Thương hiệu cho nông sản - vẫn thiếu và yếu

BP - Xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ để bán được nhiều sản phẩm mà còn là bán được giá cao, mang lại nhiều giá trị cho đất nước, doanh nghiệp và nông dân. Trên hết còn là duy trì sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sống và bảo đảm sự phát triển của giống nòi.

Sau mấy chục năm Việt Nam được coi là nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới, nhưng chưa có thương hiệu nên giá trị xuất khẩu thấp, đến cuối năm 2018, tại Festival lúa gạo lần 3 tổ chức ở Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công bố logo thương hiệu gạo Việt. Đây được coi là bước ngoặt tạo đà cho sản xuất lúa gạo. Và chỉ 1 năm sau, tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11 tổ chức tại Manila, Philippines vừa qua, hạt gạo dòng lúa thơm ST25 của Việt Nam đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”. Rất tiếc là đến thời điểm này, đây chỉ là một trong số ít nông sản nước ta có thương hiệu.

Hiện phần lớn nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không cao. Hoặc công nghệ chế biến lạc hậu nên chất lượng không bảo đảm, không đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng của đối tác. Đáng buồn là nhiều sản phẩm nông sản đặc sản của Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết đến, vì xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp trung gian nước ngoài hoặc gia công chế biến cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Cũng vì thiếu thương hiệu mà nhiều nông sản Việt Nam dễ bị “tổn thương” khi thị trường thế giới có biến động. Đơn cử như mới đây, hàng trăm container thanh long bị ùn ứ nhiều ngày ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) dẫn đến hư hỏng, tăng chi phí vận chuyển... do Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu và siết chặt thông quan hàng hóa.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn đến xây dựng thương hiệu nông sản gặp khó khăn là do chất lượng sản phẩm không đồng đều, ổn định, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường... Từ đó, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực tế này cho thấy, yếu tố tiên quyết trong xuất khẩu nông sản mang lại giá trị cao và bền vững là ngoài làm tốt khâu sản xuất, chế biến, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho các loại nông sản chủ lực. Theo đó, Nhà nước cần sớm bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nông sản theo hướng phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn thế giới; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý... đối với nông sản xuất khẩu chủ lực; nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP... Đồng thời xây dựng các chương trình quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại quốc gia với các thị trường trọng điểm và tiềm năng, nhất là với các nước đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam; tập trung giới thiệu những mặt hàng thế mạnh, tiềm năng, tránh dàn trải, thiếu chiều sâu...

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/thuong-hieu-cho-nong-san---van-thieu-va-yeu-4349