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tầng lớp trung lưu tại châu Phi, thúc đẩy quan hệ kinh tế, tạo dựng cơ hội làm ăn; cam kết bảo vệ sự độc lập của khu vực này, củng cố lợi ích Mỹ, đồng thời tài trợ tập trung cho các quốc gia với những mục tiêu chiến lược cụ thể.

Tuy nhiên, tương lai của chính sách này đang bị bỏ ngỏ sau sự ra đi của ông Bolton và ưu tiên nguồn lực ngày một lớn cho chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi sẽ gặp gỡ bên lề Thượng đỉnh Nga - châu Phi. (Nguồn: AP)

Năm lý do chính

Trong bối cảnh đó, Nga nhận thấy nhu cầu, cơ hội mở rộng sự hiện diện tại châu Phi thông qua hợp tác về chính trị, kinh tế và quân sự bởi một số lý do chính như sau.

Thứ nhất, châu Phi có vị thế địa chính trị quan trọng, với các tuyến giao thương hàng hải trên Biển Đỏ và Đại Tây Dương. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm qua, các tàu Mỹ thường xuyên tuần tra ở Ấn Độ Dương, kiểm soát Biển Đỏ và kênh đào Suez tới Trung Đông. Trung Quốc cũng đã thiết lập căn cứ quân sự tại Djibouti.

Thứ hai, châu Phi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đặc biệt, nhiều nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn như Angola, Libya và Chad... Đây là cơ hội lớn cho các tập đoàn khai khoáng với công nghệ tiên tiến, giàu kinh nghiệm của Nga.

Thứ ba, với 820 triệu dân, châu Phi là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp của Nga, vốn gặp khó khăn do cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), khai phá.

Thứ tư, dù có vị trị địa chính trị cùng nhiều tiềm năng, song các nước châu Phi thường xuyên đối mặt bất ổn chính trị, xung đột tôn giáo và sắc tộc. Trong bối cảnh đó, với tiềm lực quân sự sẵn có, Nga hướng tới mở rộng hợp tác quốc phòng với các quốc gia này, nhằm đảm bảo an ninh địa phương, qua đó nâng cao uy tín của Moscow, sẵn sàng xây dựng và đóng góp cho hòa bình.

Thứ năm, Nga có quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi. Năm 1947, ngay khi Chiến tranh Lạnh nổ ra, Moscow đã phát triển quan hệ với một số quốc gia tại đây nhằm tạo đối trọng với Washington, song chiến lược này đã bị đóng băng sau sự tan rã của Liên Xô. Được khởi động lại dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, song nó chỉ thực sự được chú ý trở lại vào năm 2014, thời điểm Nga bị cấm vận. Khi đó, thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Nga và châu Phi sắp tới tại Sochi có thể mang tới bước ngoặt cần thiết trong quan hệ truyền thống ấy.

Máy bay ném bom chiến lược TU-160 của Nga dự kiến sẽ thăm Nam Phi thời gian tới. (Nguồn: AP)

Tạo sự khác biệt

Tuy nhiên, cách triển khai chiến lược sẽ đóng vai trò then chốt quyết định xem liệu Moscow có thể “đi sau về trước” hay không. Trả lời phỏng vấn TASS trước thềm Thượng đỉnh, ông Putin nhấn mạnh Nga sẽ cạnh tranh văn minh, hợp pháp trong hợp tác với châu Phi, thay vì “sử dụng áp lực, hăm dọa, tống tiền các chính phủ... nhằm tìm cách lấy lại ảnh hưởng đã mất, thống trị các thuộc địa cũ dưới vỏ bọc mới, qua đó thu lợi nhuận tối đa và bóc lột châu Phi”. Tôn chỉ của Moscow là “các vấn đề châu Phi phải do châu Phi giải quyết”.

Đây là điểm khác biệt trong chính sách của Nga so với hai ông lớn còn lại, đặc biệt là Trung Quốc. Khi "lục địa đen" đang cảnh giác với các khoản vay từ Bắc Kinh, tuyên bố của ông Putin thực sự hợp thời và cần thiết.

Ngoài ra, Nga nhấn mạnh vào khía cạnh hợp tác quốc phòng, hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình, bảo đảm an ninh cho quốc gia sở tại. Cuối tháng 9, Moscow đã điều máy bay vận tải Antonov AN-124 chuyển máy bay trực thăng quân sự Mi-17, xe tải quân sự cùng nhiều khí tài đến phía Bắc Mozambique, giúp chính quyền Maputo tiêu diệt lực lượng Hồi giáo nổi dậy. Tương tự, Nga cho biết sẽ cử hai máy bay ném bom chiến lược TU-160 thăm Nam Phi, nhằm mở rộng quan hệ với quốc gia này. Trong 5 năm qua, Nga đã ký hiệp ước hợp tác quốc phòng với ít nhất 28 nước châu Phi và hiện là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu châu Phi với 35% trên toàn châu lục.

Quan trọng hơn, hợp tác quốc phòng bền chặt là tiền đề để Moscow làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nga mở rộng hoạt động, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chưa có nhiều sự cạnh tranh đến từ các tập đoàn quốc tế lớn.

Cuối cùng, Nga và các nước châu Phi có thể tăng cường hợp tác chính trị, tìm kiếm sự ủng hộ lẫn nhau trên các tổ chức, diễn đàn quốc tế. Vị thế của một cường quốc thường được xác định không chỉ dựa trên sức mạnh cứng, khả năng xây dựng, áp đặt luật chơi mà còn ở hệ thống đồng minh, bạn bè, đối tác.

Hợp tác cùng các quốc gia châu Phi, với vị trí địa chiến lược, tiềm năng phong phú, thị trường rộng lớn và mối quan hệ truyền thống là cơ hội Nga cần tận dụng để tái khẳng định vị thế cường quốc của mình trong thế kỷ XXI.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-nga-chau-phi-co-giup-moscow-di-sau-ve-truoc-103157.html