Thương mại điện tử khơi thông 'điểm nghẽn' tiêu thụ nông sản

Xuân 2022 - Dịch Covid-19 khiến công tác tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh rơi vào bế tắc; nhiều loại nông sản đứng trước tình trạng “được mùa mất giá”, thậm chí hư hỏng, không thể bán ra thị trường. Để tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, ngành Công thương nỗ lực khơi thông “điểm nghẽn” tiêu thụ nông sản bằng việc đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm gian hàng các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại HTX Thuận Hòa (Vị Xuyên)

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm gian hàng các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại HTX Thuận Hòa (Vị Xuyên)

Bên tách trà nóng ngày đầu Xuân, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Khắc Quyền chia sẻ: Năm 2021, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên phần lớn các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh đều hoạt động cầm chừng do lệnh cấm di chuyển đến các tỉnh và hạn chế tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Chủ tịch UBND tỉnh. Để kịp thời thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, Ban Giám đốc Sở Công thương tích cực tham mưu đổi mới phương thức xúc tiến thương mại; tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, HTX thực hiện xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch TMĐT.

Lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với khu du lịch của HTX Thuận Hòa (Vị Xuyên)

Lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với khu du lịch của HTX Thuận Hòa (Vị Xuyên)

Theo đó, ngành Công thương phối hợp duy trì hoạt động các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; tổ chức Hội thi sản phẩm cam Sành Hà Giang, niên vụ 2020 - 2021 tại huyện Bắc Quang. Hỗ trợ gian hàng cho các HTX tiêu thụ sản phẩm cam tại thành phố Hà Giang, Hà Nội vào trong hệ thống các siêu thị. Xây dựng và đưa vào hoạt động gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại Quảng trường 26-3. Tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) và xã Đồng Tâm (Bắc Quang). Tư vấn, hỗ trợ 14 doanh nghiệp, HTX thành lập website giới thiệu, quảng bá sản phẩm để liên kết với sàn giao dịch TMĐT. Xây dựng kế hoạch về công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia một số hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại tại Thành phố Hà Nội và một số tỉnh, khu vực miền Bắc. Phối hợp với tập đoàn FPT thiết kế gian hàng triển lãm thực tế ảo 3D và truyền thông, quảng cáo sản phẩm của tỉnh trên nền tảng số.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Khắc Quyền (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo các sở, ngành trải nghiệm giao dịch trên sàn thương mại điện tử

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Khắc Quyền (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo các sở, ngành trải nghiệm giao dịch trên sàn thương mại điện tử

Đặc biệt, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tỉnh Hà Giang, niên vụ 2021 – 2022. Để giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận và chủ động đưa các sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch TMĐT, Sở Công thương phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn vận hành gian hàng trực tuyến trên sàn TMĐT và hỗ trợ tiêu thụ trên các sàn TMĐT. Thu thập thông tin, hình ảnh, quay video clip các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT như: Lazada, Sendo, Vietnam Post... Phối hợp với HTX Thuận Hòa (Vị Xuyên) tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu. Hỗ trợ điểm tập kết, các điểm trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm cam, các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại thành phố Hà Giang, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Phối hợp với Hiệp hội cam Sành Hà Giang và các đơn vị hỗ doanh nghiệp, HTX tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống các siêu thị. Tổ chức trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa du lịch, sản phẩm đặc trưng của tỉnh và không gian thưởng trà tại Quảng trường 26-3. In ấn bao bì sản phẩm cam hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX và phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm.

Việc đưa nông sản của tỉnh lên các sàn TMĐT thời gian qua khẳng định vai trò quan trọng của ngành Công thương khi đã có hàng trăm loại mặt hàng được bán trên các sàn TMĐT; hàng chục nghìn tấn cam được tiêu thụ. Tuy nhiên, do TMĐT là phương thức tiêu thụ khá mới với bà con nông dân, nhất là người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa; các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại bị nhiều xáo trộn, thay đổi do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên công tác tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp, HTX mặc dù đã áp dụng công nghệ thông tin để tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT nhưng sản lượng tiêu thụ chưa cao do công tác vận hành của các đơn vị còn hạn chế...

“Bước sang năm 2022, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn nhưng ngành Công thương xác định đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại; tiếp tục áp dụng công nghệ tiên tiến, TMĐT... để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia chuyển đổi số; áp dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT và thực hiện công tác giao thương, kết nối bằng hình thức trực tuyến. Vận động, nâng cao ý thức người dân trong sản xuất nông sản an toàn, bảo đảm các quy định chất lượng đã cam kết với các sàn TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng” – Giám đốc Sở Công thương, Nguyễn Khắc Quyền cho biết thêm.

Bài, ảnh: Kim Tiến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202202/thuong-mai-dien-tu-khoi-thong-diem-nghen-tieu-thu-nong-san-e725ea7/