Thưởng thức tách trà ngày tết
Một dịp tết, tôi được ngồi uống trà đàm đạo tại tư gia của một nhà văn xứ Huế. Lần đầu tiên, tôi được uống trà trong một cái chén có hoa văn rất đẹp. Nước trà xanh ngâm với đọt trà non hái ngay trong vườn vào buổi sáng sớm. Vị trà thật thơm ngon, đậm đà, khiến lòng dạ mát mẻ đến sảng khoái. Cảm giác khác lạ hiện rõ trong người. Không thể uống nhanh được. Phải từng ngụm, từng ngụm thưởng thức.
Vị trà trong tiết trời xuân thật khác. Khác hẳn vị trà đá ở chợ Đông Ba vào ngày hè nóng bức, cũng khác hẳn vị trà ở ga Huế vào đêm cuối đông. Lần đó, một người bạn thời đại học hiện công tác ở Quảng Bình vào Huế có công chuyện, tiện thể í ới điện thoại gặp bạn bè.
Nhìn dòng người qua lại trong cái lạnh cắt da cắt thịt của đêm đông, hai chúng tôi không ai bảo ai đều cầm tách trà nóng trên tay. Nó như một cái lò sưởi thu nhỏ. Tiện lợi hơn, nó không những sưởi ấm được lòng bàn tay mà khi uống vào còn sưởi ấm cả thân người.
Gần đây, tôi được đọc cuốn sách “Trà đạo” của Okakura Kakuzo (1862-1913), bỗng nhận ra việc uống trà cũng lắm công phu.
Trà nguyên là một vị thuốc. Sau, nó trở thành thức uống giải khát. Việc uống trà bắt nguồn từ Trung Quốc như ghi chép trong cuốn “Trà kinh” của Lục Vũ. Rằng, Thần Nông đun nước dưới một gốc cây, lá của cây này rụng và rơi vào nồi. Nước trong nồi sau đó có màu vàng xanh và mùi vị thơm ngon, uống vào hết khát.
Nhưng nhiều tài liệu lại chứng minh trà có nguồn gốc từ Ấn Độ. Sau đó lan sang các nước khác như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam... Đến năm 1657, lần đầu tiên trà được bán tại các quán cà phê ở nước Anh và mau chóng trở thành thức uống thông dụng ở đảo quốc này.
Tuy nhiên, nói về chuyện uống trà không thể không nhắc đến trà đạo ở Nhật Bản. Trà đạo gắn liền với thiền, có trà thất (phòng uống trà), trà viên (sân vườn) và đầy đủ nguyên liệu, dụng cụ phục vụ việc uống trà. Người chế biến trà và người uống trà cũng trở thành “trà tượng”.
Học giả Nhật Bản Okakura Kakuzo cũng đã viết sách “Trà đạo” để giới thiệu nghệ thuật uống trà của xứ Phù Tang đến thế giới. Và, các geisha, là nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện, ngay từ lúc nhỏ đã được huấn luyện bài bản về trà đạo để có thể chiều lòng khách.
Ở Huế, có loại trà gọi là trà cung đình có tác dụng bổ khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, mát gan rất tốt. Người xưa truyền miệng: Để pha trà cho vua, vào buổi chiều tối các thị nữ trong cung sẽ chèo thuyền ra hồ Tịnh Tâm và cho trà vào giữa những búp sen.
Sáng sớm hôm sau sẽ lại chèo thuyền ra hồ sen để lấy trà ướp hương sen và hứng sương trên lá sen để lấy nước pha trà cho vua. Với thành phần gồm nhiều loại thảo dược như cúc hoa, cỏ ngọt, hoài sơn, đẳng sâm, đại táo, hồng táo, hồi hoa, tim sen…, trà cung đình được nhiều du khách ưa thích.
Đặc biệt, uống trà cung đình thì phải có một bộ đồ trà đúng kiểu. Thậm chí, phải có cả bốn loại chén trà dành cho bốn mùa trong năm…
NGUYỄN VĂN TOÀN
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/313376/thuong-thuc-tach-tra-ngay-tet.html