Thương mại Việt Nam – Ba Lan: Mục tiêu chạm mốc 5 tỷ USD

Thương mại Việt Nam - Ba Lan đặt mục tiêu 5 tỷ USD, tận dụng cơ hội từ EVFTA, thị trường tiềm năng, và vai trò logistics chiến lược của Ba Lan tại Trung và Đông Âu.

Việt Nam và Ba Lan phấn đấu đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ song phương, tăng cường kết nối hai nền kinh tế gồm kết nối mềm và kết nối cứng. Từ đó hướng tới nâng tầm mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược trong thời gian tới.

Đây là một trong sáu giải pháp chiến lược được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại buổi hội đàm với Thủ tướng Donald Tusk, trong chuyến thăm chính thức tại Ba Lan từ ngày 15-18/1/2025, đúng dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Donald Tusk tại buổi hội đàm ngày 16/1. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Donald Tusk tại buổi hội đàm ngày 16/1. Ảnh: Nhật Bắc

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng thương mại Việt Nam - Ba Lan hai chiều sớm đạt mốc 5 tỷ USD, dựa trên nền tảng tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua và những bước đi mới trong hợp tác hai bên như Việt Nam quyết định miễn thị thực cho công dân Ba Lan trong năm 2025.

Về phía Ba Lan, Thủ tướng Donald Tusk khẳng định Việt Nam luôn là một người bạn thân thiết truyền thống lâu năm của Ba Lan và hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Ba Lan tại khu vực Đông Nam Á.

Chỉ riêng năm 2024, thương mại Việt Nam - Ba Lan đã đạt 3,4 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2023 và cao gấp hơn 12 lần so với năm 2009.

Với tốc độ tăng trưởng ổn định, tiềm năng phát triển thương mại Việt Nam - Ba Lan được dự báo còn rất lớn, đặc biệt khi cán cân thương mại liên tục nghiêng về phía Việt Nam.

Ba Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 25 của Việt Nam trên thế giới và lớn nhất tại khu vực Trung Đông Âu.

Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại thị trường này bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc và thiết bị; điện thoại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép.

Không chỉ dừng lại ở đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan ngày càng đa dạng với những sản phẩm khá được ưa chuộng như giày dép, sản phẩm mây tre, cói và thảm, cùng các sản phẩm nông sản như cà phê.

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ba Lan các mặt hàng chủ yếu gồm máy móc và thiết bị, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa, hóa chất và sản phẩm từ sắt thép. Điều này phản ánh tính bổ trợ trong cơ cấu thương mại, tạo điều kiện để cả hai nước mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế.

Ba Lan – Thị trường chiến lược và cầu nối quan trọng

Ba Lan có vị trí chiến lược tại Trung Âu và nền kinh tế tăng trưởng ổn định, với quy mô GDP đạt 809,2 tỷ USD vào năm 2023 và GDP bình quân đầu người đạt 22.057 USD, theo Ngân hàng Thế giới.

Là quốc gia có dân số hơn 36,7 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, Ba Lan đang là một thị trường tiêu thụ tiềm năng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ba Lan còn là trung tâm logistics chiến lược tại khu vực Trung và Đông Âu. Với vị trí địa lý thuận lợi, Ba Lan là cánh cửa để hàng hóa Việt Nam tiếp cận các quốc gia EU và các thị trường lân cận như Ukraine và Belarus.

Mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện đại, từ hệ thống đường cao tốc, tuyến đường sắt Á – Âu, đến các cảng biển lớn như Gdańsk và Gdynia, đã tạo điều kiện lý tưởng cho việc vận chuyển và phân phối hàng hóa.

Đặc biệt, chi phí vận tải tại Ba Lan thấp hơn đáng kể so với các nước Tây Âu, mang lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tối ưu hóa chi phí.

Ngoài ra, thị trường Ba Lan còn thể hiện sự ưa chuộng ngày càng lớn đối với các sản phẩm từ Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm chế biến, đến đồ thủ công mỹ nghệ và nội thất.

Người tiêu dùng Ba Lan, với xu hướng ưu tiên các sản phẩm thân thiện môi trường và giá cả hợp lý, đã tạo ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tiếp tục mang lại ưu đãi thuế quan hấp dẫn, giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ hơn tại thị trường này. Tuy nhiên, để tận dụng triệt để cơ hội, doanh nghiệp cần chú trọng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU về an toàn thực phẩm và môi trường.

Thương mại điện tử cũng là một kênh đầy triển vọng, với người tiêu dùng Ba Lan ngày càng quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến. Các nền tảng như Allegro hay mạng xã hội có thể trở thành công cụ quảng bá hiệu quả, giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng thâm nhập thị trường.

Với chiến lược tiếp cận đúng đắn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Ba Lan không chỉ là một thị trường hấp dẫn mà còn là bàn đạp giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng ảnh hưởng tại thị trường trung và đông Âu.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thuong-mai-viet-nam-ba-lan-muc-tieu-cham-moc-5-ty-usd-d38754.html