Thương nhớ quạt Kẻ Vác
Chả thế, ca dao xưa có câu: 'Hỡi cô thắt dải bao xanh/ Có về Canh Hoạch với anh thì về/ Canh Hoạch ít đất nhiều nghề/ Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khua'.
Một thời vang bóng
Tìm về làng Vác (Kẻ Vác) xứ Đoài, Hà Tây (cũ) để nhớ lại những hình bóng xưa của một nơi làm quạt giấy giỏi và lớn nhất nhì đất Bắc. Giữa những nếp nhà mới, nay làng nghề cũ đã dần đi vào quá vãng. Chỉ còn vương vấn một chút hình bóng nghề xưa nơi đình làng, một số người còn “cầm cự” giữ nghề chạy đua với thời gian và nhịp sống hiện đại.
Quạt Vác bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ 18, cách đây khoảng gần 200 năm, do cụ Mai Đức Siêu - người được coi là ông tổ của làng khởi nghiệp. Dần dần nhiều gia đình theo nghề và chẳng bao lâu cả làng Canh Hoạch đều làm quạt. Trước kia thợ Vác từ chỗ chỉ sản xuất quạt bán quanh vùng quê mình, đã tiến lên làm các loại quạt kỹ, quạt quý xuất khẩu và tham dự các cuộc đấu xảo, hội chợ ở Hà Nội và Paris.
Đến đình làng Vác để tìm về những ký ức xưa khi làng hưng thịnh nhất với nghề làm quạt, tôi được tận mắt chiêm ngưỡng chiếc quạt cổ có niên đại gần 200 năm, cùng với thời gian làm nghề của làng. Theo cụ từ chia sẻ, chiếc quạt là vật thiêng được thờ trong cung cấm, tại nhà bia có nơi khiêm tốn thờ chính cụ Siêu là ông tổ nghề quạt của làng. Chiếc quạt cũng là vật minh chứng cho sự tồn tại lâu đời, bền bỉ của nghề làm quạt làng Vác cho đến tận ngày nay.
Có một điều đặc biệt trong ký ức người làng Vác, không chỉ là sản phẩm nổi tiếng đất Hà thành xưa và khắp trong Nam, ngoài Bắc mà còn vinh dự được làm quà tặng Bác Hồ vào năm 1946 có bài thơ nổi tiếng:
“Gió xuân hây hẩy ba kỳ mát
Muỗi cỏ vo ve một phảy tan
Gia Cát quạt lông, Hồ quạt giấy
Trước sau quét sạch lũ tham tàn”.
Ở làng Vác có câu: “Xuân phong hòa khí”, chiếc quạt như linh hồn, là nguồn gió xuân mất mẻ tạo khí hòa thuận, hưng thịnh cho cả ngôi làng. Đối với người mê cổ phong, quạt làng Vác thực sự tinh hoa của truyền thống, không chỉ là sức sống của ngôi làng mà còn là giá trị văn hóa hun đúc trong suốt hành trình giữ nghề.
Kỹ nghệ làm quạt là tinh hoa
Tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thứ - người hiếm hoi còn làm quạt truyền thống tại làng để mắt thấy, tai nghe quá trình làm quạt thủ công tại đây. Ông hồ hởi mang rất nhiều mẫu quạt cổ truyền của nhà cho tôi xem, cũng chính là những loại quạt nổi tiếng xưa nay của làng Vác.
Ông chia sẻ về sản phẩm đầy tự hào của làng: “Giấy dùng làm quạt châm kim là giấy dó - được sản xuất hoàn toàn thủ công từ vỏ cây dó và nhựa cây mò. Thường dùng giấy dó bóc đôi (loại mỏng), hoặc bóc 1 (loại dày), giấy không chống thấm. Cấu trúc quạt cổ làng gồm: Nan tre cổ 18 nan (khác loại 17 hay 19 nan như bây giờ)”.
Làm được quạt Châm Kim theo kiểu cổ làng Vác là đủ những công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn của người làm quạt. Thế nên, giờ về Vác cổ của làng chủ yếu vẫn duy trì nghề cha ông, lớp trẻ bỏ dần. Ông Thứ chia sẻ loại tre làm quạt phải là loại tuyển mà dân gọi là tre bánh tẻ (vì nếu chọn tre non dễ mục, tre già giòn dễ vỡ). Ngâm tre 3 tháng ở ao nước sạch, trong rồi một thời gian vớt lên để khô trong bóng râm.
Lớp hồ để gắn giấy và nan là loại nhựa cậy chứ không dùng keo, nhựa cậy lấy từ quả cậy xanh giã nát ngâm nước trong chung để một tháng lọc lấy nước thành nhựa cậy để dán quạt. Nhựa cậy được phết hai lần để tăng độ kết dính và chống mối mọt. Sừng trâu để làm quạt được đặt mua về từ Thường Tín, Hà Nội. Sừng mua về là những thanh nhỏ còn thô và được chế biến theo yêu cầu của khách. Sau khi quạt phơi khô được tỉa tót, vót lại quần nan, dùng giấy nhám đánh nhẵn, giũa nan cái thành từng vết và tiếp tục bôi vôi làm thành nan như thân cây tre, cây trúc.
Nếu quạt sừng là thứ chỉ thấy ở Canh Hoạch thì châm kim hoa văn quạt lại càng là thứ độc nhất vô nhị. Đây là một thủ pháp kỹ thuật phức tạp và độc đáo, không phải ai cũng có thể làm được. Dụng cụ đột bằng từng miếng hoa văn được vẽ lên gỗ, gắn kim theo từng hình vào gỗ rồi cố định và dập khuân đó lên quạt.
Khi cầm quạt soi lên trời, ta sẽ nhìn thấy những hình vẽ hiện lên như một bức họa sống động như mây, rồng, phượng, tùng, trúc, cúc, mai... mà đường nét là những lỗ châm kim liền nhau, với kỹ thuật đạt tới độ chuẩn xác cao.
“Một chiếc quạt sừng loại tốt có thể dùng được vài chục năm mà khung quạt chưa hỏng” - chị Liệu (một người làm quạt cổ tại làng) cho biết.
Ông Thứ chia sẻ thêm: “Quạt làm muốn ưng ý thì từng thanh sừng phải được mài bằng dao và giấy nhám. Bây giờ có máy mài nhưng tôi vẫn giữ thói quen làm bằng tay của các cụ truyền lại”.
Thế mới thấy để làm ra được quạt cổ là đủ công đoạn tinh hoa kỹ nghệ của người làm. Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt của ông Thứ như múa những vệt hồ lên quạt, tôi lại thấy ngưỡng mộ họ vô cùng. Trải qua hàng chục năm gắn bó, thăng trầm quá đời người đều trải lên từng nan quạt bởi sự tinh xảo, hoa mĩ.
Đau đáu nhìn về tương lai
Giờ đến làng Vác, giữa nhịp sống hiện đại, khung cảnh một làng nghề làm quạt truyền thống nay đã vắng bóng. Tại làng chỉ còn vài hộ gia đình còn giữ được nghề làm quạt cổ truyền. Chủ yếu trong số đó là những người già lành nghề, họ cố níu giữ một chút quá vãng của nghề đã từng hưng thịnh nhất của làng nhiều năm trước. Những người trẻ bỏ dần đi làm ăn, kinh tế, hiếm có ai còn trụ lại để nối nghiệp cũ của gia đình.
Về làng quạt nổi tiếng một thời đã không còn cảnh làm quạt nhộn nhịp xưa kia. Thay vào đó là hình ảnh người người, nhà nhà chuyển sang làm lồng chim. Vậy nên Canh Hoạch bây giờ, ít ai nhớ đến tên tuổi một làng làm quạt giấy nổi tiếng mà là làng sản xuất lồng chim trong những năm gần đây.
Anh Lê Xuân Hiệp (25 tuổi, Hà Nội) là người trẻ yêu thích cổ phong, đối với anh, quạt là cả tấm chân tình người xưa để lại. Mỗi chiếc quạt là một câu chuyện của tiền nhân kể cho hậu sinh về nghĩa tình, đạo lý làm người, văn hóa truyền thống. Anh là khách quen của gia đình ông Thứ, nhìn ngôi làng quạt cổ một thời nay chỉ “cầm cự” giữ nghề, bản thân cũng thấy đau xót. “Chỉ mong vẫn còn những người yêu quạt cổ phong để lưu giữ lại những tinh hoa của cha ông để lại” - anh Hiệp chia sẻ.
Mấy đời làm quạt cổ phong, nhà ông Thứ cũng dần khấm khá lên nhờ thời gian hưng thịnh nhất của làng làm quạt. Giờ ông có một cơ ngơi vững chãi sau nhiều năm lăn lộn với nghề cổ truyền. Tuy nhiên, vẫn có nỗi đau đáu trong lòng người nghệ nhân hiếm hoi của làng: “Mai đây ai sẽ nối nghiệp chúng tôi?”.
Đó là câu hỏi trằn trọc nhiều nghệ nhân lão làng như ông Thứ, ông Hướng hay cô Liên khi nhìn về tương lai của quạt kim châm làng Vác. Giới trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề truyền thống mà chuyển sang nghề khác kiếm kế sinh nhai.
Còn lớp người nghệ nhân của làng nay cũng đã có tuổi, gần một đời gắn bó với nghề này. Nguy cơ thất truyền nghề quạt nổi tiếng của làng Vác là điều dễ đoán. Mong mỏi lớn nhất của những nghệ nhân cuối cùng tại làng là sau này vẫn có người giữ nếp làm quạt cổ phong có một không ai của làng Vác.
Nghề làm quạt đầy những thăng trầm, như gia đình ông Thứ hay ông Hướng, trung bình thu nhập từ nghề đủ họ trang trải cuộc sống. Vài năm gần đây, quạt Vác không chỉ dùng để trong cúng lễ mà còn thành đồ lưu niệm cho khách du lịch trong và ngoài nước. Dù vậy, đối với người Vác vẫn có những lối sáng nhất định cho hành trình giữ nghề dù có bấp bênh, thăng trầm nhiều nỗi.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/thuong-nho-quat-ke-vac-487427.html