Thương mại điện tử Việt Nam đã qua thời tăng trưởng nóng
Báo cáo từ McKinsey cho rằng, thương mại điện tử trong khu vực đang bước sang giai đoạn thứ hai, hướng tới các mô hình kinh doanh bền vững thay vì ganh đua về giá như 10 năm trước đây.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 31%, chạm mốc 49 tỷ USD vào năm 2025 và sẽ tiếp tục duy trì mức độ này trong khu vực Đông Nam Á ở giai đoạn 2025 - 2030 ở mức 19%.
Sự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam.
Bộ Công Thương đánh giá, TMĐT sẽ là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Mặc dù còn nhiều tiềm năng, nhưng theo các chuyên gia, TMĐT Việt Nam đã bước qua giai đoạn tăng trưởng nóng. Báo cáo công bố hồi tháng 12/2022 bởi công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey cho rằng, thị trường TMĐT Đông Nam Á đang ở ngưỡng cửa giai đoạn thứ hai (10 năm tiếp theo tính từ chu kỳ đầu tiên 2013-2023).
Dù 2023 là năm đầu tiên trong chu kỳ mới của thị trường TMĐT, nhưng mọi thứ dường như không dễ dàng bởi các "cơn gió ngược" như: lãi suất tăng và áp lực lạm phát cao.
Hoàn cảnh mới đòi hỏi cách tiếp cận mới, bài toán cạnh tranh của các doanh nghiệp TMĐT phải nhắm đến mô hình phát triển bền vững thay vì chỉ ganh đua những chỉ số ngắn hạn hay cạnh tranh về giá.
Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Quỳnh Trang - Giám đốc vận hành (COO) Lazada Việt Nam đánh giá, với cột mốc Covid-19 các sàn TMĐT đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về cả số lượng nhà bán hàng, người mua hàng lẫn giá trị đơn hàng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, thời kỳ bùng nổ đã qua đi. Thay vì chạy đua với những con số tăng trưởng nóng, bà cho rằng đây là thời điểm các doanh nghiệp hướng đến những chiến lược dài hạn.
Dẫu vậy, bà Trang cho rằng "chiếc bánh" TMĐT vẫn còn rất lớn để các doanh nghiệp khác cùng tham gia. Khi đó, mỗi đơn vị sẽ để lại dấu ấn bằng chiến lược và mô hình kinh doanh riêng, trong đó lợi thế có thể đến từ những giải pháp hỗ trợ nhà bán hàng và hạ tầng logistics, công nghệ.
"Với Lazada, doanh nghiệp chọn kinh doanh bền vững và ổn định", vị COO chia sẻ.
Báo cáo gần đây do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Lazada chỉ ra, bền vững sẽ là xu hướng phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.
Trong đó, việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững trên cả 3 phương diện môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định được tầm nhìn và định hướng trong thời kì kỹ thuật số.
Thực tế, những mô hình doanh nghiệp TMĐT bền vững đã cho thấy sức chống trụ bền bỉ cũng như mức độ hiệu quả trong việc duy trì và phát triển kinh doanh, ổn định đội ngũ nhân sự, từ đó đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
Việc xây dựng và củng cố sức mạnh từ hệ sinh thái TMĐT bền vững trong giai đoạn này sẽ tạo dựng được nền tảng giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, đưa ra chiến lược phát triển dài hạn trên TMĐT, tận dụng triệt để các giải pháp từ công nghệ, cơ sở hạ tầng, logistics, đến tiếp thị trong hệ sinh thái TMĐT, hướng tới kinh doanh bền vững và thực sự có hiệu quả.