Thương hiệu của thành phố âm nhạc
Trở lại sau 13 năm gián đoạn, cuộc thi 'Tiếng hát Hà Nội' nhận được sự quan tâm của người yêu nhạc. Liệu những thay đổi tích cực trong khâu tổ chức có giúp cuộc thi trở thành một thương hiệu của thành phố trong lĩnh vực âm nhạc như nó đã từng, đặc biệt là khi Hà Nội chọn âm nhạc để phát triển công nghiệp văn hóa.
Vực lại thương hiệu một thời
Trong cuộc họp báo công bố cuộc thi "Tiếng hát Hà Nội" mới đây, ca sĩ Khánh Linh đã xúc động chia sẻ kỷ niệm của mình khi thi hát vào năm 17 tuổi. Khi đó, cuộc thi được biết đến rộng rãi với tên gọi "Tiếng hát truyền hình Hà Nội" và tại đây, Khánh Linh đã thể hiện xuất sắc ca khúc "Nếu điều đó xảy ra" - một sáng tác của chính anh trai ruột nữ ca sĩ - nhạc sĩ Ngọc Châu. Theo Khánh Linh, cuộc thi "Tiếng hát truyền hình Hà Nội" là dấu ấn khó quên trên con đường âm nhạc cá nhân, là bước đệm giúp sự nghiệp âm nhạc của cô thăng hoa.
Không chỉ với Khánh Linh, cuộc thi “Tiếng hát truyền hình Hà Nội” là bước đệm chắp cánh cho rất nhiều ca sĩ nổi tiếng. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994, duy trì định kỳ trung bình 2 năm một lần, “Tiếng hát truyền hình Hà Nội” từng là một thương hiệu âm nhạc uy tín của Thủ đô bên cạnh cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội” đã có truyền thống lâu năm, được tổ chức lần đầu vào năm 1987.
Thời kỳ đó, các chương trình giải trí trên truyền hình chưa nhiều và “Tiếng hát truyền hình Hà Nội” được xem như một hiện tượng, thu hút sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo khán giả. Với chất lượng chuyên môn cao, nhiều thí sinh trưởng thành từ cuộc thi đã trở thành những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng khi đó như NSƯT Mai Hoa, NSƯT Phương Anh, Anh Thơ, Hồ Quỳnh Hương, Hoàng Quyên, Kasim Hoàng Vũ...
Song, kể từ năm 2010, cuộc thi bị gián đoạn vì nhiều lý do. Và từ ngày 20-9 đến ngày 28-10 tới đây, cuộc thi “Tiếng hát truyền hình Hà Nội” sẽ trở lại trên sóng của Đài PT-TH Hà Nội với tên gọi “Tiếng hát Hà Nội 2023”. Đây là cơ hội để những giọng hát từ mọi miền Tổ quốc hát về Hà Nội, hát từ Hà Nội.
Góp phần xây dựng thành phố âm nhạc
Sự trở lại của một thương hiệu âm nhạc sau 13 năm gián đoạn đặt ra yêu cầu cần phải có sự thay đổi để có thể có được chỗ đứng trong vô vàn các gameshow phong phú về cả số lượng lẫn màu sắc như hiện nay. Theo nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài PT-TH Hà Nội, cuộc thi sẽ được thực hiện với nhiều điểm mới và sự đầu tư nghiêm túc về chất lượng. Để phù hợp xu thế, tăng tính tương tác với khán giả, cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội năm 2023” kết hợp hình thức thi trực tiếp trên sân khấu được truyền hình trên sóng và các nền tảng của Đài với việc chia sẻ trực tuyến trên YouTube. Từ sau vòng sơ loại, mỗi thí sinh được tạo kênh YouTube cá nhân theo nhận diện của cuộc thi để đăng tải hành trình tham gia cuộc thi. Lượt xem, lượt yêu thích và các tương tác trên kênh là một cơ sở để Ban tổ chức đánh giá và tìm ra thí sinh được khán giả yêu thích nhất.
Điểm khác biệt của cuộc thi so với mọi năm là khán giả sẽ là giám khảo từ vòng bán kết, giúp thí sinh không chỉ chú trọng về mặt chuyên môn, kỹ thuật trình diễn mà còn có ý thức về vai trò "người của công chúng" để xây dựng và hoàn thiện hình ảnh của mình. Ngoài cam kết về chất lượng chuyên môn của cuộc thi, nhà đài còn “chơi lớn” khi tiết lộ giải nhất lên tới trên 200 triệu đồng...
Sự trở lại của cuộc thi với một diện mạo mới là rất cần thiết khi nghệ thuật biểu diễn nói chung, âm nhạc nói riêng được xác định là lĩnh vực giàu tiềm năng, có nhiều lợi thế của Thủ đô để phát triển công nghiệp văn hóa. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội đã đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng những thương hiệu văn hóa mạnh, có sức cạnh tranh cao. Sau show diễn của ban nhạc đình đám Black Pink vừa qua, Hà Nội thêm một lần nữa khẳng định là điểm đến của những ban nhạc hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phải là nơi sinh ra những thương hiệu âm nhạc uy tín, biến Hà Nội thực sự trở thành thành phố âm nhạc.
Chính vì vậy, sự trở lại với diện mạo mới của cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội” không chỉ góp thêm màu sắc cho đời sống âm nhạc Thủ đô, mà còn phải trở thành một thương hiệu mạnh về âm nhạc mang chất riêng, là tiếng hát về Hà Nội và từ Hà Nội.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuong-hieu-cua-thanh-pho-am-nhac-640531.html