Thưởng thức âm nhạc dân gian vùng Tây Bắc giữa lòng Thủ đô

Ngày 23-11, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức chương trình 'Âm nhạc của người Khơ -mú ở Nghệ An và Điện Biên' nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của người dân tộc vùng Tây Bắc.

Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, các em học sinh về những giá trị của văn nghệ dân gian vùng Tây Bắc. Ông Frank Porschan, chuyên gia Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những nét đẹp riêng biệt trong văn hóa của người Khơ-mú thông qua những điệu múa và âm nhạc của họ. Đây là cơ hội tuyệt vời để họ quảng bá nét đẹp ấy tới người dân Thủ đô”.

 Người Khơ-mú ở Điện Biên biểu diễn các tiết mục tự biên.

Người Khơ-mú ở Điện Biên biểu diễn các tiết mục tự biên.

Khơ-mú là một trong những dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme. Ở miền Bắc Việt Nam, người Khơ mú tập trung ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa và Nghệ An. Tuy nhiên người dân Khơ Mú tại Nghệ An và Điện Biên có khả năng giữ gìn và phát huy âm nhạc dân gian nhất so với các tỉnh thành khác.

Ông Vi Văn An, Tiến sĩ Phòng Nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Trong số cộng đồng dân tộc vùng Tây Bắc, văn hóa dân tộc của người Khơ-mú phát triển nhất, đặc biệt là các điệu múa tự biên, làn điệu dân ca Tơm và nhạc cụ dân gian như sáo, đàn trống, đàn môi, ống gõ, cồng chiêng... Các nhạc cụ này thường được dùng vào dịp lễ tết, cưới xin, mừng nhà mới, hay những dịp lễ hội của cộng đồng”.

Theo ông Vi Văn An, đây là không chỉ là cơ hội để người Khơ-mú ở Điện Biên, Nghệ An giới thiệu tới công chúng về văn hóa dân gian của mình mà còn là cơ hội để giao lưu với những người Khơ-mú trên các tỉnh thành khác tại Việt Nam, Lào; đồng thời mở rộng cơ hội phát triển du lịch, kinh tế cho người dân tộc Tây Bắc nói chung và người dân Khơ-mú nói riêng. Bên cạnh đó, người Khơ-mú cũng có ý thức cao trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian của mình thông qua việc tự tổ chức các câu lạc bộ để những người trẻ học nhảy, múa, hát Tơm và cách làm dụng cụ dân tộc từ các thế hệ đi trước.

 Điệu hát Tơm là nét văn hóa đặc trưng của người Khơ Mú.

Điệu hát Tơm là nét văn hóa đặc trưng của người Khơ Mú.

Anh Moong Văn Khoang, nghệ nhân tại xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Tôi bắt đầu học làm sáo dọc ba gỗ từ khi 7 tuổi và mất khoảng 5 năm để thành thạo. Đối với thợ lành nghề, một cây sáo dọc mất từ 30-40 phút để hoàn thành. Trong đó, phần lưỡi sáo tốn thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất. Sau khi hoàn thành, tôi phải kiểm tra xem tiếng sáo đã trong, vang hay chưa. Mỗi lần tiếng sáo cất lên khiến tôi càng muốn làm thêm nhiều cây sáo dọc ba gỗ hơn nữa”.

Chương trình sẽ được tổ chức trong hai ngày 23, 24-11 với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa cùng với các nghệ nhân người Khơ-mú như: trình diễn nhạc cụ, trải nghiệm lắp ghép sáo 4 lỗ, trò chơi sử dụng thính giác,…để bảo tồn, phát huy, giới thiệu về dấu ấn văn hóa của người Khơ-mú.

Tin, ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thuong-thuc-am-nhac-dan-gian-vung-tay-bac-giua-long-thu-do-603372