Thương nhớ những mùa trăng
Trăng tròn rồi khuyết, trăng khuyết rồi tròn. Vạn vật đều biến thiên. Bình thường vậy thôi mà sao mỗi khi nhìn mặt trăng tròn vành vạnh trên nền trời xanh tỏa xuống thứ ánh sáng dịu dàng huyền ảo, tôi lại bồi hồi thương nhớ những mùa trăng quê nhuộm thắm ký ức từ ngày còn thơ bé cho đến khi trưởng thành.
Nếu dưới ánh mặt trời, mọi thứ đều quá rõ ràng đến trần trụi, bóng đêm lại đưa mọi thứ vào một màn đen bí ẩn thì ánh trăng lại là một sự dung hòa. Dưới ánh trăng, mọi vật cũng như con người đều trở nên mềm mại hơn, lung linh hơn, hiện hữu những vẻ đẹp khác lạ. Vậy nên, trong nhiều câu chuyện êm đềm nhất ta từng được nghe đều có xuất xứ từ “một đêm trăng thanh gió mát…”
Với người Việt Nam, trăng gắn liền với niềm mong ước của mọi người về một mùa màng mưa thuận gió hòa, tươi tốt bội thu. Cũng vì vậy mà trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu liên quan đến trăng được đúc rút từ kinh nghiệm: “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”; “trăng khi tròn khi khuyết, nước khi lớn khi ròng”; hay trong những lời trách móc vu vơ “Có đèn thì lại quên trăng/ Có the quên lụa, có vàng quên thau”. Người ta còn quan sát trăng từ đầu tháng tới cuối tháng: Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa… Trăng gần gũi với cuộc sống của người dân, dưới ánh trăng, người nông dân tiếp tục những công việc còn dang dở. Hình ảnh của trăng trong những câu ca dao giao duyên của những chàng trai cô gái mới ngọt ngào làm sao: "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi"...
Trăng soi sáng những con đường quê, soi rọi khắp cánh đồng, vườn rau. Người nông dân lấy ánh sáng trăng để tranh thủ cấy cho xong thửa ruộng, đập cho xong bó lúa kịp ngày mai phơi. Những việc chưa làm xong trong ngày thì trăng cho họ ánh sáng để làm tiếp việc dở dang. Dưới ánh trăng quê, những người hàng xóm uống với nhau ly nước chè, trao đổi kinh nghiệm ruộng vườn. Những chàng trai cô gái quê tìm gặp nhau chuyện trò, trao nhau lời hẹn ước với ánh trăng lung linh.
Nhưng vui nhất có lẽ là những đứa trẻ. Những đêm trăng sáng, sau khi học bài xong, lũ trẻ trong xóm lại kéo nhau tụ tập ra đầu xóm chơi với nhau bao nhiêu là trò chơi thú vị: Trốn tìm, u quạ, keo… Những trò chơi mà thời hiện đại này có lẽ trẻ con đã không còn biết đến. Trăng lên cao dần, treo lơ lửng giữa bầu trời, cả bọn rủ nhau tìm một thau nước, đem chiếc gương lớn bỏ vào và cùng ngắm trăng. Mặt trăng trong chiếc gương ấy rực rỡ bảy sắc cầu vồng như một khối cầu trôi trong dòng sông để lũ trẻ tưởng tượng ra bao nhiêu là thứ. Chúng tin rằng chú Cuội vẫn đang ngồi dưới gốc cây đa...
Do tốc độ đô thị hóa, ánh điện đã thay ánh trăng cả ở những miền quê. Các cặp đôi yêu nhau bây giờ không còn cần “có vầng trăng làm chứng” mà rủ nhau vào các nơi sang trọng như quán bar, vũ trường, hay thông thường là những quán cà phê vườn có đèn màu lấp lánh. Trẻ con bây giờ say mê với ti vi, điện thoại thông minh, những trò chơi trên điện thoại, máy tính. Cuộc sống sau cánh cổng là của riêng mỗi nhà, chẳng còn mấy ai rủ nhau ra sân nhà uống nước ngắm trăng nữa. Có một thứ ô nhiễm đang được cảnh báo là "ô nhiễm"... tầm nhìn. Những toàn nhà chọc trời che khuất làm người ta không còn cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên nữa.
Thoát ra khỏi những bộn bề cuộc sống ở cái nơi mà từ lâu người ta đã quen với ánh điện, tôi đem chiếc ghế ra ngồi ngắm bầu trời đêm mà thương nhớ những mùa trăng đã qua. Đã bao mùa trăng qua trong cuộc đời rồi, bao nhiêu người đã theo những mùa trăng ấy đi xa. Nhớ những đêm sáng trăng ngồi hái đậu phộng trong sân nhà, nhớ những trò chơi trẻ con cùng bạn bè hàng xóm mà giờ cũng đứa còn đứa mất. Nhớ nhất là hình ảnh của người mẹ cả đời vất vả nhọc nhằn, nhớ những đêm trăng thức cùng mẹ dọn dẹp đống lúa vừa đập xong hay tưới những luống rau mới trồng xong buổi chiều. Cha tranh thủ ánh trăng ra đống rơm rút thêm rơm vào bỏ thêm cho những chú bò. Một khung cảnh thanh bình nơi thôn dã giờ đã quá xa xôi…