Thương tâm những vụ tai nạn giao thông tuổi học trò

Nhiều học sinh ở Hải Phòng sử dụng xe máy dưới 50cc để đi học, trong khi chưa được đào tạo kỹ năng lái xe đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người từ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (độ tuổi học sinh Trung học phổ thông) được phép điều khiển xe máy dưới 50cc mà không cần có giấy phép lái xe.

Do đó, mấy năm gần đây, nhiều gia đình tại Hải Phòng đã trang bị cho con, em mình những chiếc xe máy phân khối nhỏ (dưới 50cc) làm phương tiện để tới trường.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm

Lý do các bậc phụ huynh lựa chọn xe máy dưới 50cc vì so với xe đạp điện, xe máy điện, dòng xe này không phải sạc điện, thay ắc-quy và không cần có giấy phép lái xe.

Có một thực tế là, mặc dù công suất hạn chế nhưng khi tăng tốc, tốc độ của xe máy dưới 50cc không kém mô tô hơn 50cc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, tai nạn giao thông.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hải Phòng đã có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến những học sinh điều khiển xe máy dưới 50cc.

Nhiều học sinh tại Hải Phòng sử dụng xe máy dưới 50cc làm phương tiện tới trường (Ảnh: Lã Tiến)

Nhiều học sinh tại Hải Phòng sử dụng xe máy dưới 50cc làm phương tiện tới trường (Ảnh: Lã Tiến)

Cụ thể, vào khoảng 6 giờ 30 ngày 16/9/2019, tại đường 403 thuộc phường Minh Đức (quận Đồ Sơn) đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm.

Vào thời gian này, cháu Đ.T.T. Ph. (15 tuổi) điều khiển xe máy mang biển số 15AL- 009.11 (loại xe máy dưới 50cc) chở bạn V.V.D.K. (15 tuổi, cùng ở quận Đồ Sơn).

Do không làm chủ được tay lái và tốc độ, khi đến gần 1 chiếc xe ô tô bán tải đi cùng chiều, Ph. bị lạng tay lái và ngã về bên trái va chạm với ô tô đầu kéo đang đi tới.

Hậu quả, em K. đã tử vong tại chỗ, em Ph. bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Trước đó, đêm 17/9/2019, tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An, Hải Phòng), 2 thanh niên mới 17 tuổi trú tại huyện An Lão đi xe máy dưới 50 cc, không lắp biển số, đi với tốc độ cao đã va chạm vào 1 xe máy khác đi ngược chiều.

Hậu quả của vụ va chạm khiến 2 người tử vong, 2 người bị thương phải đi cấp cứu.

Tiếp đó, vào ngày 10/ 8/2019,tại cầu An Dương xảy ra vụ tai nạn giữa xe buýt và xe máy BKS: 15AA- 122.83 (xe máy dưới 50cc) do 2 học sinh trên địa bàn quận Lê Chân điều khiển.

Vụ tai nạn khiến em Lê Minh Kh. (15 tuổi, ở phường Lam Sơn, quận Lê Chân) tử vong.

Một học sinh lớp 10 ở Hải Phòng tử nạn khi đi học, chưa rõ nguyên nhân

Theo Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ- đường sắt, Công an Hải Phòng), thời điểm xảy ra tai nạn xe buýt BKS: 15B-033.11 chạy lấn làn, đè vạch trên cầu dẫn tới việc 2 nam sinh điều khiển xe di chuyển ngược chiều không làm chủ tay lái, tốc độ đâm trực diện vào đầu xe buýt.

Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều những vụ tai nạn xảy ra với thanh thiếu niên sử dụng loại xe máy dưới 50 cc ở thành phố Hải Phòng trong thời gian qua.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày nào trên diễn đàn về lái xe, an toàn giao thông ở Hải Phòng cũng cập nhật các vụ tai nạn liên quan đến loại xe dưới 50cc.

Đáng lo ngại hơn, vào các buổi tối, ở Hải Phòng đã xuất hiện những nhóm thanh thiếu niên đi xe biển “AA”, tháo biển, không đội mũ, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên đường phố.

Gia đình, nhà trường trang bị kiến thức cho học sinh

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hải Phòng, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 20.000 xe máy dưới 50 cc và khoảng 100.000 xe máy điện.

Trung tá Vũ Trường Linh, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hải Phòng cho biết: “Các loại xe máy điện, xe dưới 50 cc được sử dụng chủ yếu bởi học sinh, sinh viên tuổi từ 14 đến dưới 18 tuổi.

Việc này do điều kiện sống nâng cao, áp lực học hành của các cháu ngày càng lớn nên phụ huynh trang bị phương tiện cho các con di chuyển thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, đây là nhóm tuổi chưa còn bồng bột, thích thể hiện cái tôi, trong khi đó, kỹ năng lái xe, xử lý tình huống, am hiểu luật giao thông gần như không có.

Do đó, nhiều em học sinh thường xuyên vi phạm, thậm chí chủ động vi phạm luật lệ an toàn giao thông, gây tai nạn”.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Hải Phòng thường xuyên xử lý những trường hợp học sinh đi xe máy dưới 50cc vi phạm Luật giao thông đường bộ (Ảnh: Lã Tiến)

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Hải Phòng thường xuyên xử lý những trường hợp học sinh đi xe máy dưới 50cc vi phạm Luật giao thông đường bộ (Ảnh: Lã Tiến)

Theo Trung tá Vũ Trường Linh, việc hệ thống pháp luật chưa có chế tài quản lý, yêu cầu sát hạch với những người điều khiển xe máy dưới 50 cc khiến loại phương tiện này bị buông lỏng.

“Dù có dung tích dưới 50 cc nhưng các loại xe này đều có thể di chuyển với tốc độ lên đến 80, 100 km/ giờ”, Trung tá Vũ Trường Linh chia sẻ.

Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hải Phòng đã có tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến luật giao thông, kỹ năng điều khiển xe cho học sinh, sinh viên nhưng rất nhiều thanh thiếu niên vẫn có ý thức rất kém.

Trên các đường phố, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp học sinh còn mặc nguyên đồng phục điều khiển xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang trên đường.

Trung tá Linh cho biết một thực tế: “Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã liên tục nhắc nhở, xử phạt các trường hợp sử dụng xe dưới 50 cc vi phạm.

Tuy nhiên, chế tài chưa đủ sức răn đe. Với người dưới 14 tuổi thì nhắc nhở, từ 14 đến 16 tuổi chỉ cảnh cáo, từ 16 đến 18 chỉ phạt 1 nửa so với quy định.

Bên cạnh đó, gia đình và dư luận lại có cái nhìn thiếu ủng hộ. Khi thấy chúng tôi phạt các cháu thì lại bảo các cháu bé biết gì mà phạt, có đáng phạt hay không.

Nhiều phụ huynh còn “giở bài”, nói nếu các anh phạt cháu, giữ xe thì phải chở cháu đi học.

Thậm chí, nhiều trường học còn thiếu hợp tác trong việc xử lý học sinh vi phạm. Chúng tôi chuyển giấy phạt về thì không thấy hồi âm”.

Bố mẹ vi phạm luật giao thông, con cái vô tình học thói xấu

Chính vì vậy, trong khi luật chưa có, chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe và bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng xe máy dưới 50cc, trách nhiệm trước hết từ phía gia đình và các nhà trường.

Theo đó, các bậc cha mẹ cần xem xét, cân nhắc kỹ trước khi giao phương tiện để con sử dụng.

Cụ thể, cha mẹ cần hướng dẫn, “sát hạch” con cách tham gia giao thông an toàn, bắt đầu từ những quy định như: đi đúng làn đường; không vượt đèn đỏ; không đi hàng 3; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và không phóng nhanh, vượt ẩu gây mất an toàn giao thông…

Đối với nhà trường, nhất là trường Trung học phổ thông cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông;

Phối hợp với lực lượng công an tập huấn, hướng dẫn học sinh cách nhận diện biển báo, kỹ năng điều khiển phương tiện để bảo đảm an toàn khi lưu thông trên đường;

Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, phối hợp với gia đình quản lý những học sinh vi phạm giao thông bị cảnh sát giao thông gửi thông báo về trường…

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thuong-tam-nhung-vu-tai-nan-giao-thong-tuoi-hoc-tro-post204017.gd