Thương tiếc 'kiến trúc sư' thể thao Hoàng Vĩnh Giang, Công dân ưu tú Thủ đô

Sau giấc ngủ trưa, ông Hoàng Vĩnh Giang đã ra đi thanh thản trong ngôi nhà của mình ở tuổi 75. Những ngày qua, công chúng và những người yêu thể thao Thủ đô vô cùng tiếc thương ông vì những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp thể thao Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.

Một người đa tài

Ông Hoàng Vĩnh Giang sinh năm 1946, trong gia đình danh gia vọng tộc ở làng Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bố ông là cố giáo sư Hoàng Minh Giám - nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Gia tộc của ông có truyền thống nhiều đời đỗ khoa bảng, giữ chức vụ cao và đã có đến hai Quan Thượng thư Bộ lễ.

Sinh ra trong một gia tộc như vậy, hẳn nhiều người đều có chung thắc mắc tại sao ông Hoàng Vĩnh Giang lại chọn theo con đường thể thao mà không kế nghiệp cha ông? Trả lời câu hỏi này, ông Giang từng nói: “Thể thao cũng là văn hóa, văn hóa thể chất. Ai bảo thể thao không đẹp, không uyển chuyển? Cứ nhìn một vận động viên trượt băng nghệ thuật chẳng hạn thì đố diễn viên múa nào có thể làm được tương tự. Tôi chọn nghiệp thể thao vì tôi thấy được cái đẹp trong sự mạnh mẽ và tôi biết nếu không giỏi thì cũng chẳng chơi nổi thể thao”.

Ông Hoàng Vĩnh Giang từng nắm kỷ lục nhảy cao Việt Nam với cột mốc 1m96.

Ông Hoàng Vĩnh Giang từng nắm kỷ lục nhảy cao Việt Nam với cột mốc 1m96.

Ông có thể chơi tốt nhiều môn thể thao, từ bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá và nhất là điền kinh, chưa kể còn giỏi võ. Ông đã có một nghiệp vận động viên lừng lẫy, với tư cách một kỷ lục gia nhảy cao, mà cột mốc 1m96 mà ông tạo ra tồn tại trong một thời gian rất dài.

Ngoài ra, ông còn là người đa tài. Không chỉ giỏi thể thao, ông còn giỏi ngoại ngữ, đàn, hát… Ông có thể sử dụng nhuần nhuyễn 3 ngôn ngữ Anh, Nga, Trung. Nhiều vận động viên truyền tai nhau rằng nếu có ông dẫn đoàn thể thao sang thi đấu nước ngoài thì họ rất yên tâm, không sợ bị trọng tài xử ép. Để có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ là sự quyết tâm không nhỏ của ông thời trẻ.

Ông Giang từng kể: “Tôi được Nhà nước cho đi học tiếng Anh tại Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Hà Nội ngày nay) để chuẩn bị sang Liên Xô (cũ). Trường tận Thanh Xuân, đạp xe đi về thường mất khá nhiều thời gian nên để tranh thủ tôi đã nghĩ ra kế, gắn 1 tấm bảng vào trước ghi đông xe rồi viết vào mỗi mặt khoảng 6 từ tiếng Anh mới cùng nghĩa. Vừa đi, vừa nhìn, vừa nhẩm. Vậy là cứ qua 1 con phố là thuộc được 1 từ; thuộc hết thì quay mặt bảng lại học tiếp. Bây giờ nghĩ lại cũng liều vì chỉ chăm nhìn bảng không nhìn đường mà đâm vào đâu thì làm gì còn ông Hoàng Vĩnh Giang bây giờ”.

Có đầu óc và nhạy bén, khi sang Liên Xô (cũ) học ở Học viện Thể dục Thể thao Kiev, ông Hoàng Vĩnh Giang hiểu và nắm chắc những nguyên lý của thể thao đỉnh cao, cũng như tích lũy cho mình một thực tế vô cùng phong phú từ nền thể thao hàng đầu thế giới. Ông về nước với những va li sách, băng hình, trang thiết bị dụng cụ thể thao, cùng một khát khao cháy bỏng góp sức mình tạo nên sự thay đổi của thể thao Hà Nội và Việt Nam vừa mới bước qua thời bao cấp, gian khó về mọi mặt.

Góp phần cho thể thao Thủ đô và đất nước phát triển

Giữ cương vị lãnh đạo, ông Hoàng Vĩnh Giang luôn giành trọn tâm huyết cho giấc mơ đưa thể thao Hà Nội và Việt Nam đi lên. Điển hình là trong vai trò Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội những năm 1990, đầu thập niên 2000, ông Hoàng Vĩnh Giang đã để lại di sản to lớn cho thể thao Thủ đô và đất nước.

Với chủ trương “đi tắt đón đầu, lấy nữ làm chủ công”, ông đã đưa hàng trăm vận động viên tài năng của thể thao Hà Nội, trong đó có những vận động viên mới 6-7 tuổi như Ngân Thương, Phước Hưng (thể dục dụng cụ); Chí Đông, Lan Anh (điền kinh); Nam Hải (bóng bàn)… sang Trung Quốc tập huấn dài hạn. Với wushu, ông còn tập trung cho những gương mặt như Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Phương Lan được đào tạo chuyên biệt về wushu tại Trung Quốc và họ là biểu tượng của thể thao Việt Nam.

Ông Hoàng Vĩnh Giang là cây đại thụ của thể thao Thủ đô và đất nước.

Ông Hoàng Vĩnh Giang là cây đại thụ của thể thao Thủ đô và đất nước.

Những vận động viên đi Trung Quốc “nằm gai nếm mật” nhiều năm đã giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 22. Cùng với đó, ông còn là người đưa rất nhiều môn thể thao mới như: Đấu kiếm, wushu, boxing, vật, judo, pencak silat… vào Việt Nam và giúp các môn này bay cao.

Nói về lứa vận động viên “nằm gai nếm mật này”, ông từng bày tỏ: “Tôi nhiều lần gạt nước mắt khi chứng kiến các cháu tập luyện vì xa nhà khi quá nhỏ nhưng là sự chuẩn bị cho tương lai và vì màu cờ sắc áo quê hương chắc chắn sẽ có thành công”. Thật sự, thể thao Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ mãi khó tìm được những Đỗ Thị Ngân Thương hay Nguyễn Thúy Hiền từng khiến cả xã hội quan tâm đặc biệt trong những lần họ đi thi đấu và giành kết quả cho thể thao Việt Nam.

Kể từ năm 2003, ông Hoàng Vĩnh Giang được xem là chiến lược gia số một của thể thao Hà Nội và cả nước, gắn với thời điểm thành công rực rỡ của Việt Nam khi tổ chức thành công toàn diện SEA Games 22 với ngôi nhất toàn đoàn. Đây chính là cú hích tạo nên bước đột phá trong sự phát triển và hội nhập quốc tế của cả một nền thể thao, với vai trò cùng dấu ấn lớn của vị Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam.

Kể từ dấu mốc ấy, thể thao Hà Nội cũng như thể thao Việt Nam đã dần lớn mạnh, có vị thế trên bản đồ khu vực. Ai cũng hiểu công lớn nhờ những tính toán và công tác chuẩn bị bao nhiêu năm trời trước đó của ông Hoàng Vĩnh Giang.

Đến bây giờ khi đã xây được xong cái “nền” thì nỗi lo của ông Giang lại là làm sao để đào tạo được lớp vận động viên kế thừa vì các phụ huynh luôn muốn con làm kỹ sư, bác sĩ hơn là theo nghiệp thể thao. Vì thế không ít lần đích thân ông Giang đã phải lấy cái danh của mình đi thuyết phục gia đình các vận động viên có tiềm năng chỉ để giữ nhân tài sau này cho đất nước.

Nhiều năm qua ông Hoàng Vĩnh Giang không còn giữ chức Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội nữa nhưng thực tế ông vẫn giữ vai trò quân sư, tâm huyết với thể thao Hà Nội. Chính vì những cống hiến ấy cho ngành thể dục thể thao Thủ đô, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông được trao danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô.

Nhờ thông thạo ngoại ngữ và có tài ngoại giao, ông có quan hệ tốt với nhiều tổ chức thể thao quốc tế. Trong quá trình công tác, ông từng giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á và nhiều lần giữ chức Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế.

Năm 2006 khi đang là Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì có thành tích trong lao động, sáng tạo giai đoạn 1996-2005.

Năm 2012, ông Hoàng Vĩnh Giang được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trao tặng giải thưởng quốc tế vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào Olympic Việt Nam nói riêng và phong trào Olympic quốc tế nói chung. Ông Hoàng Vĩnh Giang là Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.

Ông Hoàng Vĩnh Giang qua đời để lại cho ngành thể thao và rất nhiều những nhà quản lý, huấn luyện viên, vận động viên niềm tiếc thương vô hạn về một tấm gương lao động và cống hiến hết mình cho ngành thể thao nước nhà đến những giây phút cuối cùng.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuong-tiec-kien-truc-su-the-thao-hoang-vinh-giang-cong-dan-uu-tu-thu-do-130071.html