Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau!

Nghệ sĩ Vũ Linh - người được mệnh danh là 'Ông hoàng cải lương' nằm xuống để lại bao nỗi tiếc thương cho đồng nghiệp, bạn bè và những khán giả mộ điệu cải lương. Sân khấu mất đi một tài danh, công chúng mất đi một thần tượng.

Nhưng có lẽ sẽ như vua Phổ từng nói với Mozart: “Ta tiêu biểu cho trật tự, ngươi tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ quên ta, và nhớ đến ngươi”. Tin rằng, anh và những vai diễn của anh trên sân khấu, sẽ còn mãi với thời gian trong ký ức của bao thế hệ nghệ sĩ - khán giả.

Tang lễ của anh, đông chưa từng thấy. Người thân đau lòng, người thương tiếc nuối, ngậm ngùi tiễn đưa và có cả… những Youtuber, Streamer, Tiktoker tụ tập quay hình để câu like, câu view,… làm “náo loạn” từ tư gia, cho đến con đường, góc phố; rồi chuyện chen lấn, giẫm đạp, leo trèo làm hư hại những bia mộ xung quanh tại nghĩa trang để “xem” đám tang của nghệ sĩ Vũ Linh,… Tất cả những việc này đều không mới tại những tang lễ của những người nổi tiếng.

Và khi chứng kiến những cảnh ấy, tự hỏi lòng, còn đâu bài học nhân văn ngày xưa thầy cô dạy, thấy đoàn đưa tang, nên đứng lại nhường đường, hay giở nón, cúi đầu tiễn biệt dù đó chỉ là một người xa lạ. Còn ở đây, trong cả ngàn người đến đưa tang người nghệ sĩ tài hoa ấy, có được bao nhiêu người đã âm thầm, lặng lẽ tưởng niệm – hộ niệm cho anh trên hành trình cuối của một đời người? Hay họ đến tang lễ chỉ vì sự hiếu kỳ rồi lại “nhân danh” sự ái mộ để biện hộ cho những hành động thiếu văn hóa trên thì rất tiếc “Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau”.

Từ sự “cuồng loạn” ở đám tang của nghệ sĩ Vũ Linh, chợt nhớ đến lời Phật dạy, mọi chuyện trên đời đều đến từ sự lắm lời, muộn phiền sinh ra chỉ vì xen vào chuyện của người khác. Vì vậy, khi nói năng phải thận trọng, nhiều lời vô ích, không bàn chuyện thị phi, không nói xấu đặt điều người khác,… Thiết nghĩ, trong thời đại thông tin toàn cầu như hiện nay, chúng ta cần phải biết bình tĩnh để bước qua những thị phi ấy, đừng để bị cuốn theo những phải trái, đúng sai, khen chê… mà quên mất đi bản tâm thanh tịnh sẵn có của mình. “Thị phi chung nhật hữu, bất thính tự nhiên vô”, không nghe, không chấp, ắt sẽ có bình an.

Và một điều cảm thấy vô cùng bất nhẫn khi anh còn nằm đó, mà những câu chuyện đời tư của anh được mang ra bàn tán, mổ xẻ hết sức khiếm nhã… Người thương anh vội vàng đính chính những thông tin sai lệch, kẻ thị phi cứ thế mà soi mói: Cô con gái này là con nuôi hay con ruột? Anh có vợ đâu mà có con? Trước khi mất, có di chúc để lại gia tài cho ai không? Tại sao lại thu tiền phúng điếu? Số tiền ấy dùng để làm gì? Nghệ sĩ A, nghệ sĩ B gửi hoa không? có gửi lời chia buồn không?,…

Chỉ để câu like, câu view kiếm tiền mà người ta sẵn sàng bất chấp tất cả sự đau buồn, bối rối của một tang gia ư? Thật ngoài sức tưởng tượng! Trong khi đó, lúc sinh thời, nghệ sĩ Vũ Linh là người sống khá khép kín. Chia sẻ với báo giới, anh thường chỉ kể về kỷ niệm những ngày đầu đi hát, những vai diễn đi vào lòng người, những tâm nguyện được làm “người đưa đò” để truyền trao nghề hát cho thế hệ trẻ của nghệ thuật cải lương. Nếu thật sự yêu thương anh - một kiếp tằm vương tơ, sao không tiễn đưa anh bằng những hồi ức đẹp đẽ ấy?

Ắt hẳn, chúng ta còn nhớ, mỗi khi bước vào rạp hát, rạp chiếu phim, trước lúc kéo màn, luôn có lời nhắc từ trong hậu trường: “Xin vui lòng tắt chuông điện thoại, không quay phim, chụp ảnh khi vở diễn bắt đầu”. Vậy thì giờ đây, khi người nghệ sĩ đã kết thúc vai tuồng trên sân khấu – cuộc đời rồi, ở những ngày giờ cuối cùng, có thể nào, chúng ta cũng nên hết sức giữ trật tự, nhiếp tâm gửi những niệm lành để tiễn đưa và cũng để một đời nghệ sĩ được thanh thản khép màn?! Nên chăng?!

T.Trúc/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/thuong-nhau-nhu-the-bang-muoi-phu-nhau-post66174.html