Thưởng tết giáo viên: Nơi có nơi không

Thưởng Tết cho giáo viên đang ở tình trạng nơi không, nơi có, nhiều nơi 'có như không'.

Nhiều giáo viên không mong mỏi thưởng tết vì “có như không”. Ảnh: Bình Nguyên.

Nhiều giáo viên không mong mỏi thưởng tết vì “có như không”. Ảnh: Bình Nguyên.

“Người đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết dương lịch 2024 và tiếp ngay sau đó là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động và chuẩn bị báo cáo mức thưởng Tết năm 2024 về Bộ LĐTB&XH. Đối với giáo viên, dấu mốc tăng lương cơ sở từ 1/7 giúp đời sống bớt đi một phần khó khăn trong bối cảnh các loại hàng hóa tiêu dùng có xu hướng tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, câu chuyện thưởng Tết lại khác bởi phụ thuộc từng trường, không có quy định hay yêu cầu bắt buộc nào.

Cô giáo Lê Thanh Hoa (xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội) cho biết đã 22 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng. Ngoài 4 năm đầu cô là lao động hợp đồng không có thưởng tết, những năm sau đó cô nhận được mức thưởng cho tết âm lịch 100 nghìn đồng, sau đó tăng lên 200-300 nghìn đồng và khoảng 5 năm trở lại đây “neo” ở mức 500.000 đồng/giáo viên. Theo cô Hoa, nói đến chuyện thưởng tết, giáo viên chẳng mấy người mong ngóng, kỳ vọng.

Với khối trường ngoài công lập, câu chuyện thưởng Tết nhìn chung linh hoạt hơn. Cô Phạm Linh (chủ cơ sở mầm non Doremi, CT4, Khu đô thị Hồng Hà Eco City, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, nhóm lớp đã hoạt động hơn 6 năm. Trừ hai năm dịch bệnh Covid-19 chủ yếu đóng cửa, duy trì hoạt động khó khăn nên giáo viên, nhân viên không có thưởng, những năm khác cơ sở đều có phần quà nhỏ để các cô góp phần lo tết cho gia đình tươm tất hơn.

Cô giáo Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều, Hà Nội cho biết trường duy trì thưởng tết dương lịch và âm lịch cho giáo viên nhiều năm nay. Tuy nhiên, do các dịp 20/11, tết dương lịch và âm lịch gần nhau nên thưởng tết dương lịch nhẹ nhàng hơn. “Đây sẽ là buổi gặp gỡ giữa giáo viên cũ, giáo viên mới. Nhà trường tặng quà và một khoản nhỏ thưởng tết” – cô Văn Liên Na nói.

Ở khối đại học (ĐH), thưởng tết cũng là vấn đề “tùy trường”. ThS Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công thương TP HCM (HUIT) cho biết, dịp tết Nguyên đán 2024, căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ năm 2023 đã được trường thông qua, tiền thu nhập tháng thứ 13 của người lao động làm việc tại trường là 20 triệu đồng/người. Mức thưởng này áp dụng chung cho tất cả mọi người, không phân biệt chức vụ, vị trí, bằng cấp. Điều kiện là người lao động phải có hợp đồng làm việc với nhà trường từ một năm trở lên, không áp dụng đối với lao động công nhật hay thời vụ. Chính sách này được áp dụng từ năm 2022, cũng với mức 20 triệu đồng/người. Hiện nhà trường có khoảng hơn 700 cán bộ, giảng viên và người lao động. Quỹ thưởng tết của nhà trường ước tính khoảng 15 tỷ đồng.

Lương “tháng 13”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động, các cơ sở đào tạo công lập không bắt buộc phải thưởng tết cho giáo viên hợp đồng. Còn theo khoản 2 Điều 3 Luật Viên chức năm 2010, viên chức được hưởng tiền thưởng theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, căn cứ tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, khi thực hiện cải cách tiền lương, quỹ tiền thưởng của viên chức sẽ bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp. Tuy nhiên, quỹ tiền thưởng của viên chức theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 hiện chưa được triển khai. Do đó, giáo viên là viên chức sẽ không được thưởng tết. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật chưa quy định về lương “tháng 13” cho giáo viên.

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp (Hà Nội) tại lễ kỷ niệm 20/11 vừa qua cho hay, dù năm 2023 và thời gian tới, trường vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, còn nhiều việc phải làm nhưng với quyết tâm đổi mới, cải thiện, nhà trường sẽ cố gắng cân đối, phấn đấu tiền thưởng tết Giáp Thìn tăng hơn so với dịp tết Quý Mão.

Cô giáo Lê Thanh Hoa (xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội) cho biết đã 22 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng. Ngoài 4 năm đầu là lao động hợp đồng không có thưởng tết, những năm sau đó cô nhận được mức thưởng cho tết âm lịch 100 nghìn đồng, sau đó tăng lên 200-300 nghìn đồng và khoảng 5 năm trở lại đây “neo” ở mức 500.000 đồng/giáo viên.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuong-tet-giao-vien-noi-co-noi-khong-10267484.html