Thương mại toàn cầu dịch chuyển, Đông Nam Á trở thành trung tâm chủ lực cho sản xuất và logistics
'Có rất nhiều doanh nghiệp đang tìm đến ASEAN để đa dạng hóa chuỗi cung ứng trước bối cảnh gián đoạn thương mại và nhiều bất ổn gia tăng. Dòng vốn FDI đổ vào 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN đã lên đến 236 tỷ USD so với mức trung bình giai đoạn 2020 - 2022 chỉ ở ngưỡng 190 tỷ USD', Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO, Việt Nam SuperPort chia sẻ tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề: Chuyển đổi để bứt phá.
Cần 60 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng ở ASEAN
Theo Tiến sỹ Yap Kwong Weng, sự chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á cho thấy vai trò quan trọng, mang tính chiến lược của các quốc gia khu vực này trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ logistics, điều này mang lại cơ hội để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics.
Mặc dù đã có nhiều khoản đầu tư lớn được thực hiện hoặc dự kiến thực hiện, nhưng nghiên cứu cho thấy nếu hoạt động thương mại tiếp tục phát triển theo xu hướng hiện tại, cần khoảng 60 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở ASEAN để có thể đáp ứng sự tăng trưởng thương mại.
Với ngành logistics, nếu như hệ thống không vận hành đúng đắn thì các phần trong nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngành logistics như "mạch máu" của nền kinh tế.
Đối với thị trường Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu từ Việt Nam chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đông Nam Á đến một số khu vực. Là nước xuất khẩu lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng - từ 320 tỷ USD vào năm 2019 lên 440 tỷ USD vào năm 2023, đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,2%. Sự tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể vào ngành sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử.
Ra mắt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam SuperPort đã góp phần hỗ trợ sự phục hồi của Việt Nam bằng cách tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.
“Sự thích ứng nhanh chóng của Việt Nam SuperPort với nhu cầu gia tăng trong khu vực đã định vị Việt Nam như một trung tâm chuỗi cung ứng chiến lược, cung cấp cho khách hàng cơ hội mở rộng trong một thị trường đang phát triển với cơ sở hạ tầng vững mạnh hỗ trợ. Các cảng SuperPorts được đặt tại các vị trí chiến lược để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực, cung cấp cho các doanh nghiệp khả năng kết nối liền mạch đến hành lang Trung Quốc-ASEAN đang phát triển”, Tiến sỹ Yap Kwong Weng cho biết.
Cũng theo ông Yap Kwong Weng, là mắt xích quan trọng của Mạng lưới Logistics Thông minh ASEAN, Việt Nam SuperPort đảm bảo các giải pháp logistics xuyên biên giới nhanh chóng, thông minh và liền mạch. Vietnam SuperPort cũng đang tập trung xây dựng một lực lượng lao động chuyên nghiệp, có kỹ năng cao thông qua các nguồn lực đào tạo từ Singapore để đáp ứng những yêu cầu phức tạp của một trung tâm logistics hiện đại.
Cần khẩn cấp xây dựng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo Tiến sỹ Yap Kwong Weng, biến đổi khí hậu có nguy cơ ảnh hưởng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng - Đến giữa thế kỷ, biến đổi khí hậu đối có thể gây thiệt hại ròng cho chuỗi cung ứng toàn cầu lên tới 25 nghìn tỷ USD. Cơn bão gần đây, Yagi, đã gây ra thiệt hại kinh tế 3,3 tỷ USD cho Việt Nam. Ngoài ra, toàn cầu cũng đang tập trung vào các vấn đề môi trường - Các quốc gia cam kết mục tiêu giảm carbon đầy tham vọng; Các công ty đang tích hợp tính bền vững vào các hoạt động cốt lõi.
“Không còn nhiều thời gian để triển khai các cam kết đến năm 2030 - Các Chính phủ đang thúc đẩy nhanh chóng các hoạt động để đạt được các mục tiêu năm 2030, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng”, Tiến sỹ Yap Kwong Weng nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững, Việt Nam SuperPort áp dụng các giải pháp tiên tiến như sử dụng năng lượng mặt trời cho các tòa nhà, hệ thống lưu trữ năng lượng và xe tải điện,…Tất cả vì mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040. Với khách hàng, việc hợp tác với một cảng logistics ưu tiên tính bền vững mang lại lợi thế cạnh tranh, giúp họ đạt được các mục tiêu ESG của chính mình và tuân thủ các quy định về môi trường toàn cầu ngày càng nghiêm ngặt.
Tiến sỹ Yap Kwong Weng tin Việt Nam đã bắt đầu trở thành trung tâm về sản xuất và thương mại của khu vực không chỉ vì vị trí mà còn vì tiềm năng. Chính vì thế chúng ta cần nắm bắt khi cơ hội đang ở đây với ta. Việt Nam đang tăng trưởng khá xứng đáng với tiềm năng. Và Việt Nam cần hạ tầng logistics nhiều hơn.
Ngoài ra, khả năng bền vững của khí hậu sẽ cho Việt Nam một cơ hội rất tốt về lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải trỗi dậy củng cố năng lực của mình trong việc triển khai vận hành theo chuỗi cung ứng quốc tế. Đặc biệt cần phải xem xét vấn đề chuyển giao công nghệ như robot, AI cho thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn đồng kiến tạo những công nghệ giải pháp, sân chơi mới về logistics…Và chúng tôi làm tất cả những việc này để nâng tầm logistics tại Việt Nam. Sân chơi này không thể chơi một mình nên chúng tôi sẵn lòng hợp tác và cần sự hỗ trợ của các ban ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp”, Tiến sỹ Yap Kwong Weng nhấn mạnh.