Thương nhân phân phối và bán lẻ kiến nghị chưa trình dự thảo kinh doanh xăng dầu, tiếp tục lấy ý kiến doanh nghiệp
Nhóm thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo Ban soạn thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu tạm dừng trình dự thảo để tiếp tục tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia.
Nhóm thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ xăng dầu vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư...về các vấn đề liên quan đến việc sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu - dự thảo số 04 đang được Bộ Công thương lấy ý kiến.
Nghị định mới này sẽ thay thế các nghị định trước đó là Nghị định 83; 95 và 80.
"Phản bác" 5 vấn đề
Một mặt ghi nhận những nỗ lực của Bộ Công thương trong việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh xăng dầu; tuy nhiên, những thương nhân này nói không tán thành quan điểm, cách tiếp cận vấn đề của Ban soạn thảo và nhiều nội dung của dự thảo Nghị định.
Các thương nhân này "phản bác" 5 vấn đề.
Thứ nhất, cơ chế quản lý thị trường xăng dầu, quan điểm và phương pháp quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Ban soạn thảo Nghị định không đổi mới, không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và thị trường đã thay đổi sau 10 năm kể từ Nghị định 83/2014.
"Cơ chế quản lý xăng dầu cũ đã không mang lại hiệu quả, đa số doanh nghiệp trong nước khó tồn tại và phát triển, buôn lậu và hàng giả không được kiểm soát, là một nguyên nhân từng gây nên khủng hoảng xăng dầu", nhóm doanh nghiệp chỉ rõ.
Thứ hai, nhiều nội dung của dự thảo Nghị định, đặc biệt về thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp không có căn cứ pháp luật, trái với nhiều quy định của các luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý ngoại thương...
Thứ ba, phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn có vị thế độc quyền, tạo cơ hội phát sinh tiêu cực, hình thành “lợi ích nhóm”, hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt Nhóm thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ xăng dầu.
Thứ tư, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ bảo lưu quan điểm rằng, cơ chế quản lý giá xăng dầu nêu trong dự thảo 04, tiếp tục duy trì phương pháp ấn định giá bán lẻ bằng mệnh lệnh hành chính trong khi giá đầu vào nhập khẩu phụ thuộc thế giới là trái với nguyên tắc hạch toán kinh doanh và quy luật thị trường, phương pháp tính giá xăng dầu không bảo đảm minh bạch và cạnh tranh.
Cuối cùng, việc lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo Nghị định còn mang tính hình thức và không thực chất, thiếu toàn diện và đầy đủ đối với các đối tượng chịu sự tác động, không bảo đảm đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đề nghị chưa trình dự thảo, tiếp tục lấy ý kiến doanh nghiệp
Nhóm thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu kiến nghị Ủy ban kinh tế của Quốc hội theo dõi và giám sát việc soạn thảo, ban hành Nghị định kinh doanh xăng dầu để bảo đảm sự tuân thủ đúng các luật hiện hành.
Trước một loạt vấn đề còn chưa thỏa đáng, Nhóm thương nhân này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ có liên quan, đặc biệt Bộ trưởng Công thương xem xét sửa đổi dự thảo Nghị định với tinh thần đổi mới về phương thức và cơ chế quản lý, điều hành thị trường xăng dầu, theo hướng bảo đảm sự tuân thủ đúng khung khổ pháp luật hiện hành.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn và siêu lớn, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phân phối và bán lẻ không bị thôn tính phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa", Nhóm doanh nghiệp nêu trong văn bản kiến nghị.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu và xem xét các bản góp ý, kiến nghị trước đó của Nhóm thương nhân đã gửi lên Thủ tướng và các Bộ ngành.
Trong đó, xem xét lại sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Lý do vì quỹ này không hiệu quả và ít phát huy tác dụng thực chất, tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp lớn đã lạm dụng quỹ này và tiền thuế để trục lợi trái pháp luật.
Yêu cầu sửa dự thảo Nghị định cho thương nhân phân phối được mua xăng dầu của thương nhân phân phối khác như Nghị định 95/2021.
Cấp thiết hơn, Nhóm thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo Ban soạn thảo Nghị định Kinh doanh xăng dầu tạm dừng trình để xem xét phê chuẩn mà tiếp tục tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia về Dự thảo 04 và các Dự thảo tiếp theo của Nghị định.
"Cần tiến hành lập Báo cáo đánh giá tác động về chính sách, đặc biệt lấy ý kiến của Nhóm Thương nhân xăng dầu chịu sự tác động của Nghị định này, trong đó có các doanh nghiệp chúng tôi", Nhóm thương nhân đặt vấn đề.