Thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021
Các chuyên gia dự báo, giai đoạn 2021-2025 là thời gian phát triển nhanh của thương mại điện tử với mức tăng trưởng là 29% và năm 2025 quy mô kinh tế số của Việt Nam có thể đạt tới 52 tỷ USD.
Mặc dù dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế nhưng năm 2020 thương mại điện tử của Việt Nam vẫn tăng trưởng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD.
Chính vì vậy, tại lễ công bố chỉ số thương mại điện tử năm 2021 trong khuôn khổ sự kiện Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 20/4, giới phân tích khẳng định rằng thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021.
Chia sẻ tại lễ công bố, đại diện VECOM nhấn mạnh thời gian qua, các doanh nghiệp đã năng động hơn và bước đầu thích nghi đến kinh doanh trực tuyến. Cùng với đó, cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh đem tới sự tăng trưởng cho nhiều ngành như bán lẻ hàng hóa, gọi xe, giao đồ ăn, thanh toán trực tuyến, tiếp thị và đào tạo trực tuyến.
Liên quan đến việc xếp hạng chỉ số thương mại điện tử giữa các địa phương, VECOM cho biết, ngay từ năm 2020, Chính phủ điện tử đã phát triển mạnh mẽ tại các địa phương, nhiều dịch vụ công trực tuyến liên quan đến thương mại điện tử do các bộ, ngành cung cấp.
Bên cạnh đó, khoảng cách Chính phủ điện tử giữa các tỉnh thành ngày càng được thu hẹp, do đó Hiệp hội sẽ ngừng sử dụng trụ cột về giao dịch giữa Chính phủ với doanh nghiệp (G2B) khi tính chỉ số thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành VECOM, cho biết quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay vẫn đang tập trung ở hai trung tâm kinh tế lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Xu hướng hiện nay và nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và được coi là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam.
Ngoài ra, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn vào hàng hiệu, hàng giá trị cao hay tiết kiệm để mua sắm thiết yếu hơn đều là cơ hội cho nhà bán lẻ.
Đồng quan điểm, ở góc độ đội ngũ vận hành một trang thương mại điện tử quy mô lớn trên thế giới, ông Trịnh Khắc Toàn, đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cũng chia sẻ rằng, tỷ trọng thương mại điện tử đang tăng mạnh bởi 5 năm qua tăng trưởng của doanh số bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử thế giới tăng lên 22%, dự báo năm 2021 mức độ tăng trưởng hơn 20%.
Thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử Amazon để kết nối với các nhà phân phối và tiếp cận 300 triệu người tiêu dùng khắp thế giới.
Hơn nữa, khi bán hàng trên Amazon, người bán hàng Việt cần tận dụng tối đa năng lực hoàn thiện đơn hàng đồng thời chú ý xây dựng thương hiệu ngay từ ngày đầu tiên khởi tạo bán hàng trên Amazon như thương hiệu gạo Ecoba, Trung Nguyên Legend.
Tại lễ công bố, các chuyên gia cho rằng, chỉ số thương mại điện tử năm 2021 này sẽ được tổng hợp từ 3 tiêu chí gồm nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Hơn nữa, điểm trung bình chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 của các địa phương là 8,5 điểm đã phản ánh rõ khoảng cách giữa các địa phương khi điểm trung bình của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cách xa với phần còn lại.
Đáng lưu ý, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu về xếp hạng chỉ số thương mại điện tử với 67,6 điểm; Hà Nội xếp vị trí thứ 2 với 55,7 điểm. Đà Nẵng xếp vị trí thứ 3 với 19 điểm, cách một khoảng rất xa so với hai thành phố đứng đầu.
Top 5 các địa phương đứng đầu cũng có thay đổi so với năm trước khi Đồng Nai đã vươn lên vị trí thứ 5 ngay sau Bình Dương, với 11,14 điểm (năm ngoái đứng thứ 7). Hải Phòng từ xếp hạng thứ 3 xuống vị trí thứ 6.
Các địa phương thuộc khu vực phía Bắc và Tây Nam Bộ có mức độ phát triển thương mại điện tử thấp nhất khi đứng ở cuối bảng xếp hạng.
Đặc biệt, chỉ số thương mại điện tử trong những năm qua cho thấy mức độ chênh lệch về chỉ số thương mại điện tử giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa có nhiều dấu hiệu thay đổi.
“Điểm số trung bình của các địa phương còn lại rất thấp và không có sự chênh lệch đáng kể. Điều này cho thấy thứ hạng của nhóm thứ ba có ý nghĩa tương đối và có thể nhanh chóng thay đổi qua từng năm nếu các địa phương nỗ lực triển khai hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử,” đại diện VECOM khẳng định.
Giai đoạn 2016-2020, khoảng cách thương mại điện tử giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương còn lại hầu như không thay đổi.
Thực tế này chứng tỏ nhiều địa phương chưa khai thác được cơ hội do thương mại điện tử mang lại, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chậm mở rộng quy mô kinh doanh và tăng trưởng bền vững.
Các chuyên gia dự báo, giai đoạn 2021-2025 là thời gian phát triển nhanh của thương mại điện tử với mức tăng trưởng là 29% và năm 2025 quy mô kinh tế số của Việt Nam có thể đạt tới 52 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu các địa phương ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch thương mại điện tử từ doanh nghiệp với khách hàng của toàn quốc cần có sự phối hợp chặt chẽ, hành động quyết liệt của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Thống kê từ VECOM, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD; trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%./.