Thương mại Việt Nam hưởng lợi từ Trung Quốc+1

Xuất khẩu từ Việt Nam và khu vực ASEAN sang Mỹ tăng nhanh nhờ vào dòng dịch chuyển chuỗi Trung Quốc+1.

Xuất khẩu từ Việt Nam và ASEAN sang Mỹ tăng mạnh nhờ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng. Ảnh: Reuters.

Xuất khẩu từ Việt Nam và ASEAN sang Mỹ tăng mạnh nhờ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng. Ảnh: Reuters.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tói chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ghi nhận của Trung tâm Hàng hải Nhật Bản (JMC), hoạt động xuất khẩu của ASEAN vẫn duy trì mức tăng trưởng tương đối mạnh mẽ, đặc biệt với đối tác Mỹ.

Cụ thể, với lượng hàng hóa lên tới hơn 4 triệu container, xuất khẩu của ASEAN tăng trưởng khoảng 16,1%, đóng góp vào thị phần toàn cầu 21,9%, tăng 2,3% so với năm 2019. Đây là lần khu vực ASEAN đạt mức đóng góp trên 20% cho hoạt động nhập khẩu của thị trường Mỹ. Trong đó, sản lượng hàng hóa từ Việt Nam xuất sang Mỹ đạt 1,99 triệu container, chiếm tỷ trọng 10,8% và Thái Lan đạt khoảng 4,1%.

Bức tranh xuất khẩu ở khu vực ASEAN diễn ra trái ngược với Trung Quốc khi công xưởng của thế giới vẫn đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Mỹ. Tỷ trọng thị phần xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm trong 2 năm liên tiếp, đạt 58,9%.

Nikkei Asia Review bình luận, sự tăng trưởng của thương mại hàng hóa sang Mỹ một phần nhờ vào mức tăng của nhu cầu các sản phẩm trong nhà. Lượng container đồ nội thất từ ASEAN xuất sang Mỹ tăng 13,1% còn hàng điện tử gia dụng tăng 29,4%. Việt Nam là quốc gia đặc biệt được hưởng lợi từ xu hướng này khi sở hữu nhiều cơ sở sản xuất đồ gia dụng cũng như thiết bị điện tử thông minh.

Bên cạnh đó, xu hướng Trung Quốc+1 cũng là nguyên nhân khiến sản xuất và xuất khẩu ở khu vực ASEAN tăng nhanh. Xu hướng này đang được thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ do “công xưởng của thế giới” có giá nhân công ngày càng cao, lại rơi vào cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đại dịch Covid-19 tiếp tục trở thành nhân tố thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

“Khi người Mỹ tiếp tục ở nhà nhiều hơn và các nhà sản xuất chuyển dần khỏi Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ASEAN sẽ tăng nhanh”, Nikkei Asia Review nhận xét.

Trước đó, Wall Street Journal cũng nhận định, Việt Nam được coi là “nước chiến thắng lớn” trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi trở thành bến đỗ hợp lý cho các doanh nghiệp muốn tránh mức thuế quan của Mỹ. Khả năng khống chế đại dịch cùng tính ổn định vĩ mô cũng là điểm sáng của quốc gia năng động bậc nhất Đông Nam Á này.

Mức tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48% của Việt Nam có sự đóng góp rất lớn đến từ tăng trưởng trong xuất khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD trong quý I, xuất khẩu tăng 22%. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 21,2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khoảng 12 tháng tính đến tháng 1/2021, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 29%, cao hơn nhiều so với con số trung bình 20% trong giai đoạn 2019 đổ về trước. Mỹ cũng là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 và dự kiến thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Năm 2021, nền kinh tế lớn nhất thế giới dự báo sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng khoảng 6,5%. Cùng với dự luật kích cầu kinh tế mới được thông qua, sự tăng trưởng của Mỹ sẽ tạo ra lợi thế lớn cho Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN trong việc tăng cường xuất khẩu, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), việc gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ có nguy cơ khiến cường quốc hàng đầu thế giới áp đặt một số biện pháp hạn chế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất cho các doanh nghiệp Trung Quốc “lách” thuế, cũng như chỉ tham gia vào khâu gia công, lắp ráp. Theo VEPR, các mặt hàng xuất khẩu chính sang Mỹ là máy móc, linh kiện điện tử, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, cũng là những mặt hàng chứng kiến mức tăng trưởng nhập khẩu cao từ Trung Quốc.

VEPR đề xuất, Chính phủ cần có các biện pháp thắt chặt nguồn gốc nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp để tránh những rủi ro phát sinh từ việc trở thành chiêu bài tránh thuế của Trung Quốc.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thuong-mai-viet-nam-huong-loi-tu-trung-quoc1-1618222660693.htm