Thương nhớ Tết xưa

Cùng với sự phát triển của xã hội, Tết của người Việt đã có nhiều sự thay đổi theo hướng hiện đại, đủ đầy hơn. Nhưng với nhiều người, những kỷ niệm về cái Tết thời bao cấp đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên. Đó là cái Tết dù đơn sơ, thiếu thốn nhưng lại chứa chan nghĩa tình và mang một hương vị rất khác so với bây giờ.

Hương Tết trong ký ức một người Hà Nội

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, cô Trần Mai Phương đã có gần 60 cái Tết ở Thủ đô. Tưởng nhớ lại những cái Tết thời bao cấp, người phụ nữ gốc Hà Thành không khỏi bồi hồi.

Cô Phương chia sẻ, ngày xưa, khi các loại hoa chưa nhiều như bây giờ, dường như Tết đến nhà nào cũng có một bình hoa thược dược, violet bày trong phòng khách. Một bình hoa lớn với đủ sắc vàng, đỏ, tím theo phong thủy có ý nghĩa hóa giải các vướng mắc trong tình yêu, đem lại điều may mắn và thành công cho gia đình. Vậy là, chẳng biết từ bao giờ mà những bông thược được đủ sắc màu đã trở thành một tín hiệu báo Tết cổ truyền đang đến rất cận kề.

Một nét văn hóa nữa ấy là tắm nước mùi già vào chiều 30 Tết. Theo quan niệm dân gian, tắm nước lá mùi sẽ giúp xua đi những chuyện không hay, những điều không may mắn trong năm cũ để chuẩn bị đón một năm mới đầy ý nghĩa. Vì vậy, ngày cuối năm dù bận thế nào các bà, các mẹ cũng nhắc nhở nhau mua lá mùi về “tẩy trần” để đón tết. “Nước lá mùi thơm thoang thoảng, bay len lỏi trong căn phòng nhỏ của gia đình, xua tan đi sự thiếu thốn về vật chất, gợi ra niềm hân hoan, vui sướng trong tâm tưởng mỗi người. Sau này, lá mùi được chiết xuất ra làm tinh dầu, sử dụng tuy có tiện hơn nhưng mùi hương và cảm giác mang lại chẳng thể bằng lá mùi tay bà, tay mẹ tự nấu”- cô Phương chia sẻ.

 Gia đình cô Phương gồm 3 thế hệ sinh sống trong một căn nhà nhỏ trên phố Hàng Chiếu (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Gia đình cô Phương gồm 3 thế hệ sinh sống trong một căn nhà nhỏ trên phố Hàng Chiếu (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trong ký ức cô Phương, Tết còn là sự háo hức khi được nghe tiếng pháo. Ngày cuối năm, trẻ con thường được bố mẹ cho những bánh pháo nhỏ nhỏ để mang ra sân chơi, tiếng pháo kêu lách tách cùng mùi khét nhẹ mà cứ ngửi thấy là người ta bảo nhau “À, là mùi Tết”. Sau này, vào đêm giao thừa, cô cùng gia đình vẫn đi xem bắn pháo hoa tại bờ hồ Hoàn Kiếm, những đợt pháo hoa đẹp và hoành tráng hơn nhiều nhưng cảm giác háo hức như ngày xưa không còn.

Hương Tết xưa còn là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục. Ngày xưa, các gia đình hay tự gói rồi chung nhau nấu trên một cái nồi to ở ngoài sân, xung quanh nồi, lũ trẻ con sẽ tận dụng lửa để nướng thêm mấy củ khoai. Mùi thơm thanh thanh đặc trưng của lá dong, gạo nếp, mùi hăng hăng của củi cháy, mùi hương ngọt bùi của những củ khoai nướng, tất cả hòa quyện lại, gợi nhớ những cái Tết cổ truyền vừa thiêng liêng vừa ấm cúng.

Đủ đầy trong thiếu thốn

Trong cuộc sống hiện đại, người dân đón Tết nhẹ tựa lông hồng bởi thiếu gì ra chợ là đủ hết, nhưng những năm tháng bao cấp, mỗi dịp cận Tết là nỗi lo cơm áo, gạo tiền lại đề nặng lên vai của những cán bộ công nhân viên chức.

Theo ký ức của cô Phương, ngày xưa, Tết đến các hộ gia đình cán bộ công nhân viên chức ở Hà Nội sẽ được phát một tấm tem phiếu đổi hàng, trong gói hàng ấy sẽ có một tập bánh đa nem, khoảng hai lạng miến, một chút mì chính, một chút hạt tiêu, một gói mứt, một gói chè khô.... Nhìn qua có vẻ đầy đủ cho bữa cơm ngày tết nhưng kỳ thực cái gì cũng rất ít ỏi. Ngày ấy, để có một chiếc bánh chưng đầy đặn, nhiều gia đình phải tiết kiệm phiếu mua thịt từ đầu tháng. Nhưng phải đi qua những ngày tháng cơ cực như thế ta mới thấy được các bà, các mẹ đã khéo léo thu vén như thế nào. Ngày xưa, thịt ba rọi rất rẻ nên các bà đi chợ thường chọn mua thịt ba rọi để mua một mà được gấp đôi, phần thịt mỡ sẽ dùng để gói bánh chưng, còn những phần không nguyên miếng sẽ băm ra để làm nem.

Đó là “ăn” tết, còn “chơi” tết cũng giản dị không kém. Hồi ấy trẻ con luôn bị thu hút bởi những chùm pháo đỏ nhưng trong tiêu chuẩn của mỗi gia đình chỉ được mua một bánh pháo. Vậy là cứ chiều 30 tết, bố mẹ lại tách một nửa ra để cho trẻ con chơi lẻ, nửa còn lại để dành đốt vào đêm giao thừa. Tiếng pháo nổ đì đùng như báo hiệu báo hiệu xuân đã tới, một năm mới đã sang. Sau đó, những đứa trẻ còn không quên đi bới đống xác pháo trên mặt đất với hy vọng tìm được những tép pháo chưa nổ.

Tết đến, các gia đình cũng cố để sắm cho con những bộ quần áo mới, có những nhà không mua được vải thì bố mẹ dùng áo của mình ra để may áo cho con. Lì xì cho trẻ con ngày xưa cũng có nhưng không nhiều như bây giờ mà chỉ mang tính chất tượng trưng. Hồi ấy trẻ con muốn nhận lì xì từ ông bà, bố mẹ thì phải chuẩn bị hát một bài hoặc đọc thơ cho cả nhà nghe. Bởi vậy mà, cái Tết xưa tuy thiếu thốn nhưng lại ấm áp vô cùng.

Ngày nay, cuộc sống của người dân đã no đủ, sung túc hơn nhiều, bởi vậy mà nhiều phong tục đón Tết cũng có chút thay đổi. Nhưng dù ở thời kỳ nào thì giá trị của Tết vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm tưởng của mỗi người con đất Việt, bởi Tết không chỉ là thời gian để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau, đó còn là dịp để ông bà, cha mẹ nhắc nhở con cháu về quá khứ, trân trọng những gì đã qua và hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai...

Bài, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thuong-nho-tet-xua-608541