Thương nhớ vị quê
Nếu ai đã từng một lần đến với Quảng Trị và 'trót' nếm thử một vài hương vị 'nhà quê' của mảnh đất này chắc hẳn sẽ phải dùng dằng, vương vấn, để rồi bước chân như bị níu giữ trong những lần hẹn kế tiếp. Tôi vốn dĩ là người rất đam mê ẩm thực, nhưng nếu buộc phải lựa chọn một món ăn, thức uống đặc trưng nhất của quê hương, tôi e rằng mình sẽ không làm được. Bởi mỗi một miền quê trên vùng đất gió Lào cát trắng này đều có nét ẩm thực rất riêng gắn liền với từng tên làng, tên đất…
Đó có thể là vị thanh tao, nét duyên dáng của nem chua chợ Sãi; sự hài hòa, bắt mắt của bánh bột lọc Mỹ Chánh; hương thơm, vị ngọt trên từng sợi bột của bát cháo cá Diên Sanh; nét dung dị nhưng không kém phần đậm đà của gánh bún hến làng Mai, hay đơn giản là vị chát vương trên đầu lưỡi của bát nước chè xanh ở xứ Cùa… Qua bao thăng trầm của thời gian, những món ăn, thức uống thân quen mặn mòi vị quê ấy vẫn luôn song hành, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân quê để tạo nên bề dày văn hóa ẩm thực của đất và người Quảng Trị. Chẳng thế mà có nhiều người sau khi đã thành danh, đi khắp năm châu bốn biển, ăn hết các món sơn hào hải vị, nhưng vẫn luôn đau đáu niềm thương, nỗi nhớ khi nghĩ về những món ăn dân dã ở quê nhà.
Cùa là vùng đất đỏ ba dan gồm 2 xã Cam Nghĩa và Cam Chính thuộc huyện Cam Lộ, nơi đây điều kiện đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây chè. Nước chè xanh vùng Cùa vốn nổi tiếng trong vùng. Để có bát nước chè xanh vừa miệng, người dân vùng Cùa thường đi lấy nước ở những giếng sỏi không bị phèn nhằm giữ cho màu nước luôn xanh ngắt. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, lá dùng để nấu nước ngon nhất thường là phần ngọn đã già, có nhiều lá bánh tẻ (là lá không quá non cũng không quá già), đến lúc nấu thì không nên vò chè quá nát. Khi nước chè đã sôi không được để quá lâu trên bếp, vì như vậy nước sẽ chuyển màu và không giữ được hương thơm của chè. Sáng thức giấc, việc đầu tiên của mỗi gia đình ở vùng Cùa là đánh sạch bộ cốc chén và chuẩn bị ấm nước chè xanh. Nơi đây, những đứa trẻ cũng biết chọn chè để hãm được ấm nước ngon, biết cách uống nước chè “sành sỏi” như nhiều thế hệ người lớn trong gia đình. Nước chè ngon khi rót ra có màu xanh trong vắt, chút hương thơm quyện trong làn hơi nóng bốc lên, uống vào có vị chan chát, ngọt ngon nơi đầu lưỡi, để rồi những người con xứ Cùa dẫu đi dặm dài thiên lí vẫn chẳng tìm được thứ nước nào dễ uống như chè xanh quê mình.
Xuôi về phía Nam của Quảng Trị, đến với vùng đất Hải Lăng, cùng với cháo bột Diên Sanh, bánh ướt Phương Lang, mắm đam Trà Trì, món canh ám làng Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng cũng là một trong những đặc sản nức tiếng ở vùng đất này. Món canh ám được nấu từ hai nguyên liệu chính là cá lóc và rau sôông. Rau sôông vốn là một loại cây rau dại, thân có nhiều gai nhỏ, lá có vị chua, hình như bàn tay. Khi nấu canh, rau phải tươi vừa hái xuống, rửa sạch. Thân và cọng cắt thành từng đoạn hoặc cuộn tròn cho vào rồi đổ nước đun lửa. Khi nước sôi, vớt thân và cọng ra luôn vì để lại lúc ăn sẽ vướng gai của cây và nhìn nồi canh không được hấp dẫn. Tiếp đến, cho lá và cá lóc vào nồi, đun sôi là được. Món ăn đạt chuẩn là trứng cá lóc phải nổi trên mặt nồi, nước canh trong vắt, nhìn thấy những lát cá chìm dưới đáy nồi. Khi thưởng thức, canh ám làng Lam vừa có vị chua chua, chát chát lại rất béo ngậy.
Khám phá nét ẩm thực dân dã mà không kém phần thú vị của mảnh đất Quảng Trị, cũng không thể không nhắc đến món gỏi “độc nhất vô nhị” đó là gỏi tép Bàu Trạng. Bàu Trạng là một nhánh nhỏ nằm trong khu vực Bàu Thủy Ứ rộng lớn, thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Được thiên nhiên ưu đãi, Bàu Trạng có diện tích mặt nước lớn cho tôm cá nhiều, đặc biệt là con tép, loại thủy sản nhỏ hơn tôm, nguồn nguyên liệu chính để làm nên món gỏi tép Bàu Trạng trứ danh. Tép được kéo từ bàu lên đang nhảy tanh tách đưa vào sơ chế rồi ngâm nước muối, sau đó vớt ra, cho lạc rang chín, rau ngò tây cắt mịn, nước cốt chanh và một số gia vị vào là đã có một món gỏi hấp dẫn.
Dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, người Quảng Trị vẫn luôn giữ được riêng cho mình những món ăn rất đỗi dung dị nhưng đậm đà tình yêu thương.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=145157