Thương mại điện tử và nỗi lo 800.000 tấn rác thải vào năm 2030

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây và dự báo còn tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui của một thị trường phát triển còn đi kèm với nỗi lo về rác thải của thị trường này sẽ lên tới 800.000 tấn vào năm 2030. Vấn đề này gần đây đã được đặt ra và cũng là chuyện phải tính đến nếu Việt Nam muốn phát triển một thị trường TMĐT 'xanh'.

Thương mại điện tử là hình thức mua hàng tiện ích nhưng đang tạo ra lượng rác thải rất lớn. Ảnh minh họa: DNCC

Thương mại điện tử là hình thức mua hàng tiện ích nhưng đang tạo ra lượng rác thải rất lớn. Ảnh minh họa: DNCC

Rác thải thương mại điện tử tăng mạnh

Chị Thanh Vân, một bà mẹ có 3 con đang tuổi học đại học và trung học cơ sở sinh sống tại phố Nguyên Hồng (Hà Nội) cho biết chỉ 2-3 tháng là chị lại gom được hàng chục kilogram giấy vụn và túi nylon. Số phế liệu này chị gom lại được từ bao bì hàng hóa mà các con chị mua qua các kênh TMĐT như sàn Shopee, Lazada, Tiki, Facebook…

Ảnh minh họa: Online.gov.vn

Ảnh minh họa: Online.gov.vn

Các con của chị Vân cũng như nhiều thanh niên khác, nghiện mua hàng qua kênh TMĐT do tính tiện dụng và nhiều sản phẩm giá còn hợp lý hơn kênh mua hàng trực tiếp tại cửa hàng.

Cách nhà chị Vân chỉ 2 kilomet, chị Thanh, chủ một tiệm đồ trang trí nội thất cho ngôi nhà, cho biết cửa hàng chị bán ở trong ngõ nhỏ nên phần lớn khách hàng của chị đến từ kênh TMĐT. Chị Vân cho hay do xu hướng mua hàng online ngày càng phát triển nên một năm nay, lượng hàng hóa chị bán được gấp đôi năm ngoái. Cùng với đó thì số bìa carton, nylon… chị Thanh dùng cho việc làm bao bì đóng gói hàng hóa cũng tăng lên gấp đôi.

Thực tế cho thấy, đáp ứng nhu cầu cuộc sống bận rộn cũng như sự xâm nhập mạnh mẽ của các nền tảng TMĐT (như Grab Food, Now…), việc mua đồ ăn qua mạng cũng trở nên phổ biến thời gian gần đây. Hình thức mua hàng này cũng tạo ra lượng rác thải nhựa, giấy rất lớn, trong khi nếu ăn trực tiếp thì không tạo ra lượng rác thải lớn.

Lo ngại về vấn đề trên, Hiệp hội TMĐT Việt Nam cuối tháng 4 vừa qua đã tổ chức hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử”. Tại hội thảo này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho rằng số lượng rác thải từ thương mại điện tử, mua hàng qua mạng tăng ít nhất 5 lần so với thương mại truyền thống.

Ông Tuấn lý giải, chỉ một đơn hàng giá trị nhỏ nhất đã phải đóng gói và sử dụng các vật liệu từ carton, túi nylon, băng keo… trong khi đó, nếu mua hàng truyền thống thì có thể sử dụng túi nylon ít hơn và gần như không sử dụng băng keo, bìa carton.

Việc đóng gói quá kỹ dẫn tới sử dụng bao bì nhiều hơn mức cần thiết. Người bán hàng thường muốn bảo đảm rằng hàng hóa đến tay khách hàng trong tình trạng hoàn hảo nhất. Hàng hóa thường được bọc bằng hai hoặc ba lớp giấy và bao nilon, thậm chí được chèn thêm xốp hơi trước khi đặt vào hộp.

Cũng tại hội thảo trên, ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho biết tại Việt Nam năm 2023 bán lẻ hàng hóa trực tuyến sử dụng 1,84 tỉ gói hàng hóa, tương đương với khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306 ngàn tấn. Trong đó hộp carton và túi nylon là loại bao bì phổ biến được đơn vị bán hàng sử dụng đóng gói đơn hàng. Ngành quần áo, thời trang, phụ kiện và đồ ăn nhanh có đến 90% thương nhân sử dụng túi nylon, hộp, cốc nhựa để đóng gói.

Bên cạnh đó, phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nylon bong bóng khí với tỉ lệ tương ứng là 30% và 35%. Các đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa.

“Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030, quy mô TMĐT Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ TMĐT sẽ lên tới 800 ngàn tấn”, ông Hưng nói.

Một số đơn vị còn đưa ra những báo cáo thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam còn cao hơn nhiều dự báo trên trong năm 2024. Theo thống kê của Metric, doanh thu bán lẻ trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam quí 1 năm nay đạt đến 71,2 ngàn tỉ đồng, tăng trưởng 79% so với cùng kì năm ngoái (chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream).

Cần nhanh chóng có chính sách, giải pháp

Hiện nhiều ngành đã có chính sách phát triển “xanh”. Song ông Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho rằng hiện nay các chính sách về kinh tế số và TMĐT phần lớn vẫn tập trung vào các giải pháp cho phát triển nhanh. Nhưng đã đến lúc cần phải có các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và TMĐT bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó, người tiêu dùng trực tuyến và các doanh nghiệp TMĐT cũng như logistics là những đối tượng nòng cốt thực thi các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững.

Ông Hưng mong cơ quan chức năng liên quan sớm nghiên cứu đưa vấn đề về bảo vệ môi trường vào các kế hoạch, chiến lược cụ thể để logistics nói chung và TMĐT nói riêng phát triển bền vững.

Phân tích kỹ hơn về ý kiến trên, ông Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho rằng, để phát triển TMĐT bền vững cần 6 nhóm đối tượng tham gia trực tiếp vào giảm rác thải gồm khối cơ quan quản lý Nhà nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp TMĐT, logistics, hoàn tất đơn hàng; cơ quan truyền thông, báo chí; hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng các đơn vị liên quan khác.

Ông Tuấn cũng giới thiệu định hướng chính sách phát triển TMĐT gắn với bảo vệ môi trường tới năm 2030. Về chính sách, cần ưu tiên và có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường trong TMĐT.

Bên cạnh đó là xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp TMĐT xanh, mô hình TMĐT bền vững. Xây dựng và khuyến khích áp dụng bộ tiêu chuẩn đóng gói hàng hóa cho TMĐT theo hướng ưu tiên sử dụng vật liệu có thể tái chế, giảm rác thải nhựa.

Các chuyên gia cho rằng khi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng, TMĐT cũng bắt buộc phải chuyển mình.

Những doanh nghiệp tiên phong

Trước khi các cơ quan nhà nước đưa ra chính sách nhằm giảm rác thải trong TMĐT, một số doanh nghiệp đã tiên phong áp dụng giải pháp “xanh” hóa.

Cách đây 1 năm, Gojek và thương hiệu xe máy điện Việt là Dat Bike đã thí điểm sử dụng xe máy điện để phục vụ các nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn. Việc sử dụng xe điện Dat Bike có thể giúp các đối tác tài xế Gojek hạ thấp chi phí nhiên liệu tới hơn 4 lần so với xe xăng, tiết kiệm chi phí hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường bằng việc ngưng xả thải. Gojek Việt Nam cho rằng đây là một bước đi quan trọng trong việc giảm lượng khí thải và chuyển đổi phương tiện vận hành sang 100% xe điện – góp phần chung tay với Chính phủ trong các mục tiêu chung về giảm phát thải, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Trước Gojek, một nền tảng đa dịch vụ khác là Grab cũng đã triển khai thêm dòng xe 2 bánh điện để cung cấp dịch vụ. Theo đó Grab đã khuyến khích tài xế sử dụng dòng xe điện tham gia vận chuyển hàng hóa, thực phẩm bên cạnh dòng xe máy chạy xăng như thông thường. Grab cho biết đây là nỗ lực nhằm mang lại cho đối tác tài xế thêm đơn hàng từ những người dùng ưa chuộng “lối sống xanh”, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Grab cũng thử nghiệm sử dụng xe máy điện của Selex Motor để giao hàng tại TPHCM và Hà Nội.

Ngoài các hãng trên, VinFast đã hợp tác cùng Ahamove để ra mắt dịch vụ vận chuyển bằng xe máy điện AhaFast. Theo đó, 100 xe VinFast Feliz S được chuyển giao cho Ahamove để triển khai dịch vụ AhaFast tại Đà Nẵng. Ngoài 200 xe đã mua từ VinFast, Ahamove còn xúc tiến hợp đồng thuê 1.000 xe máy điện từ Công ty GSM để mở rộng hoạt động kinh doanh sang các tỉnh thành khác.

Mục tiêu của Ahamove là đưa 10.000 xe máy điện vào hoạt động từ năm 2025, thay thế dần xe xăng và các loại xe không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trong lĩnh vực giao hàng, Bưu Điện Việt Nam (Vietnam Post) là doanh nghiệp đầu tiên thuê 70 xe Benly e của hãng Honda để triển khai dự án sử dụng xe máy điện giao hàng từ năm 2022.

Tham gia thảo luận chuyên đề “Xanh hóa logistics – Hướng đi quan trọng cho sự phát triển bền vững” được tổ chức gần đây, ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban nghiên cứu phát triển và thương hiệu Công ty Vietnam Post, cho biết logistics là một ngành dịch vụ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics song song với tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường là một nhiệm vụ lớn của doanh nghiệp.

Trao đổi với KTSG Online, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú cho biết, năm 2023, Lazada đã triển khai dự án “Giao hàng xanh”, đưa 100 xe máy điện vào hoạt động. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu rác thải trong quá trình đóng gói và vận chuyển, Lazada đưa ra sáng kiến tái chế giấy, áp dụng công nghệ thông minh, giảm vật liệu nhựa, sử dụng bao bì có chứng nhận FSC hay tái sử dụng thùng carton làm vật liệu chèn lót…

“Lazada đã phát hàng cẩm nang Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường với những lời khuyên hữu ích giúp các nhà bán hàng tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu các rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm thiểu rác thải ra môi trường”, bà Tú nói.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thuong-mai-dien-tu-va-noi-lo-800-000-tan-rac-thai-vao-nam-2030/