Thương mại bán lẻ của Nga phục hồi trở lại mức trước khi bị trừng phạt

Trong mùa hè này, thương mại bán lẻ ở Nga đã vượt qua mức ghi nhận lần cuối trước khi quốc gia này bị phương Tây gia hạn các biện pháp trừng phạt vào đầu năm ngoái.

Trích dẫn trên được hãng tin RT đưa tin từ kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn FinExpertiza dựa trên dữ liệu từ cơ quan thống kê nhà nước Rosstat.

Theo các nhà phân tích, doanh số bán lẻ của Nga sụt giảm từ tháng 4/2022 sau khi Moscow bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó, dẫn đến việc người Nga “giảm chi tiêu không cần thiết và đua nhau tích lũy tiền mặt cho tương lai”.

Sau đó, doanh thu bán lẻ giảm 12 tháng liên tiếp cho đến tháng 3/2023, trước khi bắt đầu phục hồi trở lại vào tháng 4. Theo nghiên cứu, doanh số bán hàng đã vượt qua mức trước xung đột vào tháng Bảy.

 Ảnh minh họa: Getty Images.

Ảnh minh họa: Getty Images.

“Tiêu dùng hàng hóa của người dân hiện đã vượt mức trước chiến sự ở Ukraine. Trong tháng 7, kim ngạch thương mại bán lẻ đạt 4 nghìn tỷ rúp (41,6 tỷ USD), cao hơn 10,5% so với tháng 7 năm 2022 và cao hơn 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, được điều chỉnh theo lạm phát”, các nhà phân tích viết.

Nghiên cứu cũng cho biết doanh số bán thực phẩm ở Nga trong kỳ báo cáo đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh số bán hàng phi thực phẩm tăng 17,7%. Kim ngạch hàng thực phẩm tăng 2,4% so với năm 2021, trong khi kim ngạch phi thực phẩm tăng 0,3%.

Theo phân tích, tăng trưởng thương mại bán lẻ không đồng đều trên cả nước. Trong khi các khu vực như Ingushetia, Kabardino-Balkaria, Novosibirsk, Dagestan và một số khu vực khác cho thấy doanh số bán hàng tiêu dùng tăng đáng kể thì khoảng một nửa khu vực của Nga đang phục hồi với tốc độ chậm hơn, đặc biệt là Sevastopol, Crimea, Astrakhan, Bryansk, Belgorod và khu vực Moscow.

Elena Trubnikova, người đứng đầu FinExpertiza, nói với RIA Novosti: “So với năm ngoái, việc mua các sản phẩm phi thực phẩm đặc biệt tăng lên, bao gồm cả hàng hóa lâu bền, việc mua hàng mà trước đây người tiêu dùng đã quyết định trì hoãn vì muốn tích tiền dự trữ”.

“Doanh thu dịch vụ ăn uống công cộng cũng đang tăng trưởng với tốc độ cao. Bà nói thêm, sự cải thiện trong tâm lý người tiêu dùng được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng của thu nhập hộ gia đình, đồng thời cảnh báo rằng sẽ “còn quá sớm để nói về sự lạc quan bền vững của người tiêu dùng”.

Các nhà phân tích kỳ vọng mức tiêu thụ tổng thể vẫn ở mức cao nhưng cảnh báo rằng những biến động có thể xảy ra.

Điệp Nguyễn (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuong-mai-ban-le-cua-nga-phuc-hoi-tro-lai-muc-truoc-khi-bi-trung-phat-post266399.html