Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Nỗi lo cấp bách hơn cả vũ khí hạt nhân
Hôm qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sĩ. Đây được coi là cuộc đàm phán quan trọng nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp chính trị lâu năm của ông Biden.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp ở Geneva. Ảnh: Sputnik
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Putin và ông Biden diễn ra từ đầu giờ chiều 16/6 tại biệt thự Villa de la Grange được xây từ thế kỷ 18. Tổng thống Thụy Điển Guy Parmelin đã có bài phát biểu ngắn để chào đón hai nhà lãnh đạo, Sputnik đưa tin.
Dù kết quả là gì, cuộc gặp thượng đỉnh lần này cũng sẽ tác động đến việc định hình chương trình nghị sự trong nước khi ông Biden trở về Mỹ. Trước khi đến gặp nhà lãnh đạo Nga, ông Biden đã củng cố sự ủng hộ từ các đồng minh phương Tây trong hội nghị của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Theo lời ông Biden, lãnh đạo các quốc gia và tổ chức đó ủng hộ quyết định của ông về việc gặp Tổng thống Nga vào thời điểm này, trong 6 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, trước khi ông đề ra chiến lược đầy đủ trong quan hệ với Nga.
Cuộc gặp diễn ra khi quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức cực kỳ thấp như lãnh đạo hai nước thừa nhận. Nhà Trắng và Điện Kremlin đều muốn hạ thấp kỳ vọng vào sự kiện này. Nhưng cả hai ông Biden và Putin đều nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trực tiếp để có được một mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn, dù hai bên có những khác biệt sâu sắc trong hàng loạt vấn đề.
Cuộc chiến trong thế giới ảo
Trong suốt 70 năm qua, những cuộc gặp giữa các tổng thống Mỹ với lãnh đạo Liên Xô hoặc Nga đều tập trung vào một mối đe dọa lớn: kho vũ khí hạt nhân mà hai nước bắt đầu tích lũy từ những năm 40 của thế kỷ trước.
Giờ đây, khi lãnh đạo Mỹ và Nga gặp nhau tại Geneva, lần đầu tiên vấn đề tấn công mạng được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, cho thấy đây sẽ là một trong những lĩnh vực chính của sự cạnh tranh giữa hai siêu cường, New York Times nhận định.
Nhịp độ và sự phức tạp gia tăng của các cuộc tấn công mạng gần đây vào hạ tầng Mỹ, từ hệ thống dẫn khí ở Bờ Đông đến những nhà máy cung cấp 1/4 thịt bò cho thị trường Mỹ hay hoạt động của hệ thống bệnh viện, cho thấy rất nhiều rủi ro mà không vị tổng thống nào có thể bỏ qua.
Đối với ông Biden, vũ khí hạt nhân vẫn quan trọng, và các trợ lý của ông cho biết hai nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian để thảo luận về “ổn định chiến lược”, cụm từ hàm ý chỉ việc kiềm chế leo thang hạt nhân. Nhưng nhiệm vụ cấp bách hơn mà ông Biden nói với các đồng minh tại thượng đỉnh G7 ở Anh cuối tuần qua và tại thượng đỉnh NATO ở Brussels là “phải khiến ông Putin tin rằng Nga sẽ phải trả giá cao vì hàng loạt cuộc tấn công mạng nghiêm trọng”, theo New York Times.
Điều đó sẽ không dễ dàng. Một thập kỷ xung đột trên không gian mạng cho thấy những công cụ răn đe truyền thống gần như đều đã thất bại. Dù ông Putin thường nói công khai về chuyện đầu tư nhiều cho các loại vũ khí siêu thanh và hạt nhân, ông biết rằng ông khó có thể sử dụng chúng. Nhưng kho vũ khí tấn công mạng lại có thể được dùng đến mỗi ngày.
Ông Biden tuyên bố rằng ông sẽ để ông Putin lựa chọn: Dừng tấn công và dẹp hoạt động của các tin tặc từ Nga, hoặc phải trả giá kinh tế đắt hơn nữa, cùng với cái mà ông Biden gọi là “sự đáp trả tương xứng” của Mỹ. Tuy nhiên, tại thượng đỉnh G7 trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận rằng ông có thể bị ông Putin phớt lờ cảnh báo này.
Răn đe là một vấn đề mà nhiều cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden nghĩ đến trong nhiều năm qua, dựa trên những kinh nghiệm trên tuyến đầu về đối phó với an ninh mạng ở Cơ quan An ninh quốc gia, Bộ Tư pháp và ngành tài chính Mỹ. Họ hiểu rằng những hiệp ước về kiểm soát vũ khí, công cụ chính của thời đại hạt nhân, sẽ không có tác dụng trong môi trường mạng. Trong không gian đó có quá nhiều nhân tố, gồm nhà nước, các tổ chức tội phạm, tổ chức khủng bố, và không có cách nào để đếm công cụ như đếm đầu đạn hạt nhân hay tên lửa.
Nhưng họ hy vọng rằng sẽ có thể khiến ông Putin bắt đầu bàn về những mục tiêu nên loại bỏ trong thời bình. Danh sách đó bao gồm các mạng cung cấp điện, hệ thống bầu cử, hệ thống cung cấp nước và xăng dầu, nhà máy điện hạt nhân, và hơn cả là các hệ thống kiểm soát và chỉ huy vũ khí hạt nhân.
Điều đó được đánh giá là nhiệm vụ khó khăn hơn cả nỗ lực đầu tiên để kiểm soát vũ khí hạt nhân mà cựu Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã đạt được với nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita S. Khrushchev tại Geneva cách đây 66 năm, ngay trước khi Chiến tranh Lạnh dẫn đến một cuộc đua vũ khí tồi tệ.