Thương nhớ thời bao cấp

Đọc cuốn sách này, ta không khỏi bùi ngùi nhớ về thời gian khổ. Những ai sinh ra trước đổi mới, hẳn còn nhớ rõ những kỷ niệm tem phiếu, rau cháo nuôi nhau, còn những bạn trẻ bây giờ thì đó một thế giới... siêu thực.

Cuốn sách thích thú với bạn đọc ở chỗ, tác giả sử dụng những câu ca, những lời nói vần vè, những quán ngữ kết hợp với tranh vẽ nói về một thời đã xa như canh toàn quốc, phở không người lái và cả những quảng cáo thời bao cấp như bích kê gối mông, chuyên may vá, lộn cổ áo sơ mi… khiến người đọc, nhất là đối với những người đã qua thời bao cấp thấy rưng rưng. Một thời như thế đấy, người ta đâu có thừa thãi cái gì, đến cái quần áo rách cũng phải tận dụng lại, là bởi cái đó không quan trọng bằng việc lo cho bữa ăn từng ngày. Thời đấy, dân mình đói khổ, ăn sắn, ăn khoai, rau măng qua ngày, vậy nên nhà nhà lo lắng khi tháng ba ngày tám đến, hạt cơm cõng nặng sắn khoai.

Cuốn sách cũng đề cập đến những vấn đề “nóng” như tuyển dụng, bổ nhiệm con ông cháu cha, vấn đề tham nhũng, cửa quyền… được gói qua những câu ca nghe mà chua xót: Con cháu các cụ cả, Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt/Luồn lách lươn lẹo lại lên lương.

Đọc cuốn sách người trong cuộc hồi tưởng về quá khứ để trân quý giá trị của công cuộc đổi mới hôm nay. Còn những bạn trẻ bây giờ hiểu thêm những khó khăn của ông bà, cha mẹ mình đã trải qua, để nỗ lực nhiều hơn cho hành trình mới.

Sơn Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/sach-hay/thuong-nho-thoi-bao-cap-134384.html