Thương mại thế giới trước thách thức từ biến động chính trị Mỹ
Việc đánh thuế đổ đồng thường dẫn tới sự so sánh với cuộc chiến thương mại mà Mỹ là một nhân tố kích hoạt trong những năm 1930, khi Quốc hội nước này thông qua Đạo luật thuế Smoot-Hawley.
Ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump đã đề cập đến ý tưởng áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, một kế hoạch mà giới chuyên gia kinh tế cho rằng có thể sẽ hủy hoại thương mại toàn cầu.
Ông Trump chỉ trích hệ thống thương mại toàn cầu là nguyên nhân gây ra một danh sách dài tổn thất với kinh tế Mỹ, nổi bật là mất việc làm, các thị trường nước ngoài đóng cửa và đồng USD được định giá quá cao.
Theo ông, phương thức xử lý rất đơn giản, đó là áp thuế. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Donald Trump liên tục nhắc lại quan điểm sẽ tăng thuế nếu thắng cử.
Trung Quốc – đối thủ kinh tế và địa chính trị của Mỹ, sẽ đối mặt mức thuế 50-60% đối với hàng xuất khẩu vào Mỹ. Ông cũng lên ý tưởng áp thuế 10-20% với hàng nhập khẩu từ các nước còn lại.
Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, mức thuế 10-20% này thấp hơn so với đề xuất áp thuế với hàng Trung Quốc, nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây đứt gãy mạnh đối với thương mại toàn cầu. Mức thuế đó sẽ đánh đồng, không phân biệt đâu là đối thủ hay đồng minh của Mỹ.
Tiền lệ trong lịch sử
Việc đánh thuế đổ đồng như kế hoạch của ông Trump thường dẫn tới sự so sánh với cuộc chiến thương mại mà Mỹ là một nhân tố kích hoạt trong những năm 1930, khi Quốc hội nước này thông qua Đạo luật thuế Smoot-Hawley.
Theo Giáo sư kinh tế Douglas A. Irwin thuộc Đại học Dartmouth, lịch sử hiện đại cũng ghi nhận một trường hợp tương tự.
Năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon quyết định áp thuế bổ sung 10% đối với mọi hàng hóa nhập khẩu. Ông Nixon tại thời điểm đó đã thực thi chính sách này trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khác biệt lớn so với thời điểm hiện tại.
Nhiều đặc tính đặc trưng của hệ thống được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai khi đó vẫn quản trị lĩnh vực tài chính: chính phủ nước ngoài có thể đổi USD sang vàng từ Bộ Tài chính Mỹ và phần lớn các đồng nội tệ trên thế giới được ấn định tỷ giá cố định với đồng USD. Hiện tại, các đồng tiền biến động lớn do lực thị trường.
Đầu những năm 1970, những quy định linh hoạt này đã khiến đồng USD được định giá quá cao so với đồng tiền của các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ.
Hệ quả là hàng hóa Mỹ bán ra thị trường ngoài nước đắt đỏ hơn so với hàng nhập khẩu. Dòng tiền đổ ra khỏi nước Mỹ quá nhiều, trong khi nguồn tiền chảy vào lại không đủ, làm tăng nguy cơ Mỹ có thể cạn kiệt dự trữ để trả nợ nước ngoài.
Việc chính quyền Tổng thống Nixon áp thuế bổ sung 10% với hàng nhập khẩu nhằm mục đích ép buộc nước khác phá giá đồng nội tệ và giúp Mỹ tăng năng lực xuất khẩu, trong khi giá hàng nhập đắt đỏ hơn. Khi tỷ giá hối đoái bất bình đẳng bị loại bỏ, Tổng thống Mỹ lên truyền hình tuyên bố “thuế nhập khẩu cũng sẽ chấm dứt theo”.
Thực tế diễn ra đúng như vậy, bốn tháng sau Mỹ bỏ áp thuế 10%. Theo Giáo sư kinh tế Irwin, điểm đáng chú ý tại thời điểm đó là việc ông Nixon đề ra mục đích rất cụ thể của việc áp thuế và nói rõ điều kiện khi nào và bằng cách nào thì dỡ bỏ thuế.
Ngược lại, ông Trump chưa bao giờ đề cập mục đích của tăng thuế nhập khẩu và điều kiện dỡ bỏ. Chính điều này khiến triển vọng thành công trong chính sách của ông ngày một xa vời.
Thuế nhập khẩu có phải là công cụ tốt để mặc cả, đàm phán?
Ông Trump nói rằng sẽ sử dụng việc đe dọa áp thuế lớn như một chiến thuật để buộc đối tác thương mại phải nhượng bộ.
Thế nhưng trong nhiệm kỳ nắm quyền của ông, một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ lại cũng dùng thuế để đáp trả thuế trừng phạt của Mỹ, trong số này có Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Canada và Ấn Độ.
Một vòng xoáy trả đũa tương tự gần như sẽ lại nổ ra nếu nước Mỹ dưới thời ông Trump (nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới) áp thuế với hàng nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế trưởng về Nhật Bản tại hãng tư vấn Oxford Economics Shigeto Nagai nhận định nếu ông Trump áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu, các nước, trong đó có Nhật Bản, sẽ có biện pháp trả đũa tương xứng.
Những hệ quả kinh tế từ việc áp thuế
Theo bà Clausing, năm 2023, Mỹ nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 427 tỷ USD từ Trung Quốc, trong khi nhập khẩu từ các nước khác gần 2.700 tỷ USD. Vì thế, áp thuế diện rộng 10% như đề xuất của ông Trump sẽ là một cú sốc lớn hơn, với cả kinh tế Mỹ và các nước.
Theo dữ liệu phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trừng phạt thuế của ông Trump nhằm vào Trung Quốc năm 2018 đã đưa tới một kịch bản, khi Trung Quốc tăng xuất khẩu sang các nước khác, chính những nước này lại tăng xuất khẩu vào Mỹ.
“Khi bạn áp thuế với tất cả mọi đối tác, cánh cửa để tái cấu trúc dòng chảy thương mại đó sẽ bị đóng lại. Đó sẽ là một cú sốc lớn về giá đối với thế giới”, chuyên gia Clausing nhìn nhận.
Ông Trump và số chuyên gia kinh tế ủng hộ ông nói rằng thuế sẽ làm tăng năng lực sản xuất trong nội địa Mỹ, tạo ra việc làm có mức lương cao, giảm lạm phát và làm tăng nguồn thu ngân sách. Nhưng phần lớn giới kinh tế đều đồng thuận rằng về tổng thể vẫn sẽ là "được ít hơn mất".
Những vòng trả đũa về thuế cuối cùng sẽ làm tổn thương mọi nền kinh tế do hạn chế giao thương, đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng trưởng chậm lại, trong khi sức ép lạm phát tăng.