Thường Tín (Hà Nội): Bao giờ người dân xã Liên Phương có đường gom để đi?

n thời điểm hiện tại, dự án đường gom dân sinh đoạn qua xóm 1, xã Liên Phương (thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn chưa thể thực hiện, khiến việc tham gia giao thông của người dân gặp vô vàn khó khăn. Điều đáng bàn, thay vì tìm các phương án đẩy nhanh tiến độ thi công, các bên liên quan dường như đang 'đá bóng trách nhiệm' với những lý giải bất nhất, thiếu thuyết phục.

Mặc dù đã hết quý I/2020 nhưng hàng loạt các hạng mục thi công trên tuyến đường này vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Mặc dù đã hết quý I/2020 nhưng hàng loạt các hạng mục thi công trên tuyến đường này vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Dân “khốn khổ” vì đường

Đường gom hai bên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là một bộ phận của đường cao tốc, thuộc giai đoạn 2 dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (gọi tắt là BOT). Đoạn đường gom này có mặt đường rộng từ 5,5 – 6m đạt tiêu chuẩn đường cấp 6 đồng bằng, đảm bảo giao thông thông suốt cho người dân hai bên đường. Mặc dù cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã đi vào hoạt động và thu phí nhiều năm nay, thế đường gom dân sinh đoạn qua xóm 1, xã Liên Phương (thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội) đến nay vẫn chỉ là một con đường lầy lội bùn đất. Bất kể trời nắng, hay mưa đều là “cơn ác mộng” với những người dân lưu thông qua đây.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Lê Thị Thưởng, người dân có nhà sát mặt đường cho biết: “Trời nắng thì bụi mịt, còn mưa xuống trơn trượt, lầy lội. Đến bữa ăn cũng không ngon. Các gia đình có cháu nhỏ đều phải cho vào trong làng hết, không ai dám cho ra đường. Người dân chúng tôi đến khổ sở vì con đường này”.

Chung nỗi bức xúc, bà Trần Thị Châm, người dân có nhà nằm sát mặt đường chia sẻ: “Khi tiến hành giải phóng mặt bằng, chúng tôi đều chấp hành đầy đủ hết, hiện gia đình nhà tôi vẫn chưa có chỗ ở, chỉ mong các ngành chức năng quan tâm, sớm cho làm đường để chúng tôi yên tâm xây nhà xây cửa”.

Các hộ dân sống quanh khu vực cũng cho biết, tuyến đường gom chạy qua xóm 1, xã Liên Phương không chỉ mất an toàn về giao thông, mà đây còn là địa điểm tụ tập các tệ nạn xã hội. “Phí cao tốc thì đã thu từ lâu, nhưng đường gom thì lại không chịu làm. Đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thành tuyến đường gom này để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”, một hộ bị ảnh hưởng bởi tuyến đường cho biết.

Các bên mải “đá bóng trách nhiệm”?

Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân chính khiến tuyến đường gom chưa thể thực hiện là do khâu giải phóng mặt bằng và di chuyển tuyến đường điện ngầm nằm dọc khu vực xóm 1, xã Liên Phương.

Để rộng đường dư luận, phóng viên báo Báo Điện tử Xây dựng đã có trao đổi với đại diện chính quyền và các bên liên quan. Ông Uông Văn Hạnh – Chủ tịch xã Liên Phương cho biết: Hiện nay, vướng mắc giải phóng mặt bằng nhất là hộ gia đình ông Khải. Khu vực nhà ông Khải đã nhận tiền bồi thường, nhưng do huyện chưa bàn giao đất tái định cư nên chưa vẫn còn vướng.

“Tại hội nghị năm 2019 đã thống nhất với Điện lực Thường Tín phải bàn giao trả cho BOT mặt bằng vì trước kia BOT cho Điện lực Thường Tín mượn, thống nhất đẩy đường điện ngầm của Điện Lực Thường Tín sang áp với chân móng đường cao tốc do hai bên làm việc như thế nào, tôi không nắm được”, ông Hạnh cho biết thêm.

Để tìm hiểu thêm, phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Sỹ Tuyến – Phó Chủ tịch huyện Thường Tín, qua điện thoại ông Tiến cho biết: “Chúng tôi đang tập chung triển khai. Việc chậm là do hệ thống điện của Điện Lực Thường Tín nhưng hiện chúng tôi đang cho triển khai. Đối với 2 hộ chưa thể giải phóng mặt bằng, bước cuối cùng huyện sẽ tiến hành cưỡng chế. Còn hộ nhà ông Khải, chúng tôi đã xác minh là không đủ điều kiện bố trí đất tái định cư thì phải cưỡng chế, bảo vệ thi công”.

“Đối với phần đường điện ngầm thì do bên BOT và Điện lực thống nhất vì ngày xưa bên Điện lực lắp vào cũng chẳng có giấy phép nên tự thống nhất. Về vướng mắc, khó khăn thì chưa thấy hai đơn vị này báo cáo”, ông Tuyến cho biết thêm.

Để làm rõ vấn đề, phóng viên tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Nhận – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Nhận cho biết: Nguyên nhân chậm tiến độ, hiện tại vướng ở mặt bằng chưa có kế hoạch di dời. Trong 300m cần GPMB có đường dây điện nằm dọc chưa được di dời, những hộ dân vẫn còn “xôi đỗ” ở những vị trí đó thì chúng tôi không thể làm đoạn một. Bây giờ không làm được mà đào bới tung lên càng gây khó khăn cho người dân”.

Về phía Điện lực Thường Tín, ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Giám đốc Công ty điện lực Thường Tín cho biết: “Trước đây phương án thống nhất với BOT là bao giờ giải phóng xong mặt bằng thì bên chúng tôi sẽ di chuyển hướng cáp ngầm ra ngoài theo đúng chỉ giới mở đường. Hiện tại chưa GPMB nên chưa có mặt bằng để thi công”.

“Mới đây, BOT đã xem xét cho điện lực đi sát đường điện với đường dân sinh và cao tốc nhưng bên thi công có ý kiến là vướng đường nước dân sinh nên họ sẽ xem xét lại. Mấu chốt vẫn là mặt bằng chưa thể giải tỏa được, có mặt bằng chúng tôi sẽ thi công ngay”, ông Cường cho biết thêm.

Vừa qua, Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về tình hình giải phóng mặt bằng, thi công đường gom dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Văn bản do ông Phạm Quốc Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết: Tuyến đường gom dọc hai bên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 57,9km đã hoàn tất thi công 56,5km với đầy đủ hệ thống an toàn giao thông theo đúng thiết kế được duyệt. Công tác thẩm tra an toàn giao thông trên tuyến đường gom cũng được hoàn thành.

Từ cuối năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã có Văn bản 11704 đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện Hoàng Mai, Thường Tín, huyện Phú Xuyên rà soát, ấn định tiến độ giải phóng mặt bằng các vị trí, đoạn tuyến chưa giải phóng mặt bằng còn lại của dự án. Trong trường hợp không xác định được mốc thời gian cụ thể cho công tác giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND thành phố Hà Nội thống nhất phương án dừng thực hiện các hạng mục còn lại trong phạm vi vướng mắc mặt bằng để doanh nghiệp dự án có thể quyết toán chi phí đầu tư xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ yêu cầu.

UBND thành phố Hà Nội sau đó đã có Văn bản 12365 chỉ đạo Sở Tài Nguyên - Môi trường; UBND các quận, huyện Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành.

Liên quan đến việc một số hộ dân vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng, ngày 20/12/2019 UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 12365/VP-GPMB gửi UBND huyện Thường Tín. Văn bản nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội nhận được Công văn số 11704/BGTVT-CQLXD ngày 6/12/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các vị trí, đoạn tuyến còn lại trên tuyến đường gom thuộc dự án đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, thành phố Hà Nội theo hình thức hợp đồng BOT.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo: “Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thường Tín tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc về giải phóng mặt bằng nêu trên, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2019 theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 12095/VP-GPMB ngày 13/12/2019”.

Mặc dù đã có chỉ đạo, tuy nhiên đã hết quý I/2020, hàng loạt các hạng mục thi công trên tuyến đường này vẫn “dậm chân tại chỗ”, người dân ngày ngày vẫn phải băng qua con đường lày lội này. Quả bóng trách nhiệm nếu cứ bị đá đi đá lại thì hàng chục hộ dân tại xã Liên Phương biết khi nào mới hết khổ và có đường để đi?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Khoa

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thuong-tin-ha-noi-bao-gio-nguoi-dan-xa-lien-phuong-co-duong-gom-de-di-277721.html