Thượng tá Trần Ngọc Sơn: Pháp y đâu chỉ có khám tử thi

Theo Thượng tá Trần Ngọc Sơn - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y (Bộ Công An) - thay vì kể khổ, ông mong ngành pháp y được biết đến với những đóng góp cụ thể.

 Thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an - chia sẻ tại buổi giới thiệu sách. Ảnh: Nguyễn Long.

Thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an - chia sẻ tại buổi giới thiệu sách. Ảnh: Nguyễn Long.

Khác với những thước phim chủ đề hình sự, tội phạm, nhiều khán giả xem trên màn ảnh rộng, pháp y là nghề đối mặt với nhiều hình ảnh ghê rợn. Những người mới vào nghề thậm chí có thể cảm thấy sợ hãi. Nhưng trên hết, đây là ngành có đóng góp lớn cho công tác phòng chống, truy bắt tội pháp.

Chia sẻ tại sự kiện Những câu chuyện nghề pháp y - Giới thiệu bộ sách pháp y: Báo cáo pháp y, Hồ sơ di cốt, Tử thi kể chuyện, Chết chưa phải là hết sáng ngày 30/3, Thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an - mong mọi người có thể biết đến những đóng góp cụ thể của ngành ngoài các khía cạnh giật gân.

Bức tường vô hình chắn giữa công chúng và người làm nghề pháp y

Khi xảy ra một vụ án, những bác sĩ pháp y trở thành "thông dịch viên" để những tử thi lên tiếng.

Sau nhiều thập kỷ phát triển, ngành pháp y Việt Nam đang dần được nhìn nhận dưới góc độ đa chiều hơn. Các chuyên gia pháp y xuất hiện gần gũi, chân thực với những suy tư về sự hy sinh, trách nhiệm và cống hiến của họ trong hành trình khám phá sự thật.

Giải thích về định nghĩa pháp y, Thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an - cho biết pháp y có thể hiểu đơn giản là y học phục vụ pháp luật. Tại Việt Nam, pháp y trong lực lượng Công an nhân dân đã hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, xuất phát từ nhu cầu thực tế trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Ngọc Sơn, nhiều người thường hiểu lầm về pháp y với nghề mổ xác. Những định kiến liên quan đến nghề pháp y giống như một bức tường vô hình chắn giữa những người làm nghề và công chúng.

 Các diễn giải tại buổi trò chuyện: Thầy thuốc Ưu tú Ngô Hường Dũng (bên trái), MC Hoàng Hiếu (ở giữa) và Thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn (bên phải).

Các diễn giải tại buổi trò chuyện: Thầy thuốc Ưu tú Ngô Hường Dũng (bên trái), MC Hoàng Hiếu (ở giữa) và Thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn (bên phải).

Thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn cho biết: "Mọi người hay gọi người chết là xác chết, nhưng chúng tôi không thích dùng từ đó. Chúng tôi thích dùng từ tử thi, nghe nhân văn hơn nhiều lắm. Hay trong các biên bản, chúng tôi sử dụng từ giải phẫu tử thi, chứ không dùng từ mổ xác, nghe có cảm giác ghê rợn, không nhân văn với không chỉ với một người làm, mà là với cả một nghề".

Ông cho biết các cụ từ xưa đã tâm niệm "sinh dữ, tử lành", cho thấy tổ tiên ta đã không cảm thấy sợ trước tử thi. Chính dư luận và cách tuyên truyền hiện đại đã tạo nên rào cản tâm lý với ngành nghề này. Với các sinh viên y khoa, việc làm quen với tử thi đã bắt đầu từ những bài học đầu tiên về giải phẫu, và đa số người trong nghề không gặp vấn đề tâm lý khi làm việc.

"Nếu nói về khó, về khổ thì có nhiều nghề còn vất vả hơn pháp y. Nhưng tại sao khi nhắc đến nghề pháp y, các bạn lại sử dụng những từ đó?" ông trăn trở. "Chúng tôi không muốn các bạn đi kêu khó, kêu khổ cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn nói về đóng góp của công tác pháp y trong phòng chống tội phạm, và đó cũng là những gì ngành pháp y cần", bác sĩ Sơn chia sẻ.

Sự thật về nghề pháp y khác với trên màn ảnh rộng

Nếu trong phim ảnh, bác sĩ pháp y xuất hiện với hình ảnh áo blouse trắng, bước vào hiện trường, liếc mắt một cái đã có thể biết ngay hung thủ, thì thực tế hoàn toàn khác. Công việc của họ ít kịch tính hơn, đòi hỏi sự kiên nhẫn cực độ và phương pháp khoa học chặt chẽ.

Theo mô tả của các diễn giả và cuốn sách Báo cáo pháp y (Sue Black), xác người thật không "lung linh" như trên màn ảnh. "Chúng có thể phân hủy nặng, bị côn trùng ăn mòn hoặc mất đi nhiều bộ phận quan trọng. Thậm chí, có lần Black phải ghép lại một hộp sọ bị vỡ thành hơn 40 mảnh như chơi trò xếp hình 3D, chỉ để xác nhận đó là một vụ ẩu đả", tác giả Sue Black viết.

 Các cuốn sách về nghề pháp y được giới thiệu hôm 30/3. Ảnh: Nhã Nam.

Các cuốn sách về nghề pháp y được giới thiệu hôm 30/3. Ảnh: Nhã Nam.

Hơn hết, các diễn giả tại buổi giới thiệu đều đưa ra một triết lý: "Người sống có thể khai lời gian trá, nhưng người chết câm lặng không nói dối bao giờ". Đây cũng là câu nói của bác sĩ Ueno Masahiko trong cuốn Tử thi kể chuyện chỉ ra điều cốt lõi của nghề pháp y - nơi mà cái chết không phải là điểm kết thúc, mà là khởi đầu cho cuộc đối thoại đặc biệt giữa người đã mất và khoa học, để từ đó sự thật được phơi bày dưới ánh sáng công lý.

Từ góc nhìn chuyên môn, những người làm việc trong ngành pháp y không chỉ phát hiện ra nguyên nhân cái chết mà còn tìm ra sự thật đằng sau mỗi vụ án. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc xác minh danh tính nạn nhân, thời điểm tử vong, và các dấu hiệu bạo lực hay tác động bên ngoài.

Thay vì tập trung vào những khía cạnh giật gân, ghê rợn, chúng ta cần nhìn nhận pháp y như một ngành khoa học nhân văn, nơi các chuyên gia không chỉ giải mã những bí ẩn của cái chết mà còn phục vụ công lý, mang lại sự bình yên cho người sống và danh dự cho người đã khuất.

Thầy thuốc Ưu tú Ngô Hường Dũng nói: "Pháp y là nghề chọn người". Những người được chọn không chỉ cần có kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn phải có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao và một trái tim nhân hậu. Họ là những người "ăn pháp y, ngủ pháp y", những người không ngừng đam mê, tìm tòi để công việc ngày một tốt hơn, để tiếng nói của người đã khuất được lắng nghe một cách trọn vẹn nhất.

Nguyễn Long

Nguồn Znews: https://znews.vn/thuong-ta-tran-ngoc-son-dung-ke-kho-ve-nhung-nguoi-lam-phap-y-post1541975.html