Thương những mùa ngô
“Ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Mới 5 rưỡi chiều, bóng hoàng hôn đã bảng lảng trên những vòm cây. Rời công ty, Phượng hòa vào dòng người vội vã, trở về nhà trọ khi thành phố lên đèn. Rặng hoa trúc đào chạy dọc bên đường dần mờ ảo trong màn sương. Gió đầu đông se lạnh cuốn đám lá khô lăn tròn trên vỉa hè. Thoảng trong gió, bất chợt cô nhận thấy mùi ngô nướng thân thuộc ngọt lịm vị phù sa đồng bãi. Cảm giác nhớ nhà, nhớ quê bỗng cồn cào.
Phượng dừng xe, sà vào quán bán ngô ven đường, sung sướng tận hưởng hơi lửa ấm áp tỏa ra từ chiếc bếp than hoa hồng rực. Bác bán hàng xởi lởi đưa cho cô một cốc nước ngô thanh mát trong lúc chờ đợi. Rồi bác nhanh tay lột từng lớp bẹ ngô mỏng tang, xuyên chiếc đũa tre vào lõi và xoay đều bắp ngô trên lửa than. Chỉ một loáng, những hạt ngô nếp trắng sữa đã chuyển dần sang vàng ngà, và hương thơm ngào ngạt tỏa bay suốt dọc dài con phố. Phượng xuýt xoa cầm bắp ngô nóng hổi bọc trong tờ giấy vở học sinh, vừa nhấm nháp từng hạt mềm dẻo, vừa miên man nghĩ về những ngày tháng đã xa.
Làng cô nằm kề ven sông, nơi có vùng đất bãi màu mỡ, hồng mịn phù sa. Ngoài hai vụ lúa, năm nào, người dân trong làng cũng tranh thủ trồng thêm hai vụ ngô xen lẫn rau màu. Ngô răng ngựa bắp to, hạt vàng óng và rất cứng, dành để chăn nuôi thường trồng vào mùa hè, còn ngô nếp chỉ trồng vào vụ đông. Cuối thu đầu đông, ngô trổ cờ tím bạc, phất phơ giữa màu xanh óng biếc của lá. Những bắp ngô hạt căng mẩy dần. Ngày còn bé, mỗi lần theo bà theo mẹ ra đồng bãi thu hoạch, mới bẻ được vài bắp ngô, cô và bọn trẻ đã rủ nhau chơi trốn tìm, len lỏi ẩn nấp giữa những ruộng ngô mênh mông. Gió từ sông lồng lộng thổi, mang theo hơi lạnh buốt giá cũng không cản được những đứa trẻ hiếu động bày đủ trò nghịch ngợm. Cuối buổi chiều, khi bầy chim ríu ran tìm về trú ngụ ở đám lau lách um tùm ven sông, những bao ngô được xếp lên xe cải tiến, cả bọn mới chịu trở về với rất nhiều nuối tiếc. Mỗi đứa sung sướng khi được phân công kéo về một bó thân cây cho trâu bò. Buổi tối hôm đó, cả nhà Phượng sẽ trải chiếu bên thềm nhà phân loại ngô. Những bắp già đẫy được treo lên dây thép, phơi vài ngày trong nắng gió hanh hao cho thật khô săn để dành làm giống cho mùa sau và chế biến thành các món ăn mỗi khi giáp hạt. Còn lại, mẹ sẽ luộc một nồi to, chiêu đãi cả nhà sau một ngày làm việc vất vả. Tối mùa đông mưa phùn gió bấc, chị em cô cùng ông bà, bố mẹ quây quần trong gian bếp, chuyền tay nhau những bắp ngô tỏa khói thơm lựng, niềm hạnh phúc giản dị ấy luôn khiến Phượng cảm thấy ấm áp mỗi lúc nhớ về.
Rồi cuộc sống khá giả dần lên. Người trẻ đi làm cho các công ty hoặc lên thành phố mưu sinh. Những người dân ở làng nhỏ ven sông của Phượng chẳng còn mấy nhà trồng ngô. Mỗi lúc về quê, đứng trên triền đê dõi mắt về đồng bãi, cô lại ao ước được chạm vào màu xanh óng biếc của những ruộng ngô trải dài bát ngát.
Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202411/thuong-nhung-mua-ngo-80334ba/