Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc: Nét vẽ khởi đầu cho một bức tranh có gam màu sáng?

Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra sáng 16/11 dù mang tính biểu tượng hay có ý nghĩa thực tế thì cũng rất quan trọng.

Bức ảnh chụp màn hình cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trực tuyến, sáng 16/11. (Nguồn: Reuters)

Bức ảnh chụp màn hình cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trực tuyến, sáng 16/11. (Nguồn: Reuters)

Kiểm soát cạnh tranh

Theo Kankanews, quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã có những thay đổi mạnh mẽ trong vài năm qua, với xu hướng ngày càng đối đầu trong nhiều lĩnh vực.

"Cạnh tranh" dường như đã trở thành từ ngữ chủ đạo trong quan hệ của chính quyền Tổng thống Biden với Trung Quốc. Điều này có thể thấy rõ trong nhiều bài phát biểu trước công chúng vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan.

Thực tế này khiến các nước ngày càng lo lắng về xu hướng quan hệ giữa hai nước.

Trong bối cảnh đó, cuộc gặp giữa các lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ tăng cường hơn nữa sự ổn định của quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Khi nói về cuộc gặp trực tuyến giữa ông Tập Cận Bình và Joe Biden, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki vẫn sử dụng thuật ngữ “cạnh tranh”.

Tuy nhiên, bà Psaky cũng đồng thời nhấn mạnh rằng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận làm thế nào để kiểm soát có trách nhiệm cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc; làm thế nào để tiến hành hợp tác ở những lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi.

Việc hai nước có thể vừa kiểm soát cạnh tranh, vừa hợp tác chắc chắn sẽ mang lại những tín hiệu cực hơn, có lợi cho hai bên, cho ổn định trật tự quốc tế trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do "va chạm" Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 gây ra.

Đúng như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ ra, trong quan hệ quốc tế có tồn tại cạnh tranh nhất định, nhưng đó phải là cạnh tranh lành mạnh dựa trên việc tuân thủ các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.

Động tác khởi đầu

Cuộc gặp thượng đỉnh đương nhiên là sự kiện rất quan trọng, nhưng một cuộc gặp không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, và về căn bản càng không thể xóa nhòa những bất đồng. Điều này không thực tế và cũng không cần thiết.

Vì vậy, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự kiện này bởi đây mới chỉ là bước khởi đầu cho quá trình hai nước tìm hiểu những cách thức mới để cùng tồn tại.

Tiếp theo, Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ toàn cầu, và Trung Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh. Có thể dự đoán rằng hai nước sẽ tiếp tục tham gia các khuôn khổ khác nhau trong các lĩnh vực quan trọng.

Vì vậy, cuộc gặp lần này là động tác khởi đầu trước khi hai bên cùng tham gia vào các diễn đàn khác.

Trung Quốc và Mỹ thực tế cần hợp tác với nhau. Điều này không chỉ được thể hiện trong Tuyên bố chung Glasgow về tăng cường hành động vì khí hậu vừa qua, mà còn thể hiện trong sự tăng trưởng mạnh mẽ quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Từ tháng 1-10 năm nay, khối lượng thương mại song phương tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và hợp tác kinh tế thương mại phù hợp với lợi ích cơ bản của hai bên.

Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát trong tháng 10/2021 của Mỹ lên tới 6,2%, việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc là lựa chọn đúng đắn của Washington.

Hy vọng rằng, cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước có thể giải quyết thực chất vấn đề.

Cuộc chiến trường kỳ

Việc cạnh tranh vị trí số 1 thế giới đã khiến mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng.

Trong 10 năm gần đây, Washington có lập trường ngày càng cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, mà đỉnh điểm là những năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo Foreign Affairs, cả hai nước đã bước vào cuộc chiến trường kỳ trên mọi mặt trận và ở quy mô lớn.

Về thương mại, các quan chức Mỹ đánh giá, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nặng ký. Đến cuối năm 2021, GDP của Trung Quốc sẽ đạt gần 71% GDP của Mỹ, trong khi vào thời Chiến tranh Lạnh, GDP của Nga chỉ tương đương 50% GDP Mỹ.

Có lẽ vì thế, dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, dù lời lẽ của Mỹ mang tính ngoại giao hơn so với thời của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng lập trường cứng rắn với Trung Quốc vẫn được giữ nguyên.

Trong Hướng dẫn chiến lược tạm thời về an ninh quốc gia đưa ra vào tháng 3/2021, chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục coi Trung Quốc là “đối thủ tiềm năng duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thách thức một cách lâu dài hệ thống quốc tế ổn định và mở”.

Trong báo cáo thường niên được công bố đầu tháng 11 này, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhận định Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới từ nay đến năm 2030, với 460 tàu chiến các loại.

Trong vòng 10 năm, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi ngân sách quân sự, hiện lên đến 208 tỷ Euro (nhưng vẫn chưa bằng 1/3 ngân sách của Mỹ, hiện là 643 tỷ USD), tập trung nâng cao năng lực không quân và hải quân.

Ngoài ra, hồ sơ hạt nhân cũng có thể được ông chủ Nhà Trắng đề cập trong cuộc thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc tại cuộc họp trực tuyến lần này.

Việc Trung Quốc tăng cường năng lực hạt nhân khiến Mỹ lo ngại. Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố gần đây cho biết đến năm 2030, Bắc Kinh sẽ có khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân, cao gấp hai lần so với con số ước tính do cơ quan này đưa ra năm 2020.

Ông Danny Russel, Phó Chủ tịch về An ninh Quốc tế và Đối ngoại, Viện Chính sách Xã hội châu Á cho rằng, với đà tăng tốc ngoạn mục cùng quy mô đầu tư trong hệ thống “bộ ba hạt nhân”, rõ ràng Trung Quốc đang chuyển từ chính sách răn đe hạt nhân sang tấn công hạt nhân.

(theo Kankanews)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-truc-tuyen-my-trung-quoc-net-ve-khoi-dau-cho-mot-buc-tranh-co-gam-mau-sang-165013.html