Thương nhớ Myanmar

Myanmar vừa gần gũi, vừa bí ẩn, khác với suy nghĩ và hình dung qua sách báo hay hình ảnh.

Thánh địa Bagan được công nhận di sản thế giới năm 2019

Thánh địa Bagan được công nhận di sản thế giới năm 2019

Những ngày này, thế giới tràn ngập thông tin thời sự về Myanmar. Tin tức liên tục được cập nhật về sự phản kháng của người dân. Tôi đến Myanmar lần đầu vào năm 2007 và mấy lần trở lại, vẫn không trả lời được nhiều câu hỏi băn khoăn.

Tại sao những người dân Myanmar vốn hiền hòa, hiếu khách lại dám hiên ngang đương đầu bạo lực, chấp nhận hy sinh, dù nhiều người tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều hình ảnh cứ ám ảnh mãi không thôi. Myanmar từng là cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới, 2 lần vô địch bóng đá Asia. Uthant (1909 - 1974), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ 1961 - 1971, người châu Á đầu tiên giữ trọng trách này, vốn là cựu thư ký của Thủ tướng Myanmar…

Gần 15 năm nhưng những kỷ niệm về Myanmar vẫn tinh khôi, vẹn nguyên cảm xúc. Đó là chuyến đi nước ngoài để lại nhiều ấn tượng nhất. Myanmar vừa gần gũi, vừa bí ẩn, khác với suy nghĩ và hình dung qua sách báo hay hình ảnh.

Chùa Kyaikhtiyo – chùa Đá Vàng

Chùa Kyaikhtiyo – chùa Đá Vàng

Từ máy bay, Myanmar nhấp nhô tháp và chùa. Chùa nào cũng nhiều tháp, phần lớn đều dát vàng, đính kim cương, đá quý. Các tượng Phật và tháp trong chùa cứ ngày mỗi lớn hơn vì phật tử không ngừng dát thêm vàng lá mỗi khi cầu nguyện. Có tượng Phật dài gần trăm mét, có tượng nặng gần nghìn tấn bằng đá quý nên phải tạc xong mới xây chùa. Theo LA Times, ước tính có tới 10.000 đền chùa được xây dựng từ thế kỷ 10 - 14 tại Bagan, hiện chỉ còn khoảng 2.200 công trình tồn tại.

Vào chùa phải bỏ cả giày, dép lẫn vớ. Chùa không chỉ là chính điện mà được tính từ cổng, có khi cả cây số. Vào chùa Kyaikhtiyo (Golden Rock, Đá Vàng), du khách gởi giày dép ở cổng với giá 200 kyat (khoảng 3.500 đồng), dù gởi cá nhân hay tập thể. Ai không gởi, có thể lấy túi ni lông bỏ giày và mang theo, cũng giá 200 kyat.

Chùa cổ Shwedagon

Chùa cổ Shwedagon

Chùa cổ Shwedagon có ngọn tháp dát vàng lớn và cao nhất thế giới, rộng mênh mông. Vừa ra cửa, nhân viên giữ giày gởi khăn lạnh kèm nụ cười niềm nở. Tôi mở khăn, tính lau mặt đang lấm tấm mồ hôi, lập tức được nhắc bằng “body languages”, khăn dùng lau bàn chân cho sạch để không làm bẩn vớ. Chuyện này chỉ có ở Myanmar.

Đền chùa Myanmar không đốt nhang mà dùng nến, thắp bên ngoài điện. Phật tử có thể ăn nghỉ, thậm chí tổ chức ca nhạc trong chùa. Khách mặc đồ ngắn, đồ quá mỏng không được vào chùa hoặc phải mua đồ bán sẵn khoác thêm. Sư không trụ trì chùa mà chỉ tập trung tu và học trong các thiền viện, có nơi hàng nghìn người như thiền viện Kyat Khat Wine.

Bộ kinh đá gồm 1.458 trang, mỗi trang cao 1.5m, rộng 1m, dày 0.4m

Bộ kinh đá gồm 1.458 trang, mỗi trang cao 1.5m, rộng 1m, dày 0.4m

Tăng khất thực hàng ngày, ni khất thực hằng tuần, đi vào sáng sớm và ăn uống như người dân. Chỉ khác là không ăn sau chính ngọ (12 giờ), không sát sinh, không tụ tập chỗ đông người, không dùng nước hoa mỹ phẩm, không chung đụng phụ nữ. Thiền viện là nơi dạy kỹ năng sống cho trẻ em vào mùa hè, nơi nam thanh niên vào tu học trước khi trưởng thành.

Sân bay quốc tế Yangon đẹp, lịch sự nhưng vắng ngắt. Chỉ vài ba máy bay nhỏ và không có bất cứ dịch vụ gì. Những năm sau ngày càng nhộn nhịp nhưng vẫn đáng yêu vì hàng lưu niệm, nhiều nhất là đá quý, cứ thoải mái trả giá. Dễ thương nhất là sự nhiệt thành của nhân viên sân bay, tận tình giúp khách chuyển hành lý.

Rangoon cấm xe gắn máy. Nhà cửa, đường sá và xe cộ đều cũ kỹ, trừ các biệt thự khu ngoại giao. Taxi không biển số, không máy lạnh, có khi mất cả kính chắn gió. Tiền cước áng chừng theo chặng. Xe hơi tay lái nghịch, cùng bên với cửa lên xuống giữa đường, rất bất tiện.

Xe Trishaw ở Myanmar

Xe Trishaw ở Myanmar

Vùng ngoại ô và các tỉnh có Trishaw đạp 3 bánh, cải tiến từ xe đạp sườn ngang, gắn thêm thùng và bánh xe bên phải, chở cả khách lẫn hàng. Nhìn mảnh khảnh nhưng có thể thồ 300 ký hoặc chở 3 người. Chưa nơi nào ở Myanmar có cáp treo. Thay vào đó là các xe đặc dụng, kiệu và đi bộ.

Ngày chủ nhật, giữa dòng người tấp nập ở chợ và các khu phố, thấy mấy lò than nghi ngút khói. Cứ tưởng ẩm thực đường phố. Tới gần, phải dụi mắt mấy lần. Lò than đang nướng mấy thanh sắt đầu dẹt, công cụ hàn những đôi dép nhựa bị đứt để sử dụng tiếp. Hình ảnh quen thuộc thời bao cấp ở Việt Nam những năm sau 1975. Dân Myanmar thích đi dép, nhất là dép Lào, cả khi mặc veston. Chỉ quan chức và quân đội mới đi giày.

Điện thoại di động hiếm hơn xe hơi limousine chính hiệu, cả ngàn usd mỗi sim có số. Mạng internet chập chờn, chậm hơn rùa bò. Bàn điện thoại công cộng thường trong các quán tạp hóa nhỏ, thoạt nhìn ngỡ đồ chơi. Chợ trung tâm Yangon có nhiều món quê hoài niệm như hột é, sương sa, bánh lọt, khoai, bắp… Ti vi màu những đời đầu và cassette tape là “hàng hot” phổ cập ở thành thị.

Cầu gỗ U Bein dài 1.2km ở Mandalay

Cầu gỗ U Bein dài 1.2km ở Mandalay

Cứ tưởng người Việt ăn trầu nhiều nhất, đi ra các nước mới hay không phải. Đài Loan là xứ trồng nhiều cau nhất nhưng ăn trầu thua xa Myanmar. Cả đàn ông lẫn đàn bà, từ cụ già đến thanh niên, ăn trầu như nhai chewing gum. Trầu têm sẵn được bán khắp nơi và nước trầu khắp chốn. Tôi được nhiều người mời ăn nhưng chỉ cười trừ, sợ bỏng miệng.

Món uống quốc túy Myanmar là trà sữa, loại trà nhạt pha với sữa tươi và mật ong. Thời đó điện lưới quốc gia rất yếu; khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu phải dùng máy phát riêng. Chợ 9h mới mở cửa nhưng 16h đã chuẩn bị dọn vì 17h điện cúp. Buổi tối có rất ít trò vui chơi giải trí, chỉ có quán cà phê, trà sữa hay ăn vặt, không có quán nhậu bia rượu hay cửa hiệu shopping.

Đám cưới tổ chức vào buổi sáng đến tận trưa. Ngay cổng “Tân hôn”, bộ phận đón khách tiếp nhận quà, mở phong bì đếm tiền và ghi tên người gửi vào sổ sách. Chú rể và cô dâu sẽ khui quà sau. Trong nhà, nữ luôn phục tùng nam. Khi giặt đồ, phải giặt đồ nam trước, đồ nữ sau. Không có giỗ chạp vì “Chết là qua thế giới khác, không còn vướng nợ trần”.

Cung điện Karaweik trên hồ Kandawgyi

Cung điện Karaweik trên hồ Kandawgyi

Múi giờ Myanmar được tính 30 phút thay vì 60. Mỗi kilogram bằng 0,6 peiktha. Có cảm giác, ở Myanmar, quân đội và tăng ni nhiều hơn dân. Khắp nơi, kể cả trong thành phố, chỗ nào cũng có chùa và doanh trại. Có lẽ do nhiều điểm tương đồng về lịch sử, người dân Myanmar đặc biệt có thiện cảm với người Việt Nam so với các quốc gia Asean khác.

Người Myanmar hiền hòa, lương thiện, thích viếng chùa, sống chậm, luôn tâm niệm “Thà ăn xin còn hơn ăn trộm”. Ngoài thói quen ăn trầu, từ già đến trẻ thường thoa một ít bột màu vàng từ cây thanakha lên mặt để chống nắng và rất hay cười, những nụ cười Phật giữa đời thường.

Nụ cười với khuôn mặt thoa bột thanakha

Nụ cười với khuôn mặt thoa bột thanakha

Do chính sách tự cô lập, bị cấm vận từ 1988, du lịch Myanmar gần như không có khách phương Tây và phát triển chậm, dù có rất nhiều di tích, danh thắng độc bản, mang tầm vóc quốc tế. Mãi đến 2014, các thị tứ Pyu mới được công nhận di sản thế giới. Năm 2019, có thêm thánh địa Bagan. Từ 2010, Myanmar chuyển mình, tăng tốc, phát triển ngoạn mục.

Mọi thứ đang êm đẹp bỗng chính biến ập đến, gấp mấy lần đại dịch Covid-19. Người dân Myanmar đang chịu thảm họa kép với tương lai mờ mịt.

Chẳng biết làm gì để chia sẻ, chỉ cầu mong có xứ sở của những nụ cười Phật sớm trở lại bình yên.

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thuong-nho-myanmar-1615686854666.htm