Thương mại xanh - Thách thức và triển vọng phát triển của doanh nghiệp

Sáng 14/6, hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành và các chuyên gia, doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh tham gia diễn đàn thương mại xanh năm 2023 với chủ đề 'Thương mại xanh - Thách thức và triển vọng phát triển của doanh nghiệp'.

Toàn cảnh diễn đàn thương mại xanh. Ảnh: Sơn Nam

Toàn cảnh diễn đàn thương mại xanh. Ảnh: Sơn Nam

Sự kiện do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhìn nhận, hiện nay nhận thức về tiêu dùng xanh đã có một bước tiến dài, trước đây tiêu dùng xanh chỉ được hiểu là một khâu của quá trình sản xuất, đó là người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các sản phẩm xanh.

Theo đó, tiêu dùng xanh không chỉ dừng lại ở ý nghĩa đó mà được mở rộng hơn rất nhiều, là khái niệm mang tính hệ thống, hoàn thiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất phân phối đến tiêu dùng và quay trở lại sản xuất. Để có được sản phẩm xanh phục vụ tiêu dùng, thì cần một hệ sinh thái tạo dựng từ nguyên liệu xanh, tài chính xanh, năng lượng xanh, đặc biệt là hệ thống chính sách, hành lang pháp lý.

Ông Hoan cũng cho rằng, không cần phải tới năm 2050, mà ngay từ bây giờ chúng ta đã đứng trước nguy cơ tụt hậu trong thu hút đầu tư nước ngoài sụt giảm, nếu như không chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Khi đó, sản xuất hàng hóa không đưa ra được thị trường thế giới, thì không thể hội nhập, tăng trưởng.

Chia sẻ tham luận với chủ đề về kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển xanh cho doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế. Dù vậy, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh.

Quá trình chuyển đổi xanh (yêu cầu thiết yếu) trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức (tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên) đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của Nhà nước./.

Khảo sát hiện trạng áp dụng kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp thuộc 5 nhóm ngành (nhựa, dệt may, thép, chế biến thực phẩm, bia, rượu và nước giải khát) cho thấy, 87,8% doanh nghiệp có các giải pháp tối ưu hóa đầu vào, 55,6% có giải pháp tái tạo hệ sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường, 70,3% có giải pháp kéo dài vòng đời sản phẩm.

Hai yếu tố được doanh nghiệp đánh giá là quan trọng nhất, là yếu tố tài chính (vốn, lợi ích, chi phí) và yếu tố nhận thức, niềm tin của khách hàng. Những yếu tố này còn được nhìn nhận cao hơn là yếu tố chính sách, yếu tố kỹ thuật, yếu tố liên quan đến thị trường, cơ sở hạ tầng.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuong-mai-xanh-thach-thuc-va-trien-vong-phat-trien-cua-doanh-nghiep-130007.html