Thưởng Tết: Cảm thông và thấu hiểu
Năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt khi đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội song nước ta thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa duy trì sự ổn định, phát triển kinh tế, đạt tăng trưởng dương GDP.
Tuy nhiên, hậu quả trước mắt của đại dịch là con số doanh nghiệp (DN) phải chấm dứt hoạt động, giải thể; hàng triệu người lao động (NLĐ) thiếu việc làm, mất việc làm. Trong hoàn cảnh đó, giữ được việc làm cho NLĐ cùng một phần thu nhập để giúp NLĐ qua cơn ngặt nghèo là nỗ lực lớn của DN, rất đáng trân trọng, biểu dương.
Và cũng như mọi năm, thông tin thưởng Tết vẫn khiến đông đảo lao động trong xã hội quan tâm. Với những DN làm ăn ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch thì mức thưởng Tết được duy trì như các năm trước. Ngoại trừ các DN giải thể và kết quả sản xuất - kinh doanh quá khó khăn, không thể thưởng Tết thì các DN vẫn nỗ lực tìm mọi cách để có ít nhiều gọi là thưởng Tết cho NLĐ đỡ ngậm ngùi trong những ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng mức thưởng với các DN đều thấp hơn năm trước rất nhiều.
Trong bức tranh chung về thưởng Tết, bao giờ màu xám cũng nằm ở nhóm những nơi có mức thưởng quá thấp, chưa đến 500.000 đồng/người hoặc với giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, ở những địa phương khó khăn thì thưởng Tết cũng chỉ là số tiền ít ỏi hoặc một vài vật phẩm đơn sơ gọi là quà Tết. Với giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, họ đã quen, bởi có tâm tư thì cũng không thể cải thiện được thực trạng đã tồn tại nhiều năm, khi địa phương vẫn còn nghèo khó. Còn với NLĐ ở những DN làm ăn không hiệu quả hoặc quá khó khăn trong việc trụ lại trên thương trường thì giữ được việc làm đã là may mắn. Thưởng Tết, lúc này không phải là điều nhất thiết phải có như khi còn ăn nên làm ra được, bởi không thể đòi hỏi gì thêm trong hoàn cảnh DN phải xoay xở để tồn tại.
Năm nay cũng là năm Bộ Luật Lao động 2019 bắt đầu có hiệu lực. Điều 104 của bộ luật này đã quy định về "thưởng" thay vì "tiền thưởng" như bộ luật cũ. Theo đó, khái niệm thưởng cho NLĐ cũng được mở rộng ra, "thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ". Điều đó có nghĩa dịp Tết nguyên đán này, người sử dụng lao động có quyền thưởng bằng hiện vật thay vì thưởng tiền cho NLĐ.
Với đại đa số NLĐ, hẳn không ai muốn phải nhận thưởng Tết bằng hiện vật thay cho tiền mặt. Bởi tiền mặt luôn dễ sử dụng, thói quen cầm "thóc thật tiền tươi" đã ăn sâu trong người dân Việt, có tiền rủng rẻng trong lòng vui hơn. Dù hiện vật có thể có giá trị và ý nghĩa khác nhưng trong thời điểm Tết sắp đến, có tiền mặt để chi dùng vẫn thuận tiện hơn, NLĐ vẫn mong mỏi hơn là nhận thưởng bằng hiện vật.
Trải qua một năm đầy biến động, một khoản thưởng để động viên là cần thiết và thể hiện nghĩa tình, là tạo thêm động lực trong công việc và đời sống cho NLĐ. Vấn đề là cả hai phía người sử dụng lao động và NLĐ cùng thấu hiểu và cảm thông về thưởng Tết, để cùng nhau đi tiếp trên hành trình dài.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thuong-tet-cam-thong-va-thau-hieu-20210108223424757.htm