Thương nhân đầu mối xăng dầu vẫn gặp khó
Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn, mua ngoại tệ để kịp thời bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước.
Ngày 24-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số công ty phân phối cho biết tình hình nguồn cung xăng dầu đã bớt khó khăn hơn nhưng vẫn còn căng thẳng. Cục bộ một số nơi vẫn còn tình trạng cửa hàng xăng dầu bán nhỏ giọt, treo biển hết xăng dầu.
Không đủ tài chính để nhập xăng dầu
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định, ngày 24-10, Bộ Công Thương tiếp tục họp với các thương nhân đầu mối để đánh giá việc thực hiện tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu chín tháng đầu năm, phân giao tổng nguồn xăng dầu quý IV-2022. Đây là cuộc họp thứ hai của Bộ Công Thương với các thương nhân đầu mối xăng dầu chỉ trong vòng hai tuần trong bối cảnh nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn đóng cửa.
Một công ty đầu mối xăng dầu cho biết hiện việc nhập khẩu xăng dầu đối với các thương nhân đầu mối tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do kinh doanh xăng dầu thua lỗ, chi phí tăng lên, không còn tài chính để thực hiện việc nhập khẩu.
“Ví dụ năm 2021, công ty được vay vốn khoảng 50 tỉ đồng để nhập khẩu xăng dầu nhưng sang đến nay, cùng khối lượng đó nhưng giá vốn để nhập khẩu xăng dầu đã tăng lên hơn 100 tỉ đồng. Vì vậy, nếu ngân hàng không nới room tín dụng thêm thì những doanh nghiệp (DN) tư nhân như chúng tôi không đủ nguồn tài chính để nhập xăng dầu” - vị lãnh đạo công ty nói.
Đại diện một số công ty khác cũng thừa nhận đã tiết giảm chi phí kinh doanh, trong đó có việc giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến nhà bán lẻ kinh doanh xăng dầu thua lỗ.
Trước đó, Bộ Tài chính công bố số liệu cho thấy quý III-2022, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu sản phẩm. Một số thương nhân đầu mối thường nhập khẩu số lượng lớn nhưng trong quý III cũng không nhập khẩu.
Tại buổi kiểm tra xăng dầu tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của Bộ Công Thương vừa diễn ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cũng tiết lộ nhiều thông tin quan trọng. Cụ thể, qua kiểm tra cho thấy trong số các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam có một đơn vị không thực hiện dự trữ xăng dầu theo quy định. Ngoài ra có năm công ty không đảm bảo dự trữ thương mại. Thậm chí có công ty không đảm bảo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao.
Hàng loạt chi phí, định mức liên quan xăng dầu vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Tạo điều kiện cho công ty xăng dầu vay vốn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây cho biết nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn. Lý do là nhiều DN đã nhập khối lượng tương đối lớn với giá cao kỳ trước, sau đó giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm, dẫn đến lỗ mà đã lỗ thì không dám làm. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí, định mức của chúng chưa được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế…
Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nhằm tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. Trong đó bao gồm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu, bảo đảm duy trì hoạt động cho DN kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ. Qua đó giúp các DN tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.•
Làm rõ việc tạm dừng rút giấy phép năm công ty xăng dầu
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc thi hành các quyết định xử phạt đối với năm thương nhân đầu mối xăng dầu.
Cụ thể, ngày 31-8, chánh Thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của năm DN đầu mối. Sau đó, Thanh tra Bộ Công Thương tiếp tục có thông báo về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với năm DN này để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung, ảnh hưởng tới lợi ích của Nhà nước và DN.
Thế nhưng đến nay, Bộ Công Thương chưa có văn bản sửa đổi, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc tạm đình chỉ thi hành năm quyết định xử phạt này. Do vậy các quyết định xử phạt vẫn có giá trị thực hiện đầy đủ và toàn diện về hình thức phạt tiền cũng như hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
“Vì vậy, để có căn cứ cho các thương nhân làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu, đề nghị Bộ Công Thương xem xét và có ý kiến trả lời” - cơ quan hải quan nêu rõ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thuong-nhan-dau-moi-xang-dau-van-gap-kho-post704709.html