Thượng tá, nhà văn Đào Trung Hiếu: 'Tôi kể chuyện ít biết, về bộ đội biên phòng'
Trên thực tế những năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng đã lập được rất nhiều chiến công vẻ vang trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.
“Gần 20 năm làm án trong vai trò điều tra viên, đã nhiều lần tôi tiếp nhận thụ lý các vụ án hình sự về ma túy, mua bán người do lực lượng bộ đội biên phòng chuyển đến, tôi nhận thấy họ rất chuyên nghiệp trong làm án và đã lập được nhiều chiến công song ít được công chúng biết tới...” - Thượng tá, nhà văn, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (ảnh) chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại.
Ảnh hưởng sâu sắc từ các nhà văn quân đội
- Như anh từng chia sẻ bản thân không phải là người học văn, không được đào tạo một cách bài bản về viết lách, nhưng lâu nay anh vẫn được biết đến là một người lính hình sự viết tiểu thuyết trinh thám có tiếng. Hẳn anh phải đọc rất nhiều và cũng có những tác giả thần tượng?
- Tôi khá chịu đọc và đã đọc nhiều sách. Trong số đó, có một cuốn sách đọc từ thuở biết chữ cho đến giờ tôi vẫn thuộc từng từ, đó là tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” của nhà văn Chu Lai. Ông là nhà văn quân đội gạo cội, một cây đa cây đề trong làng văn học Việt Nam.
Đọc sách ông, tôi bị từng câu, chữ lôi kéo, trước tiên bởi cốt truyện rất hấp dẫn, cùng với đó là cách hành văn uyển chuyển, ngôn từ bóng bẩy mà vẫn mộc mạc, dung dị như bản chất người lính đặc công miền Nam thiện chiến mà ông từng đảm nhiệm khi viết thiên truyện đó.
Nghiền sách ông đến mức văn của ông đã thâm nhập vào tôi lúc nào chẳng hay. Đến mức khi viết tiểu thuyết “Bão ngầm”, trong lúc chữ gọi chữ, câu gọi câu, tôi đã lấy ra những chữ đắc địa của ông để làm đẹp cho câu chuyện của mình.
Chẳng hạn, khi mô tả cảnh lực lượng công an hành quân vào trận địa phục kích đám buôn ma túy ở vùng biên, giữa đêm trong ánh trăng suông, bóng ngụy trang nhấp nhô khiến tôi bật ra câu: “Dòng người vẫn rùng rùng chuyển động”.
Khi viết, tôi ý thức được đó là chữ của Chu Lai viết ở những dòng đầu trong “Nắng đồng bằng” mà mình đã đọc thuở thiếu niên. Thực là mới thấy sự sống của nhà văn, thông qua ngôn từ, là Vĩnh Cửu, dù người viết ra nó có thể đã khuất bóng.
Khi tiểu thuyết “Bão ngầm” đoạt giải A trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện ký về đề tài “vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” năm 2015, gặp idol của mình trong lễ trao giải, tôi đã khoe với Chu Lai rằng “cháu đã mượn ít chữ của chú trong “Nắng đồng bằng” để cho bức tranh vẽ trong “Bão ngầm” thêm đậm đà hình sắc”.
Ngoài ra, tôi còn rất yêu thích Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”. Ở tác phẩm này, đề tài chiến tranh cách mạng đã được mô tả với cách tiếp cận đa chiều khá mới mẻ, so với cách kể chuyện một chiều phổ biến ở dòng văn học này.
Trong đó, thân phận người lính đã hiện lên không đơn giản như những cỗ máy chiến đấu, mà đã chất chứa những suy tư thời cuộc. Đây chính là những gợi ý tuyệt vời cho tôi khi viết về những người lính bài trừ ma túy trong “Bão ngầm”.
- Bên cạnh phản ánh hình tượng chiến sĩ công an, lý do gì khiến anh lồng ghép cả hình ảnh bộ đội biên phòng trong bộ phim “Bão ngầm”?
- “Bão ngầm” là câu chuyện kể về hành trình bóc gỡ đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Bắt đầu từ việc bắt giữ vụ vận chuyển hàng trắng với số lượng lớn trên đèo Mũi Ngựa, những sự thật về tổ chức tội phạm đã dần được bóc dỡ, vạch trần bộ mặt thật của tên trùm mafia ẩn trong một tập đoàn kinh tế lớn…
Đó là câu chuyện tôi viết về công an, nhưng khi chuyển thể tiểu thuyết thành phim truyền hình nhiều tập cùng tên, ê-kíp sáng tạo chúng tôi đã thêm vào đó một trường đoạn vắt qua nhiều tập phim về cuộc chiến đấu với tội phạm của lực lượng biên phòng ở vùng biên ải.
Lý do tôi đề cập trong kịch bản câu chuyện về bộ đội biên phòng vì tôi khá hiểu họ. Ngoài chức năng nhiệm vụ bảo vệ biên giới, họ còn có nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Trên thực tế những năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng đã lập được rất nhiều chiến công vẻ vang trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ở khu vực biên giới, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu…
Trong gần 20 năm làm án với vai trò điều tra viên, nhiều lần tôi tiếp nhận thụ lý các vụ án hình sự về ma túy, mua bán người do lực lượng bộ đội biên phòng chuyển đến để thụ lý theo thẩm quyền.
Tôi nhận thấy họ rất chuyên nghiệp trong làm án, tuy nhiên điều này lại ít được công chúng biết tới, có nhiều lý do, nhưng theo tôi một phần là do chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh về đề tài này.
Với vốn hiểu biết về họ, trong phim “Bão ngầm” thông qua trường đoạn đánh bắt tội phạm, chúng tôi đã mô tả bằng ngôn ngữ điện ảnh để làm bật lên tính thiện chiến, sự chuyên nghiệp, cùng mưu lược, lòng quả cảm của các chiến sĩ quân hàm màu lá trong cuộc chiến với tội phạm miền biên ải.
Điều tôi muốn gửi gắm đến khán giả xem truyền hình là, dù chức năng nhiệm vụ chính của bộ đội biên phòng là bảo vệ biên giới, nhưng các anh đã phá án chuyên nghiệp không thua kém gì lực lượng công an.
Hơn nữa, tôi muốn ca ngợi mối quan hệ phối hợp của 2 lực lượng vũ trang trọng yếu là công an và quân đội. Có thể nói đó là quan hệ phối kết hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng, tất cả vì công việc chung. Đó là điều chính tôi khi là lính chiến đã trải nghiệm.
- Cụ thể vai trò của bộ đội biên phòng được anh gửi gắm ra sao trong bộ phim được chiếu giờ vàng trên VTV1 năm 2022?
- Chuyện bắt đầu từ chuyến tuần tra thường lệ của lực lượng biên phòng Mường Kim, tình cờ phát hiện một tốp người thâm nhập lãnh thổ trái phép. Một cuộc đọ súng diễn ra tức khắc, tốp người hiện nguyên hình là nhóm tội phạm đang vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới vào Việt Nam.
Với mưu lược sắc bén, bản lĩnh quả cảm, từ việc khai thác nóng những tên đã bắt, các trinh sát biên phòng đã tổ chức đánh “bật tường”, câu nhử mồi bẫy kẻ nhận hàng và bắt gọn số này. Từ đây, vai trò ông trùm của Thào A Chư lộ sáng.
Đồn Biên phòng Mường Kim đã tổ chức lực lượng đột nhập, tiếp cận, tấn công xóa sổ trang trại ma túy của tên trùm này.
Trong trận đánh ấy, những kỹ chiến thuật tác chiến bài bản, cùng lòng dũng cảm xả thân vì nhiệm vụ của bộ đội biên phòng đã được mô tả đậm nét, như bài ca tôn vinh chiến công của lực lượng quân hàm xanh, như những gì họ đã làm được trên thực địa.
Không có chuyện ‘tô hồng’ công an, chê bộ đội biên phòng
- Tôi hiểu dụng tâm của ê-kíp sáng tạo, thế nhưng thời điểm phim lên sóng, có không ít ý kiến trái chiều cho rằng bộ phim “dìm” bộ đội để khen công an, thông qua trường đoạn hỏi cung Thào A Chư trong trại giam. Là tác giả kịch bản, cũng là phó đạo diễn bộ phim, anh nhận xét gì về bình luận này?
- Khen chê là điều không tránh khỏi khi trình làng tác phẩm văn học, nghệ thuật. Với một tác phẩm điện ảnh với chỉ số rating 5.3 trong nhiều tháng khi công chiếu, việc phim “Bão ngầm” nhận được nhiều bình luận khen chê là điều rất bình thường.
Khen chê là quyền của khán giả, đi ra từ cảm xúc yêu ghét và trình độ thẩm phim của từng người. Chúng tôi lắng nghe và trân trọng mọi ý kiến góp ý, để có thể tốt hơn cho những phim sau.
Tuy nhiên, với bình luận Bão ngầm “dìm hàng” bộ đội biên phòng để làm nổi lên vai trò công an, thì tôi thấy đó là nhận xét không chính xác với những gì diễn ra trên phim.
Lý do có ý kiến về chuyện này, là họ căn cứ vào cuộc hỏi cung Thào A Chư trong trại tạm giam của bộ đội biên phòng. Tên Chư này không chịu khai nhận về hành vi mua bán ma túy, cho đến khi nhân vật Hùng “nhọ”, tức Đại úy công an Đào Hải Triều xuất hiện tại buồng cung trong bộ cảnh phục. Chúng tôi gọi đó là “đánh bài ngửa”.
Xin nói thế này, trước đó toàn bộ cuộc tấn công triệt phá hang ổ ma túy do Thào A Chư cầm đầu là công lao rất lớn của biên phòng. Tuy nhiên, với một tên trùm như Thào A Chư với nhiều tiền án, tiền sự, dày dặn kinh nghiệm đối phó pháp luật, thì việc “cạy răng, mở miệng” gã để khai báo trung thực về tội trạng, không phải chuyện dễ dàng.
Mặt khác, gã cũng chưa hề tiếp cận với tang vật (chưa nhận được ma túy), chỉ rõ hành vi sử dụng súng chống lại lực lượng chức năng. Tài liệu để buộc gã về tội phạm ma túy chỉ là lời khai của một số tên đàn em... nên Thào A Chư cực kỳ lỳ lợm, quyết “đổ bê tông” đến cùng, nếu như không gây cho gã cú sốc tâm lý cao độ.
Và người này không thể là ai khác ngoài trinh sát Triều, người từng “đánh sâu” trong hang ổ của Chư dưới cái tên Hùng “nhọ”, từng “cứu nghiệp vụ” đối với gã trong cơn mưa đạn…
Vì thế, ban chuyên án bắt buộc phải chơi “bài ngửa” khi đưa trinh sát Triều (Hà Việt Dũng thủ vai) xuất hiện công khai, đấu tranh trực diện mới đủ sức nặng buộc gã phải nhận tội. Có thể nói, ngoài trinh sát Triều ra, một điều tra viên công an khác cũng không tạo được cú sốc cho gã dẫn đến việc mở miệng.
Logic câu chuyện là vậy, hoàn toàn không có chuyện chúng tôi dìm bộ đội để khen công an.
- Khi phim đang công chiếu, có ý kiến đánh giá phim làm xấu đi hình ảnh của lực lượng công an khi phản ánh những tiêu cực trong nội bộ ngành?
- Đúng là có bình luận cho rằng Đào Trung Hiếu là công an mà “vạch áo cho người xem lưng”, khi đưa nhân vật Thượng tá Thân Như Tuất - Phó phòng PC04, Công an tỉnh Hưng Hòa. Họ cho rằng đó là sự bịa đặt, bôi bác làm xấu hình ảnh lực lượng. Thậm chí có một lãnh đạo cấp cục gọi cho tôi dọa kỷ luật vì dám đề cập chuyện ấy trên một bộ phim quá hot.
Trước những cáo buộc, công kích khi đó, tôi chỉ hỏi lại họ rằng tại sao không nhìn vào tấm gương sáng công an như Thiếu tướng Hoạch, Đại tá Hà, đội trưởng Thắng, trinh sát Đào Hải Triều… mà chỉ tập trung vào hình tượng ông Tuất…?
Tôi xin nói rằng, hiện nay lực lượng công an đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh bài trừ tiêu cực, trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, siết chặt kỷ luật…
Phim “Bão ngầm” cổ vũ cho chủ trương này, bám sát phương châm chỉ đạo của Đảng và ngành trong việc mạnh tay cắt bỏ ung nhọt để làm trong sạch lực lượng, thế thì việc mô tả một hình tượng phản diện có gì là sai. Không có phản diện thì làm gì có chính diện. Không có đối tượng đấu tranh thì làm gì có cuộc đấu tranh.
Trên phim tôi còn tiết chế khá nhiều chuyện mà hiện thực đang tồn tại. Tuy nhiên với những gì phim đã kể, nhiều lúc tôi cũng tự thấy mình cũng hơi “bạo miệng”, chẳng hạn như trong lời thoại: “Trên đời sợ nhất những thằng lưu manh có đào tạo, nói cách khác là có đào tạo thoái hóa thành lưu manh, chúng nguy hiểm hơn đám đầu đường xó chợ nhiều vì chúng lưu manh có phương pháp”.
Để giữ mình an toàn với nhận xét này, tôi đã cẩn thận “lắp vào miệng” vị tướng đứng đầu Công an tỉnh Hưng Hòa, chứ nếu để người khác nói thì có khi tôi lại bị đánh giá tư tưởng có vấn đề.
Mặt khác, qua phát ngôn của người đứng đầu đơn vị, tôi muốn nói rằng chính lãnh đạo cũng đã nhận diện ra được tồn tại, tiêu cực và quyết tâm cắt bỏ đi những ung nhọt để làm trong sạch, vững mạnh lực lượng.
- Vậy quan điểm sáng tác của anh như thế nào về đề tài người lính (bộ đội cũng như công an)?
- Theo tôi, để tác phẩm văn học, nghệ thuật hay điện ảnh được công chúng hiện nay, với trình độ dân trí cao cùng điều kiện tiếp cận thông tin đa chiều đón nhận, người làm văn học, nghệ thuật phải mở rộng biên độ của sự sáng tạo, nghĩa là cần quan sát cuộc sống này dưới nhiều chiều cạnh, rồi lựa chọn góc nhìn, cách tiếp cận hợp lý để phản ánh.
Tôi ưu tiên sử dụng bút pháp hiện thực để phản ánh đời sống, để tác phẩm mang hơi thở đương đại, chứ không chỉ kể một tuyến, một chiều. Nhưng điểm cốt lõi là tác phẩm phải có ích với đời sống tinh thần của công chúng, đó là tôn vinh lẽ phải, điều thiện, đấu tranh với những tha hóa, hủ bại, vì một xã hội nhân văn và công bằng.
- Vậy sắp tới, anh có dự định dành riêng một dự án nào đó cho lực lượng quân đội không?
- Viết riêng về lực lượng quân đội nhân dân thì tôi chưa có, nhưng tôi đang là tổng biên kịch một dự án phim truyền hình dài tập mang tên “Lá chắn thép”, viết về lực lượng bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ cán bộ Đảng, Nhà nước. Phim khá gay cấn nhưng tạm thời tôi chưa bật mí được nhiều.
Trước đó, hồi đầu năm 2023, tôi có viết truyện ngắn và vở kịch nói “Cận vệ” đã công diễn tại Nhà hát Lớn cũng có tiếng vang và đạt giải thưởng văn học.
- Trân trọng cảm ơn Thượng tá Đào Trung Hiếu!