Thượng đỉnh Nga - Triều, Cành ô liu ở xứ bạch dương

Màn 'chào hỏi' giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Vladivostok sẽ đem lại điều gì cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên?Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Kim đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bốn lần, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ba lần và Tổng thống Mỹ Donald Trump hai lần, song ông vẫn chưa hề gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lần gần đây nhất một nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Nga là năm 2011, khi Chủ tịch Kim Jong-il công du Nga bằng xe lửa và gặp gỡ Tổng thống khi đó là ông Dmitry Medvedev.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: SkyNews)

Tuy nhiên, 8 năm sau, Bình Nhưỡng đã ở vị thế rất khác. Chủ tịch Kim Jong-un đến Vladivostok trong tư cách người đứng đầu một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ngang hàng trên bàn đàm phán với những Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc, nắm thế chủ động trong việc duy trì bầu không khí an ninh và chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Việc Thượng đỉnh tổ chức tại Vladivostok ở vùng Viễn đông Nga, cách không xa biên giới trên bộ với Triều Tiên, cũng ít nhiều cho thấy vị thế mới của Bình Nhưỡng trong mắt Moscow.

Quan trọng hơn, Thượng đỉnh với Nga không chỉ là cách Bình Nhưỡng khẳng định vị thế, mà còn khơi lại và mở ra một trang mới trong quan hệ Nga – Triều, đa dạng hóa “người chơi” trên bàn cờ chính trị Đông Bắc Á nhằm giảm sự chi phối đến từ Mỹ và Trung Quốc, tận dụng thời cơ phá thế cấm vận để phát triển kinh tế.

Về phần mình, sau khi Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc tại Hà Nội, Nga muốn thể hiện vai trò rõ nét hơn trong diễn biến phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Lợi ích chính của Nga tại Thượng đỉnh với Triều Tiên, tâm điểm tại Đông Bắc Á, chính là thể hiện sự hiện diện và tái khẳng định tiềm năng kinh tế - chính trị của Moscow trong khu vực này.

Tình xưa nghĩa cũ

Liên Xô là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên vào năm 1948 và viện trợ nhiều nhất cho Bình Nhưỡng trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Nga – Triều Tiên đã không còn như trước và chỉ ít nhiều khởi động lại sau khi ông Putin đắc cử Tổng thống năm 2000.

Do đó, chuyến thăm Nga lần đầu tiên của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mang ý nghĩa nối lại tình xưa nghĩa cũ. Bằng cách này, rõ ràng Bình Nhưỡng đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ với bên ngoài và gia tăng liên kết kinh tế với Moscow.

Một vấn đề cốt lõi trong quan hệ hai nước chính là số phận của 10.000 lao động Triều Tiên tại Nga. Xuất khẩu lao động mang đến nguồn thu quan trọng của quốc gia Đông Bắc Á, đóng góp một phần lớn vào công cuộc xây dựng nền kinh tế. Tuy nhiên, Nga đang cân nhắc trục xuất những lao động này theo Nghị quyết 2397 được phê duyệt tháng 12/2017, theo đó buộc các quốc gia phải cho hồi hương lao động Triều Tiên trong vòng 24 tháng kể từ ngày ra Nghị quyết, nhằm tránh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Trước tình hình đó, tuần trước, các quan chức Triều Tiên đã đề nghị Moscow tuyển dụng các lao động nước này sau khi thời hạn 24 tháng kết thúc và ông Kim đến Vladivostok không thể quên đề cập với ông Putin hồ sơ này.

Thêm vào đó, Thượng đỉnh Nga – Triều được kỳ vọng sẽ mang lại những bước tiến đáng kể trong hợp tác kinh tế song phương. Trước khi Liên hợp quốc áp đặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên, Bình Nhưỡng và Moscow đã theo đuổi một số dự án kinh tế chung như tuyến đường sắt giữa cảng Rajin của Triều Tiên và Khasan của Nga. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, với mục tiêu đấy mạnh hợp tác kinh tế, chắc chắn sẽ mong muốn nối lại những dự án này.

Tìm “phương thức mới”

Tuy nhiên, hợp tác kinh tế mới chỉ là một phần của câu chuyện. Trong chuyến thăm lần này, giới phân tích cho rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là “chìa cành ô liu” để Nga tham dự sâu hơn vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Triều diễn ra ngay sau khi có thông tin cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức Thượng đỉnh vào cuối tháng Năm. Mặc dù ký kết thỏa thuận thương mại là trọng tâm trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump, song chủ đề Triều Tiên chắc chắn sẽ được thảo luận, khi mà cả Mỹ và Trung Quốc đều là những người chơi lớn và có lợi ích trong câu chuyện trên bán đảo Triều Tiên.

Ở thời điểm hiện tại, Bình Nhưỡng vẫn đang khéo léo tận dụng những khác biệt về mục tiêu và lợi ích trên bán đảo Triều Tiên giữa hai cường quốc thế giới để tích lũy lợi thế trên bàn đàm phán với Mỹ. Song khi Thượng đỉnh Mỹ - Trung diễn ra và bất đồng dần phai nhạt, đàm phán với Washington vẫn dừng ở mức “kỳ kèo bớt một thêm hai”, còn quan hệ với Bắc Kinh không còn nồng ấm như trước, Chủ tịch Kim Jong-un cần thêm những “phương thức mới” theo cách nói của Lãnh tụ Triều Tiên.

Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ứng cử viên sáng giá hơn cả. Dù cho nền kinh tế không còn như trước, Nga vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với tiềm lực quân sự hùng hậu và quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Cùng với Bắc Kinh, Moscow đã nhiều lần bỏ phiếu phản đối các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhắm vào Triều Tiên, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ, đồng thời thể hiện lập trường ủng hộ Bình Nhưỡng trong một số vấn đề cốt lõi. Quan hệ Nga – Triều, trải qua nhiều thăng trầm sau bảy thập kỷ, vẫn tiếp tục phát triển và còn nhiều dư địa để khai thác.

Nga cũng không phải là “người dưng” khi từng tham dự đàm phán 6 bên về bán đảo Triều Tiên, bên cạnh Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên. Nhiều nguồn tin cho rằng phía Washington từng tham khảo ý kiến Moscow trong quá trình chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

Nga cũng luôn mong muốn mở rộng ảnh hưởng kinh tế - chính trị của mình ở Đông Bắc Á. Chính sách đối ngoại của Nga lâu nay vẫn tập trung chủ yếu vào các quốc gia Liên Xô (cũ) và Trung Đông, song rõ ràng Moscow không muốn bị “mất phần” tại khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng bậc nhất tại châu Á.

Thêm vào đó, Triều Tiên, một thị trường tiêu dùng mới mẻ, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ cùng nguồn khoáng sản thiên nhiên với trị giá ước tính 3.300 tỷ USD, là điểm đến lý tưởng đối với các doanh nghiệp Nga, vốn rất mạnh về công nghiệp khai khoáng.

Quan trọng hơn cả, Nga mong muốn hỗ trợ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, bởi Moscow hoàn toàn không muốn xảy ra một cuộc xung đột khác ngay cạnh biên giới của mình.

Do đó, có thể nói Thượng đỉnh Nga – Triều là sự lựa chọn cùng thắng và hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tay bắt mặt mừng như thể “yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên” vào ngày 24/4 tại Vladivostok sẽ một lần nữa minh chứng cho điều đó.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-nga-trieu-canh-o-liu-o-xu-bach-duong-92578.html