Thương hiệu Nhật dồn dập đổ vốn vào Việt Nam
Người Việt Nam vốn chuộng hàng Nhật và đó là một trong những lý do thời gian gần đây, ngày càng nhiều thương hiệu Nhật dồn dập đổ vốn vào Việt Nam.
Tất cả các gian hàng tại AEON MALL Hải Phòng Lê Chân, đặc biệt là Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, đã mở cửa đón khách. Ảnh: T.H
Sức nóng của thương hiệu Nhật
Dù phải tới ngày 24/12, AEON MALL Hải Phòng Lê Chân mới có lễ khai trương chính thức, nhưng đồng loạt vào ngày 14/12, tất cả các gian hàng, đặc biệt là Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, đã mở cửa đón khách.
Tuy là ngày đầu tuần, nhưng hàng ngàn lượt người tiêu dùng Hải Phòng đã tới tham quan và mua hàng, đông ngoài sức tưởng tượng của chính các nhà quản lý AEON MALL Hải Phòng Lê Chân. “Số người tới đây vào ngày mở cửa đầu tiên cao gấp 4 lần so với ở AEON MALL Hà Đông vào một năm trước”, một cán bộ của AEON Việt Nam, đơn vị phát triển Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị trong các AEON MALL cho biết.
Sức nóng của thương hiệu Nhật Bản chính là một trong những lý do căn bản nhất để giải thích cho sự đông đúc của AEON MALL Hải Phòng Lê Chân trong ngày mở bán đầu tiên. Dù Hải Phòng đã có không ít trung tâm thương mại, như BigC, VinMart…, nhưng AEON MALL với tổng diện tích mặt sàn khoảng 158.000 m2, 190 gian hàng, trong đó riêng Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị rộng 18.800 m2, nằm trên hai tầng lầu, xem ra vẫn có sức hút lớn hơn cả.
Sản phẩm chất lượng, tiêu chuẩn Nhật Bản, mức giá hợp lý ở AEON là điều hấp dẫn người tiêu dùng Hải Phòng. Hơn thế nữa, tham vọng của AEON khá rõ ràng, với vị trí giao thông thuận tiện, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản còn mong muốn biến AEON MALL Hải Phòng Lê Chân trở thành điểm đến mua sắm hấp dẫn, an toàn cho người tiêu dùng các địa phương lân cận, như Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình… Họ đã “ngóng đợi” AEON từ lâu, ngay từ khi nhà bán lẻ đình đám của Nhật Bản lên kế hoạch đầu tư đại siêu thị này ở Hải Phòng vào 3 năm trước.
Nhưng trên thực tế, AEON không phải là cái tên duy nhất được người tiêu dùng Việt Nam ngóng đợi. Uniqlo cũng là một ví dụ điển hình. Sau 1 năm mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM, Uniqlo hiện đã có 6 cửa hàng ở Việt Nam. Và bất cứ cửa hàng nào của Uniqlo được mở cũng đều thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt.
Cùng với AEON, Uniqlo, thời gian qua, hàng loạt thương hiệu lớn của Nhật Bản cũng bắt đầu các kế hoạch thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam. Trung tuần tháng 10 vừa qua, cửa hàng đầu tiên thuộc chuỗi dược mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản Matsumoto Kiyoshi đã mở cửa đón khách ở Vincom Đồng Khởi (TP.HCM). Muji cũng mở cửa cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 7. Và tất nhiên, tham vọng của họ cũng là không ngừng mở rộng hệ thống của mình tại Việt Nam, giống như hệ thống siêu thị FujiMart, hay Family Mart, MiniStop, 7-Eleven… đã và đang làm.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu Nhật Bản càng chứng tỏ một điều, “khẩu vị” đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đã thay đổi. Nhưng điều này cũng đã cho thấy tham vọng lớn của nhà đầu tư Nhật Bản tại thị trường Việt Nam. Đã có một thời, nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan “phủ sóng” thị trường Việt, còn bây giờ là thời để thương hiệu Nhật, vốn luôn được người tiêu dùng Việt ưa chuộng, trỗi dậy.
Chờ sự trỗi dậy của các nhà đầu tư Nhật Bản
Sức nóng của thương hiệu Nhật đối với Việt Nam không phải chỉ đến từ các thương hiệu hàng hóa, sản phẩm cụ thể, mà hơn hết, bản thân “nhà đầu tư Nhật Bản” đã là một thương hiệu lớn. Dù trên thực tế, 11 tháng qua, các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 2,1 tỷ USD, đứng thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, song không chỉ các nhà hoạch định chính sách, mà cả các địa phương đều luôn mong muốn thu hút vốn Nhật.
Tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở kết quả thành công của 7 giai đoạn trước đây, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 sẽ tiếp tục được thực hiện một cách có hiệu quả nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên
.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông
Không quá ồ ạt như các nhà đầu tư khác, sự cẩn trọng, tỉ mỉ của nhà đầu tư Nhật, đúng với phương châm “chậm mà chắc”, là điều khiến người Việt Nam tin tưởng. Chính phủ Việt Nam cũng vì thế luôn muốn vời nhà đầu tư Nhật Bản tới Việt Nam “làm tổ”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, thị trường Việt Nam đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. Trong cuộc tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Kitaoka Shinichi cách đây ít ngày, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư Nhật Bản.
“Nhật Bản đang xây dựng lại chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những địa điểm lý tưởng của việc này”, ông Kitaoka Shinichi cũng đã nói như vậy.
Trên thực tế, sau khi thông tin có 15 doanh nghiệp Nhật Bản nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật để dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, dư luận đã rất kỳ vọng sẽ có một làn sóng đầu tư từ Nhật đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, không có nhiều thông tin liên quan đến sự dịch chuyển này.
Mặc dù AEON, Uniqlo, hay các thương hiệu bán lẻ kể trên của Nhật Bản vẫn đang mở rộng quy mô hoạt động, song điều mà Việt Nam chờ đợi có lẽ là sự “trỗi dậy” của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Sau một thời gian dồn dập đổ vốn vào Việt Nam, những năm gần đây, đầu tư của Nhật vào Việt Nam đang dần chậm lại. Dù hiện tại, tính lũy kế, Nhật Bản vẫn đầu tư vào Việt Nam tới 60 tỷ USD, đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, song khoảng cách tới 10 tỷ USD so với nhà đầu tư lớn nhất - Hàn Quốc, với 70 tỷ USD, khiến các cơ quan quản lý, các địa phương ít nhiều kỳ vọng, sẽ có nhiều hơn nữa các khoản vốn Nhật đổ vào Việt Nam, để xứng với tiềm năng, lợi thế của nhà đầu tư Nhật.
Kỳ vọng thu hút nhiều hơn dòng vốn Nhật, nên Việt - Nhật đang tiếp tục thực hiện giai đoạn thứ 8 của Sáng kiến chung Việt - Nhật. Theo đó, hàng loạt lĩnh vực, như đẩy mạnh việc áp dụng án lệ, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, cạnh tranh công bằng, tự do; thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật PPP; cải thiện các vấn đề về môi trường lao động; cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán… đang được hai bên thảo luận và tháo gỡ vướng mắc.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuong-hieu-nhat-don-dap-do-von-vao-viet-nam-d134871.html