Thương hiệu Quốc gia là 'bệ phóng' đưa doanh nghiệp vươn ra thế giới

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã đạt được nhiều kết quả sau gần 20 năm thực hiện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao chứng nhận cho các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao chứng nhận cho các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Tối 2/11, Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022, với chủ đề "Kiến tạo tương lai" đã vinh danh 172 doanh nghiệp và 325 sản phẩm. So với năm 2020, năm nay có thêm 48 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Các doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1,57 triệu tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129.000 tỉ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600.000 lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Lễ trao giải, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện từ năm 2003.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Lễ trao giải.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Lễ trao giải.

Chương trình có mục tiêu xây dựng, phát triển Thương hiệu Quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các thương hiệu mạnh trên thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp, quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sau gần 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành "bệ phóng" vững chắc cho các doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới, kiến tạo những giá trị sức mạnh cho đất nước.

Thông qua Chương trình, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu như là “chìa khóa” để giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị doanh nghiệp để từ đó thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của doanh nghiệp tại thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình này cũng đóng góp không nhỏ trong việc gia tăng giá trị và thứ hạng thương hiệu của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo Brand Finance, năm 2022, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng từ 388 tỷ USD lên 413 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí số 32 trên bảng xếp hạng thương hiệu quốc gia mạnh nhất trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng thương hiệu của Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng74% trong giai đoạn 2019 - 2022.

Phát biểu chúc mừng 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp và nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự nỗ lực lớn của toàn hệ thống, đặc biệt là doanh nghiệp vì đây còn là tài sản của quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng việc “tạo ra được thương hiệu rất khó nhưng duy trì thương hiệu lại càng khó hơn”. Ông lưu ý các doanh nghiệp cần phải xây dựng được niềm tin của xã hội, của khách hàng trong và ngoài nước, thông qua chất lượng, giá trị sản phẩm, hình ảnh người đứng đầu, đạo đức kinh doanh…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu, thông qua biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho xã hội.

Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đảm bảo và không ngừng củng cố, nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của sản phẩm thương hiệu thông qua hệ thống sản xuất, quản trị tiên tiến và hoạt động tài chính công khai minh bạch, bền vững.

Ngoài ra còn cần áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như đi đầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ thiên nhiên, môi trường…

Thủ tướng tin tưởng trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Ông Hà Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Dược phẩm TV Pharm.

Ông Hà Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Dược phẩm TV Pharm.

Ông Hà Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Dược phẩm TV Pharm cho biết, đây là năm đầu tiên sản phẩm của TV Pharm đạt được danh hiệu này. Đây chính là nguồn động viên, sự công nhận cho sản phẩm của công ty, giúp cho sự phát triển của công ty cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Danh hiệu này cũng đồng thời là trách nhiệm của công ty trong gìn giữ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với thị trường quốc tế, sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia được khách hàng quốc tế đánh giá cao hơn, có lòng tin với sản phẩm, giúp doanh nghiệp có sự tự tin để quảng bá sản phẩm.

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thuong-hieu-quoc-gia-la-be-phong-dua-doanh-nghiep-vuon-ra-the-gioi-post13651.html