Thượng Hải phong tỏa, sinh viên 10 ngày không được tắm

Nhiều sinh viên ở Thượng Hải (Trung Quốc) trải qua khoảng thời gian dài khó khăn khi thành phố phong tỏa, ký túc xá đóng cửa, họ không thể ra ngoài.

Giữa tháng ba, ĐH Sư phạm miền Đông Trung Quốc đóng cửa. Cuộc sống của những sinh viên như Huanhuan thay đổi hoàn toàn.

Đại học đóng cửa đồng nghĩa với việc sinh viên ở yên trong trường, không được phép ra ngoài. Thậm chí, trong hơn 2 tuần đầu tiên, họ không thể rời ký túc xá. Đời sống thiếu thốn, bất tiện đủ bề khiến Huanhuan mất niềm tin vào nơi mình theo học.

Thiếu giấy vệ sinh, thuốc và không thể tắm rửa

Huanhuan cho biết trong khoảng thời gian đó, hầu hết sinh viên rơi vào cảnh thiếu các sản phẩm thiết yếu, từ giấy vệ sinh đến băng vệ sinh. Họ phải tự trao đổi đồ dùng với nhau. Nghiêm trọng hơn, một số người bạn của Huanhuan rối loạn tâm thần, phải dùng thuốc nhưng trường lại không cấp thuốc.

 Huanhuan dán chữ lên cửa nhà tắm công cộng để đòi quyền lợi tắm gội. Ảnh: Huanhuan.

Huanhuan dán chữ lên cửa nhà tắm công cộng để đòi quyền lợi tắm gội. Ảnh: Huanhuan.

Tuy nhiên, điều khiến nữ sinh khó chịu nhất là không thể tắm rửa. Ngày 16/4, trường đóng cửa phòng tắm công cộng của ký túc xá. Sau 10 ngày không được tắm, cô tức đến mức không ngủ nổi.

“Đây không chỉ là việc mất vệ sinh mà còn là cảm giác không được tôn trọng”, nữ sinh bức xúc.

Đêm đó, cô nằm nghĩ về thời THPT khi chỉ được phép tắm mỗi tuần một lần. Lúc đó, học sinh kêu than với nhau nhưng không dám ý kiến lên trường. Lần này, cô quyết tâm phản kháng. Huanhuan dùng băng dính màu đen, dán thành chữ “tôi cần tắm” trên cánh cửa nhà tắm khóa kín.

Ngày hôm sau, giáo viên gọi điện, phê bình cô. Vài giờ sau, băng dính bị gỡ xuống. Song Huanhuan đã chụp ảnh lại dòng chữ, đăng lên mạng. Bức ảnh lan truyền mạnh mẽ. Trước phản ứng của sinh viên, trường bắt đầu phát “vé tắm”.

Dù vậy, trường đưa ra rất nhiều nội quy mới. Vé ghi chính xác thời gian sinh viên được tắm - tối đa 20 phút/ngày. Nếu muốn rời ký túc xá, họ phải có giấy xin phép và mỗi lần, trường chỉ cho một người ra ngoài.

Nếu muốn dùng những thứ “xa xỉ” như mì gói, trà, họ cần tham gia cuộc bắt thăm trực tuyến do trường tổ chức với tỷ lệ trúng rất thấp, 10 suất cho hàng trăm sinh viên.

Xixi, sinh viên cao học tại ĐH Thượng Hải cũng trải qua thời kỳ thiếu thốn khi thành phố áp dụng lệnh phong tỏa. Ngày 2/3, trường thông báo sinh viên không được phép ra ngoài. Đó là một đêm hỗn loạn. Tất cả phải xét nghiệm Covid-19 dù không có thông báo chính thức nào. Các lớp học chuyển sang trực tuyến, canteen, cửa hàng trong trường sẽ sớm đóng cửa.

Lúc đầu, họ coi đây là trải nghiệm thú vị khi vẫn có thể tự do đi lại trong trường. Những sinh viên mắc kẹt ấy thậm chí còn tổ chức chương trình âm nhạc. Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng thay đổi theo hướng xấu.

Ngày 5/3, ĐH Thượng Hải thông báo một số sinh viên, trong đó có Xixi, tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19. Họ phải chuyển đến khách sạn của trường. Mười hai người cùng sinh hoạt trong một phòng họp suốt 4 ngày và chỉ tắm gội một lần.

Thời điểm họ rời khu cách ly, trường lại siết các biện pháp phòng dịch, yêu cầu sinh viên không được rời khỏi ký túc xá. Cuộc sống trở nên bất tiện.

Trước đây, sinh viên thường tắm trong phòng tắm công cộng ở tòa nhà khác của trường. Theo quy định mới, họ không được ra khỏi ký túc xá nên biện pháp duy nhất là tắm rửa bằng bồn rửa mặt trong nhà vệ sinh, đương nhiên không có nước nóng. Họ phải đun nước sôi để dùng.

Sáu người ở yên trong phòng ký túc suốt thời gian dài, chỉ được mua thức ăn từ canteen. Những thứ còn lại, từ trái cây đến băng vệ sinh, đều dựa vào nhân viên trường cung cấp.

Hầu hết họ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần khi cuộc sống là vòng tù túng - học online, ăn, nghịch điện thoại, ngủ.

Họ cố gắng làm gì đó vui vẻ. Một đêm nọ, nhóm sinh viên tổ chức cùng đứng bên cửa sổ ca hát. Tuy nhiên, nhân viên trường yêu cầu họ dừng lại khi mới chỉ hát được một bài.

 Mã QR để vào siêu thị và nhà tắm công cộng chuyển đỏ đồng nghĩa với Xixi không được vào 2 nơi này. Ảnh: Xixi.

Mã QR để vào siêu thị và nhà tắm công cộng chuyển đỏ đồng nghĩa với Xixi không được vào 2 nơi này. Ảnh: Xixi.

Cuộc sống phụ thuộc vào màu sắc mã QR

Từ ngày 25/4, mọi thứ được cải thiện, sinh viên ĐH Thượng Hải được phép rời ký túc xá, đi bộ trong khuôn viên trường. Họ chấp nhận cuộc sống bình thường mới khi gần như phải quét mã QR ở mọi nơi.

Thực tế, thời gian gần đây, người dân Trung Quốc đã quen với việc quét mã khi vào trung tâm thương mại, văn phòng. Nhưng tại trường đại học, việc áp dụng công nghệ này còn đi xa hơn.

Mã QR sẽ chuyển màu xanh vào thời gian nhất định trong ngày, tức lúc đó, sinh viên được vào siêu thị hoặc phòng tắm công cộng. Mỗi ngày, mã phòng tắm chuyển xanh trong 5,5 tiếng. Nhờ đó, cuối cùng, sinh viên cũng có thể tắm gội tử tế.

Với siêu thị, người học phải đăng ký trước song thường hết chỗ rất nhanh. Xixi thử một lần nhưng không thành công. Từ đó, cô chỉ mua đồ tại máy bán hàng tự động.

“Đây là cảm giác kỳ lạ. Tôi cảm thấy như tất cả hoạt động hàng ngày, ăn khi nào, bao giờ tắm, đều nằm trong kế hoạch của chính quyền. Thế hệ chúng tôi chưa từng trải qua bất cứ điều gì tương tự”, nữ sinh chia sẻ.

Thỉnh thoảng, cô tự hỏi cuộc đời mình đã thay đổi ra sao do dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa. Ở tuổi ngoài 20 tươi đẹp, cô cùng nhiều thanh niên khác lại mắc kẹt trong tình huống oái oăm. Có những ngày, Xixi tự hỏi mình không làm gì sai, sao lại bị nhốt như vậy.

Không chỉ Xixi, gần 25 triệu người dân ở Thượng Hải sống trong cảnh phong tỏa hơn 4 tuần nay. Nhiều sinh viên bị nhốt trong trường lâu hơn.

Họ vật lộn để thích nghi với cuộc sống mới. Bầu không khí căng thẳng bao trùm khắp trường. Một số sinh viên giải tỏa tâm lý bằng cách vi phạm lệnh phong tỏa, vẽ bậy lên hàng rào, than phiền trên mạng xã hội. Một số khác cố gắng vực dậy tinh thần để vượt qua thời kỳ khó khăn khi sinh hoạt gói gọn trong phạm vi hẹp và phụ thuộc nhiều vào màu sắc mã QR cài trên điện thoại.

“Chúng tôi không biết bao giờ thành phố gỡ lệnh phong tỏa. Là sinh viên Xã hội học, thành phố lockdown 2 tháng khiến tôi tự hỏi tại sao xã hội đang tiến bộ mà con người lại phải đối mặt với nhiều hạn chế. Tôi thường nghĩ về câu hỏi này nhưng không thể tìm ra câu trả lời”, Xixi tâm sự.

Bách Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuong-hai-phong-toa-sinh-vien-10-ngay-khong-duoc-tam-post1313824.html