Thương hiệu quốc gia đón đầu xu thế giảm phát thải

Trước xu hướng xanh hóa trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia khẳng định vai trò tiên phong bằng hành động cụ thể hướng tới kỷ nguyên xanh.

Bất chấp khó khăn, thách thức từ biến động của thương mại thế giới nhưng với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm và giá trị doanh nghiệp. Hơn nữa, trước xu hướng xanh hóa trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đã khẳng định vai trò tiên phong bằng những hành động cụ thể để hướng tới kỷ nguyên xanh.

Biểu trưng của Thương hiệu Quốc gia. Ảnh minh họa

Biểu trưng của Thương hiệu Quốc gia. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện từ năm 2003, với mục tiêu xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế thương hiệu Việt và thúc đẩy phát triển ngoại thương.

Do đó, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024. Đặc biệt, việc thăng hạng về giá trị Thương hiệu quốc gia đã thể hiện nỗ lực, vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, dũng cảm xâm nhập vào những thị trường khó tính với nhiều quy định khắt khe như EU, Nhật Bản…

Hơn nữa, trước tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng do hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thế giới hiện đang chuyển hướng sang tiêu dùng xanh, phát triển xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, hiện thực hóa trong các cam kết quốc tế, Việt Nam quyết tâm xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh được thể hiện thông qua các cam kết về phát triển xanh, phát triển bền vững trong các FTA như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)…

Đáng lưu ý, thương mại xanh đã trở thành xu hướng tất yếu và là khâu cuối cùng trong quy trình xanh hóa, đưa sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng trên khắp thế giới. Do đó, sản phẩm để đứng vững và phát triển trên thị trường toàn cầu phải an toàn, có khả năng tái tạo, được sản xuất trách nhiệm, hạn chế sản phẩm dùng nhanh, xả thải ra môi trường.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá: Việc xây dựng và định vị thương hiệu xanh, vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và sản phẩm là quan trọng như nhau. Thời gian qua, việc xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh đã và đang được triển khai đồng bộ, nhất quán ở các cấp, ngành và được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, triển khai.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào sân chơi quốc tế, các thị trường phát triển ngày càng yêu cầu cao về sản xuất và thương mại gắn liền với phát triển bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện những cam kết mạnh mẽ về kinh tế xanh và tham gia tích cực vào cuộc đua giảm phát thải carbon.

Sữa Vinamilk cùng câu chuyện đầy tự hào của Thương hiệu quốc gia Việt Nam chinh phục thế giới. Ảnh minh họa

Sữa Vinamilk cùng câu chuyện đầy tự hào của Thương hiệu quốc gia Việt Nam chinh phục thế giới. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Việt Nam cũng thể hiện cam kết này qua các hiệp định thương mại tự do mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA); trong đó, yêu cầu sản xuất xanh là điều kiện tiên quyết để tham gia. Các FTA này có những tiêu chí khắt khe về bảo vệ môi trường, là động lực để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này không chỉ giúp Việt Nam phát triển bền vững mà còn củng cố hình ảnh một quốc gia cam kết bảo vệ môi trường với đối tác quốc tế.

Hệ thống tiêu chí lựa chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia của Việt Nam cũng được xây dựng chặt chẽ, nghiêm ngặt, yêu cầu doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và ứng dụng những công nghệ xanh, thân thiện với môi trường trong toàn bộ quy trình sản xuất. Do vậy, nhiều doanh nghiệp Việt đã hưởng ứng xu hướng này bằng cách coi đầu tư sản xuất xanh là chiến lược phát triển với lợi thế cạnh tranh dài hạn, từ đó đóng góp vào sứ mệnh xây dựng thương hiệu Việt thân thiện và có trách nhiệm với môi trường.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuong-hieu-quoc-gia-don-dau-xu-the-giam-phat-thai/370101.html