Thương nhớ câu hò trên bến Hiền Lương

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, song hôm nay đến những làng quê thanh bình hai bên con sông Bến Hải lịch sử, vẫn còn đó biết bao câu chuyện cảm động của những con người đã sống bám trụ trên từng tấc đất quê hương để chiến đấu, chịu đựng, hi sinh cho ngày đất nước độc lập, hòa bình hôm nay.

 Vợ chồng ông Trinh, bà Thiện hạnh phúc tuổi già

Vợ chồng ông Trinh, bà Thiện hạnh phúc tuổi già

Chúng tôi về xã Trung Hải, hỏi nhà vợ chồng ông Lê Viết Trinh, bà Trần Thị Thiện, thôn Bách Lộc, thì được chỉ đến một ngôi nhà nằm ở đầu làng. Khi chúng tôi đến, ông bà đang ngồi bên nhau giữa khoảng sân dưới tán cây lá dim mát, chuyện trò rất vui vẻ. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, ông Trinh cười hiền nói: “Chuyện hơn nửa thế kỉ rồi, nhưng ông mệ rất vui khi các cháu muốn nghe. Ông mệ kể để mong nhiều người trẻ nữa sẽ biết đến, thấu hiểu, quý trọng giá trị của độc lập, hòa bình hôm nay”.

Ông Trinh, bà Thiện nay đều đã bước sang tuổi 85, nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn. Câu chuyện về những năm tháng hoạt động cách mạng, bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng họ quyết không khai dù chỉ nửa lời, nay được kể lại như những thước phim quay chậm, khiến người nghe cảm thương và kính phục.

Năm 1953, khi ông Trinh 19 tuổi, bị giặc Pháp bắt, giam cầm, tra tấn cùng với 2 người anh ruột của mình là Lê Bảng và Lê Minh Định, tại Lao Quảng Trị (thị xã Quảng Trị). Người anh Lê Bảng lúc đó là Trưởng Công an xã Vĩnh Liêm, Vĩnh Linh (nay là Trung Hải, Gio Linh). Sau nhiều lần tra tấn dã man, nhưng không khai thác được tin tức, đồng thời bị ông Bảng nhổ nước bọt vào mặt một sĩ quan Pháp nên bọn chúng đã đem ông ra cửa nhà lao và bắn chết tại đó. Một thời gian sau, ông Trinh bị đưa đến Đồn Mỹ Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị, rồi đưa vào Ưu Điềm, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế để lao động khổ sai. Nhân lúc lính Pháp sơ hở, ông đã tìm cách trốn thoát, về lại xã Trung Hải.

Năm 1954, khi đất nước bị chia cắt 2 miền, ông Trinh được cấp trên chọn ở lại với lực lượng Thanh niên Trung kiên xã Trung Hải để tiếp tục hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở cách mạng. Hai năm sau, ông vinh dự được kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng, làm Bí thư chi bộ phụ trách 2 thôn Xuân Mỵ và Bách Lộ, Trung Hải. Năm 1961, giặc Mỹ nghi ngờ ông hoạt động cách mạng, đã bắt, giam cầm, tra tấn tại Lao Quảng Trị. Một năm sau, chúng không khai thác được gì ở ông nên thả về. Lúc này, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hà, phụ trách Ban tình báo Công an vũ trang Vĩnh Linh (B8) bàn với Huyện ủy Vĩnh Linh chuyển ông sang làm công tác tình báo.

Được cấp trên giao nhiệm vụ, ông nhanh chóng tổ chức 4 thành viên khác ở xã Trung Hải, cùng hoạt động với mình, gồm anh ruột Lê Minh Định (bí danh K), Hoàng Văn Hựu (Mười), Hoàng Viện (Năm), Trần Chút (Mai). Trong đó, ông Định làm Ủy viên Cảnh sát quân đội Sài Gòn, hoạt động trong lòng địch; ông Hựu làm nghĩa quân, Trưởng ban Cơ yếu quận Trung Lương (nay huyện Gio Linh); ông Viện làm phục vụ, trực tiếp canh gác, bảo vệ, phục vụ Quận trưởng Lê Hữu Nghi; ông Chút làm giáo dân ở nhà thờ Cao Xá, Trung Hải, có nhiệm vụ nghe ngóng, trinh sát tình hình địch. Riêng ông Trinh làm người dân bình thường, nhưng có nhiệm vụ quan trọng nhất là tập hợp tin tức, phân tích, nhận định tình hình và báo cáo cho B8. Ngoại trừ những lúc đột xuất, có thông tin quan trọng đặc biệt cần phải báo cáo gấp, cứ mỗi 5 ngày một lần, ông đều đặn vượt sông Bến Hải ở bến Xuân Long sang bờ Bắc để hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 1967, Mỹ, Quân đội Sài Gòn thực hiện chiến dịch “Vành đai trắng”, bắt, đưa toàn bộ người dân sống dọc bờ Nam sông Bến Hải lên khu tị nạn tập trung Tân Tường, huyện Cam Lộ. Thời gian này, ông Trinh bị bắt vào quân dịch. Ông tiếp tục hoạt động bí mật, đặc biệt làm nội tuyến cho các cơ sở cách mạng ở địa bàn Gio Linh.

Ngồi bên người vợ thảo hiền, chung thủy của mình, ông Trinh luôn nói những lời trân trọng dành cho vợ. Lâu lâu, bà Thiện lại nhìn sang chồng, cười rất hạnh phúc. Bà kể: “Ông bà yêu nhau, rồi lấy nhau là bắt đầu từ việc cùng chung ý chí. Bà gặp ông ấy trong tù, năm 1961. Nhưng lúc đầu, bà không mến vì nghi ông ấy vào đó để hoạt động cho địch. Sau khi nhận được những lá thư ông ấy tỏ tình, bà mới bắt đầu có giác dường như ông ấy cùng chung chí hướng với mình. Mặc dù vậy, bà vẫn đề phòng dữ lắm!. Ba năm sau, vào năm 1963, giặc thả bà ra vì đánh đập, tra tấn tàn khốc, nhưng không khai thác được gì. Bà về quê ở thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, Gio Linh, tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng. Những lần lên trung tâm huyện rồi ngược ra Trung Hải, bà đều bí mật thu thập tin tức về ông ấy. Mãi 2 năm sau, trong một lần cấp trên đưa bà lá thư gửi cho ông ấy, bà mới vỡ òa niềm vui trong lòng, thì ra ông ấy chính xác là người của cách mạng”.

Nghe vợ kể, ông Trinh trở nên rất hào hứng với câu chuyện. Ông kể lại: “Đầu năm 1963, khi làm lễ ăn hỏi xong, thì bà bị địch bắt lại. Lần đó, ông biết bà rất khó trở về, nhưng ngày nào ông cũng ngóng trông, chờ đợi. Ông nghĩ, nếu bà không trở về được, suốt cuộc đời này còn lại, bà vẫn luôn sống trong trái tim ông. Rất may, chờ được 3 năm thì bà trở về. Lần gặp lại, bà khóc suốt, cứ khuyên ông đi tìm người khác. Bởi vì bà còn sống được, nhưng sẽ không có con. Ba năm liền trong tù địch, bọn chúng đã sử dụng đủ chiêu trò, cách thức tra tấn rợn người hơn cả thời Trung Cổ. Ông liền bảo bà, chúng ta không có con thì vẫn có thể sống với nhau đến hết cuộc đời”.

Thế nhưng năm 1966 khi đang tổ chức lễ cưới, bọn địch đã xông thẳng đến nhà cô dâu, bắt bà Thiện đi giam cầm, tra tấn dã man trở lại. Căm thù giặc đến tận cùng, nhưng ông vẫn cố gắng chịu đựng và giữ bình tĩnh để khỏi bị lộ, sẽ ảnh hưởng đến cách mạng. Ròng rã một năm sau bọn địch vẫn không khai thác được tin tức gì ở bà Thiện, nên chúng đành thả bà trở về. Lần này, ông lại mừng vui khôn xiết, đón bà về sống trong vòng tay của mình.

Ở đôi bờ sông Bến Hải, còn có hàng trăm con người khác như vợ chồng ông Trinh, bà Thiện. Chúng tôi tìm về gia đình ông Trần Ngọc Châu, bà Trần Thị Dĩnh ở làng Xuân Hòa, Trung Hải, nhưng ông bà đều đã qua đời cách đây nhiều năm do bệnh tật, tuổi cao, sức yếu. Chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Minh Châu, ở cùng làng với những con người này, một thời cũng là chiến sĩ Công an vũ trang giới tuyến vào sinh ra tử nơi đây. Đặc biệt, sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, họ còn là thông gia với nhau, nên biết về nhau rất rõ. Ông Minh Châu kể rằng, ông Ngọc Châu là lớp đàn anh tham gia hoạt động cách mạng và biên chế vào lực lượng Công an vũ trang huyện Vĩnh Linh trước ông nhiều năm. Ngày đó, bà Dĩnh vợ ông Ngọc Châu sống ở bờ Nam, còn chồng hoạt động ở bờ Bắc. Mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn về, bà cứ đem quần áo ra bến sông giặt, với mục đích được nhìn thấy chồng ở bờ bên kia. Có nhiều hôm, bà giặt mãi, giặt mãi đến khi quần áo cứ sờn ra mà không nhìn thấy được chồng. Nên những câu ca: “Bên nớ Cát Sơn, bên ni Tùng Luật mẹ bồng con khắc khoải ruột gan/ Nọ là Văn Xá, này là Hiền Lương vợ ngóng chồng chờ mong héo hắt/ Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên/ Đem lưới xuống bến để phơi, lưới khô mắt thì đẫm huyết/ Tình trong lá thiếp một câu hò trên bến Hiền Lương” như để viết về câu chuyện của ông bà và những cặp vợ chồng khác ở hai bờ Nam Bắc...Để rồi niềm tin son sắt ấy đã không phụ họ, bến sông quê vẫn luôn đợi chờ, cuối cùng họ cũng đã trở về nơi đây, sống cuộc sống thanh bình sau ngày đất nước được giải phóng, Nam-Bắc sum họp một nhà.

Về sông Bến Hải cầu Hiền Lương lần này, chúng tôi còn may mắn gặp bà Phan Thị Hoa, là con gái của ông Phan Văn Đồng, hình mẫu trong bài hát nổi tiếng “Câu hò bên bến Hiền Lương” của 2 nhạc sĩ Hoàng Hiệp và Đằng Giao. Chuyện kể rằng, thời đánh Mỹ, ông Đồng làm nhân viên Trạm Hải đăng Cửa Tùng. Chiều chiều sau giờ làm việc, ông hay ra đứng tựa gốc dừa bên bờ sông Bến Hải nhìn về hướng Nam để phần nào dịu vơi đi nỗi nhớ vợ con da diết. Trong một lần, 2 nhạc sĩ Hoàng Hiệp và Đằng Giao đi thực tế chiến trường Vĩnh Linh - Bến Hải - Cửa Tùng, biết được câu chuyện này để rồi năm 1957 họ cho ra đời ca khúc sống mãi cùng năm tháng.

Cuộc đời của ông Trinh, bà Thiện đã có một cái kết rất đẹp, rất viên mãn. Vượt lên tất cả nỗi đau, ông bà đã có với nhau 5 người con trai, nay các con của ông bà đều thành đạt. Mẹ của ông Lê Viết Trinh đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có 2 người con hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Dòng sông Bến Hải mãi vọng lại những câu hò trên bến Hiền Lương một thuở nghe sao mà thương nhớ!

Phan Thanh Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=143355