Thương hiệu nông sản và hành trình 12 năm gầy dựng

Nông nghiệp công nghệ cao và cuộc “chuyển đổi số” trong lĩnh vực nông nghiệp là khái niệm không còn xa lạ với nhiều người. Qua 12 năm hình thành và phát triển, trang trại công nghệ cao Unifram thuộc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), xã An Thái, huyện Phú Giáo đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin dùng. Công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp không những đã hình thành được thương hiệu mạnh cho sản phẩm nông nghiệp Bình Dương mà còn đem lại những giá trị đích thực cho người nông dân.

Tự hào nông nghiệp Bình Dương

Tại trang trại công nghệ cao Unifarm, quy trình trồng trọt đều khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn nhằm bảo đảm sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Toàn bộ quy trình chăm sóc dưa lưới đều ứng dụng theo công nghệ học tập từ Israel cho sản phẩm chất lượng đồng đều, năng suất cao. Hệ thống kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống tưới tại các nhà màng được kết nối đến hệ thống điều khiển trung tâm. Thay cho cách trồng trên luống truyền thống, dưa lưới tại trang trại được trồng trong những giá thể riêng biệt được xử lý triệt để các mầm bệnh có thể gây hại cho cây.

Chăm sóc…

Chăm sóc…

Dưới ánh nắng buổi sáng một ngày đầu xuân, chúng tôi được anh Trần Văn Hà, kỹ sư nông nghiệp tại trang trại Unifarm và đồng nghiệp dẫn đi tham quan thực tế tại các nhà màng trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Anh Trần Văn Hà cho biết, hiện trang trại có 15ha trồng dưa lưới đều sử dụng công nghệ tưới tự động. Quy trình trồng, chăm sóc được thực hiện đồng bộ cho tất cả 15 nhà màng.

“Các giá thể trồng tại trang trại có nhiều loại, tùy thuộc vào những đặc tính sẽ chọn những giá thể và công thức phân bón phù hợp cho từng giống cây trồng. Đối với một nhà màng được áp dụng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ bảo đảm được lượng nước và lượng dinh dưỡng đến cây trồng đồng bộ như nhau, bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển đồng đều và tạo ra các sản phẩm có chất lượng như nhau”, kỹ sư Hà chia sẻ.

Ngoài các nhà màng trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao, trang trại Unifarm hiện đang chuyên canh 300ha chuối phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Sau khi thẩm định và được nhượng quyền nhãn hiệu “Chuối Dole”, hiện sản phẩm chuối Unifarm đã có mặt hầu hết các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước, ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao và lựa chọn. 300ha chuối tại Unifarm được áp dụng công nghệ trong chăm sóc, tưới và “số hóa” các sản phẩm để có thể giám sát quản lý trong quá trình trồng, thu hoạch đến khi đóng gói, vận chuyển đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sơ chế…

Sơ chế…

Đứng vững trên thị trường

Trải qua 12 năm học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao như Israel, Mỹ, Nhật Bản… đến nay, trang trại nông nghiệp công nghệ cao của Unifarm đã gây trồng được nhiều loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao. Không giấu những kinh nghiệm tích lũy mà mình có được, Ban Giám đốc, đội ngũ kỹ sư tại Unifarm luôn sẵn sàng hợp tác với người dân, các doanh nghiệp để ngày càng làm tăng giá trị nông sản địa phương. Cụ thể, đến nay U&I đã có gần 30 cá nhân, đơn vị, các trang trại cùng liên kết hợp tác. Đơn vị hỗ trợ kỹ thuật canh tác, áp dụng những kết quả mình đạt được cho các đơn vị liên kết, thậm chí bao tiêu tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản.

Và xuất hàng

Và xuất hàng

Chia sẻ cùng chúng tôi, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I, cho biết từ năm 2010 Unifarm đã khảo nghiệm, ứng dụng rất nhiều công nghệ từ Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đồng thời mời những chuyên gia của các nước đến hợp tác, đầu tư, khảo nhiệm rất nhiều giống cây trồng.

“Trong 5 năm đầu, Unifarm đã miệt mài khảo nghiệm với 20 loại cây trồng từ dưa lưới đến ớt chuông, cà chua, măng tây, mít, chuối... Sau thời gian khảo nghiệm, chúng tôi xác định phải chọn cho mình những loại cây mà chúng tôi đã tiên phong, đồng thời có dư địa để phát triển. Cụ thể, các sản phẩm phải chiếm lĩnh được thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời có khả năng chuyển giao và nhân rộng cho người dân để cùng nhau phát triển. Chúng tôi đã chọn dưa lưới và chuối trở thành những sản phẩm chủ lực, trong đó dưa lưới là loại cây trồng mà Unifarm đã trở thành đơn vị đầu tiên trồng với quy mô lớn tại Việt Nam. Unifarm đã nhập khẩu nhà màng từ Israel và mời luôn chuyên gia sang để hỗ trợ. Ngay trong năm đầu tiên các sản phẩm của Unifarm đã đạt tiêu chuẩn Global GAP, từ đó đến nay Unifarm đã vào “cuộc chơi” nông nghiệp công nghệ cao”, ông Liêm nhớ lại.

Theo ông Liêm, khả năng của người nông dân Việt Nam là rất lớn để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, phù hợp yêu cầu khắt khe của thị trường một số nước. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nông nghiệp trong nước chưa thể phát huy và mang lại giá trị cao cho người nông dân bởi từ khâu thu hoạch, vận chuyển khiến sản phẩm không đạt yêu cầu hoặc chi phí gia tăng khiến lợi nhuận đến tay người dân rất thấp. Thấu hiểu những khó khăn của người nông dân, đến nay U&I cũng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các ngành chức năng để chia sẻ kinh nghiệm và tìm cơ hội hợp tác, chuyển giao kỹ thuật để người dân thật sự nhận được những giá trị, công sức xứng đáng mà mình đã bỏ ra.

“Để tham gia vào cuộc chơi nông nghiệp công nghệ cao, U&I đã xây dựng cho mình những dự án riêng biệt từ vùng trồng dưa lưới, vùng trồng chuối lớn và chất lượng. Kế đến là phải khai thác được thị trường, chúng tôi có những khách hàng lớn ở các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và một số siêu thị lớn tại Việt Nam. Hầu hết các hệ thống bán lẻ, các siêu thị tại Việt Nam đều đang là khách hàng của Unifarm”. Cũng theo ông Liêm, phải xây dựng được chuỗi cung ứng, logictics để sản phẩm từ đồng ruộng, trang trại được bảo quản tốt, vận chuyển nhanh nhất với chi phí hợp lý nhất. Kế đến là tận dụng tốt mạng lưới khách hàng, mạng lưới về logictics, kể cả vấn đề công nghệ số. Từ đó không chỉ tiêu thụ các sản phẩm của chính mình làm ra hoặc các trang trại liên kết mà Unifarm còn xác định vai trò, trách nhiệm hỗ trợ người nông dân đưa sản phẩm đến được với khách hàng trong và ngoài nước.

Có mặt tại địa phương trong 12 năm qua, Unifarm đã tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động địa phương và các tỉnh, thành khác. Hầu hết người nông dân đến trang trại qua quá trình “đào tạo lại” đều thích ứng với môi trường, phong cách làm việc mới. Trở thành những “nông dân công nghệ” đòi hỏi quy trình làm việc phải bảo đảm các yêu cầu khắt khe đặt ra. Tại nông trại Unifarm hầu hết lao động đều gắn bó ít nhất 7 - 8 năm làm việc, có gia đình cả 4 - 5 người đều làm việc cho trang trại với thu nhập bình quân hơn 11 triệu đồng/người/tháng. Trang trại còn bố trí chỗ ăn ở cho khoảng 250 lao động là người ngoài tỉnh để tất cả an tâm sinh hoạt, lao động.

MINH DUY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/thuong-hieu-nong-san-va-hanh-trinh-12-nam-gay-dung-a266960.html