Thương mại Trung Quốc - Nga tăng trưởng nhanh chưa từng thấy

Thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt tổng cộng hơn 93,8 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2023, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy.

Dữ liệu được công bố hôm thứ Tư cũng cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã đạt 42,96 tỷ USD kể từ tháng 1 năm 2023, tăng 75,6% so với năm 2022.

Con số về tổng giá trị thương mại và tổng xuất khẩu đã có bước nhảy vọt lớn nhất kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Sau hơn một năm bị châu Âu “quay lưng”, Nga trở thành đối tác thương mại phát triển nhanh nhất thế giới của Trung Quốc.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp song phương vào ngày 13 tháng 11 năm 2019 tại Brasilia, Brazil. Ảnh: CNN.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp song phương vào ngày 13 tháng 11 năm 2019 tại Brasilia, Brazil. Ảnh: CNN.

Nga đã hứng chịu các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây kể từ khi chiến sự nổ ra và bị đóng cửa với phần lớn nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng Trung Quốc, quốc gia đã tuyên bố “không có giới hạn” đối với tình hữu nghị với nước láng giềng phía Bắc, đã mang lại cho Điện Kremlin một huyết mạch kinh tế, làm giảm tác động của việc trục xuất nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia hoặc khu vực khác hầu hết đã giảm so với năm ngoái. Cụ thể, thương mại giữa nền kinh tế thứ hai thế giới và Đài Loan, Hàn Quốc, New Zealand và Mỹ đều ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất trên toàn cầu, trong đó Đài Loan thu hẹp giao dịch thương mại với Trung Quốc hơn 25%. Thương mại giữa Mỹ cũng giảm 12,3%.

Tháng trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết ông kỳ vọng thương mại giữa Nga và Trung Quốc sẽ vượt quá 200 tỷ USD.

Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang đã gặp Mishustin tại Bắc Kinh vào tháng 5 và cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với Nga để thúc đẩy sự hợp tác thực chất của họ trong nhiều lĩnh vực và đưa nó lên một “tầm cao mới”, theo Reuters.

Trong khi đó, ông Mishustin cho biết hai Chính phủ đang nỗ lực phối hợp để thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp cấp cao vào tháng 3, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

Nga hiện là một trong những nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Trung Quốc. Dữ liệu chính thức cho thấy, năm 2022, Trung Quốc đã mua hơn 6,5 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng và 86,25 triệu tấn dầu thô từ Nga.

 Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga tại một bến cảng ở Thiên Tân, Trung Quốc - Ảnh: NEW YORK TIMES.

Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga tại một bến cảng ở Thiên Tân, Trung Quốc - Ảnh: NEW YORK TIMES.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12/4, Cục trưởng Cục Năng lương Quốc gia Trung Quốc Chương Kiến Hoa cho biết, doanh nghiệp hai bên đang duy trì trao đổi và tham vấn tích cực về dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới giữa hai nước đi qua Mông Cổ.

Cùng với sự phát triển của thương mại song phương, đồng nhân dân tệ cũng ngày càng trở nên phổ biến ở Nga và việc thanh toán bằng đồng nội tệ giữa hai bên đang dần thay thế đồng USD.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga, tỷ lệ giao dịch nhân dân tệ/rouble trên thị trường ngoại hối Nga đã đạt mức cao mới là 39% trong tháng 3. Cùng thời kỳ, tỷ lệ giữa đồng USD và đồng rouble đã giảm xuống 34%, mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, cùng với hợp tác năng lượng chiếm hơn 40% thương mại hàng hóa song phương và đóng vai trò then chốt, cũng như việc hai bên đẩy nhanh thanh toán bằng đồng nội tệ, dự kiến thương mại Trung - Nga sẽ vượt ngưỡng 200 tỷ USD trong năm nay.

 Đồng Rúp Nga và USD. Ảnh: Reuters.

Đồng Rúp Nga và USD. Ảnh: Reuters.

Nếu không tính Hồng Kông, Nga là nền kinh tế có khối lượng giao dịch nhân dân tệ lớn thứ tư thế giới trong tháng 2 vừa qua - theo dữ liệu từ hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Trước khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, Nga thậm chí không có tên trong top 15.

Trước chiến tranh, hơn 60% xuất khẩu của Nga được thanh toán bằng những đồng tiền mà hiện nay đang bị Chính phủ Nga gọi là “tiền độc hại” như USD và Euro, trong khi Nhân dân tệ chỉ chiếm chưa đầy 1%.

Hiện tại, các đồng tiền “độc hại” giảm tỷ trọng còn chưa đầy một nửa thanh toán cho hàng xuất khẩu của Nga, trong khi Nhân dân tệ chiếm 16% - theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).

Hơn 50 ngân hàng Nga hiện đã cung cấp dịch vụ tiền gửi Nhân dân tệ, thu hút người gửi tiền bằng mức lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi USD.

Khánh Vy (Theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuong-mai-trung-quoc--nga-tang-truong-nhanh-chua-tung-thay-post250901.html