Thương Tín: Tài tử cát-xê 1 chỉ vàng đi hát đám cưới mưu sinh ở tuổi U70
Sau thời gian chiến đấu với bệnh tật và không có việc làm, Thương Tín đang chạy show đi hát kiếm tiền và rất muốn làm đạo diễn phim.
Thương Tín trở lại
Những ngày qua, thông tin diễn viên Thương Tín đi hát đám cưới ở miền Tây, được trả 5-7 triệu đồng mỗi show, sau thời gian thất nghiệp trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Theo lời nhạc sĩ Tô Hiếu - người hỗ trợ Thương Tín, ban đầu khi nghe anh giới thiệu, các chủ tiệc ngần ngại vì trước giờ chỉ biết Thương Tín qua phim ảnh, không rõ khả năng ca hát tới đâu. Tuy nhiên, sau khi tài tử trình diễn hai ca khúc bolero là Hoa trinh nữ, Biển mặn, chủ tiệc khen, thưởng thêm tiền.
"Anh Tín nói bị nhịu nhưng hát lại rõ lời, chắc nhịp. Quan khách dự cưới rất thích, liên tục vỗ tay khi anh ấy hát. Anh Tín bây giờ lạc quan, tự tin hơn vào bản thân nên muốn đi hát kiếm tiền", Tô Hiếu nói.
Tô Hiếu cho biết thêm, Thương Tín rất muốn làm phim với vai trò đạo diễn và mong muốn được nam nhạc sĩ đầu tư. Anh đã có sẵn thiết bị quay phim và một chút tiền tích góp nên cũng dự định giúp Thương Tín làm một bộ phim sitcom, nếu được đón nhận thì sẽ làm tiếp, còn không thì sẽ dừng.
"Ngoài ra, Thương Tín cũng rất muốn có thêm nhiều show đi hát kiếm thêm thu nhập để làm từ thiện. Anh ấy tâm sự muốn giúp đời thêm được chút nào thì tốt chút đó. Tuy nhiên được làm phim vẫn là điều Thương Tín mong muốn nhất lúc này", nam nhạc sĩ cho biết thêm.
Hồi tháng 5, Thương Tín từ Phan Rang, Ninh Thuận vào TP HCM sống sau nửa năm cùng vợ con về quê. Vào Sài Gòn một mình, ông liên lạc với nhạc sĩ Tô Hiếu nhờ hỗ trợ chỗ ở.
Gặp lại Thương Tín, Tô Hiếu không nhận ra vì ông sụt cân, người gầy gò, da đen, hai má tóp lại. Tô Hiếu để Thương Tín ở cùng hai người khác tại nhà riêng của anh ở huyện Bình Chánh.
"Tôi để anh ở nhờ cùng hai người khác tại nhà riêng của tôi ở huyện Bình Chánh. Tôi vui khi thấy anh tăng cân, tâm trạng cũng cải thiện hơn trước", nhạc sĩ Tô Hiếu nói thêm về tình hình hiện tại của Thương Tín.
Nghệ sĩ Kim Cương - đàn chị thân thiết của Thương Tín - cho biết hồi tháng 5, ông tìm đến nhà bà ở quận Phú Nhuận xin giúp đỡ. Lúc đó, Kim Cương đi vắng nên người thân của bà gửi ông một khoản hỗ trợ.
Nữ nghệ sĩ gạo cội bộc bạch: "Tôi xót xa khi nghe kể ông ốm yếu, đi xiêu vẹo. Tôi cố gắng liên lạc lại để giúp đỡ nhưng không được vì ông mất điện thoại. Giờ, nghe tin Thương Tín trở lại, tôi vui vì ông vẫn nỗ lực làm việc ở tuổi xế chiều".
Tài tử từng có cát-xê 1 chỉ vàng
Nghệ sĩ Thương Tín sinh năm 1956, là diễn viên nổi tiếng của Việt Nam vào thập niên 1980 - 90. Sau khi thành công với sân khấu cải lương, ông bắt đầu tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và được mọi người yêu mến qua nhiều vai diễn.
Ông từng được mệnh danh là tài tử màn bạc và là "át chủ bài" của làng phim ảnh, kịch nghệ miền Nam. Nhắc đến Thương Tín khán giả sẽ nhớ ngay vai thiếu tá Lưu Trọng Kỳ Vọng trong "Ván bài lật ngửa", tướng cướp Bạch Hải Đường lỳ lợm trong "Săn bắt cướp", Sáu Tâm trong "Biệt động Sài Gòn", Tám Thương trong "Chiến trường chia nửa vầng trăng".
Năm 27 tuổi, ông từng được vào sách kỷ lục Guinness Việt Nam ghi nhận là nghệ sĩ đóng nhiều phim nhất trong năm (12 phim).
Kể về thời huy hoàng của mình, Thương Tín nói: “Người hâm mộ lúc đó chen kín lối đi của tôi. Tôi ra Hải Phòng tham dự Liên hoan Phim toàn quốc, khán giả chặn lại, xé áo làm kỷ niệm.
Dân giang hồ cho xe ô tô đỗ trước nhà tôi, bắt cóc tôi đi chơi. Những lần vui với bạn bè, những cơn say với chiến hữu”. Thương Tín rong chơi đúng kiểu, “vội ngày vội tháng vội năm, quên ngoài sân hoa hồng vẫn nở”.
Theo lời Thương Tín, thời của ông chỉ có hãng phim nhà nước chứ không có hãng phim tư nhân. Do đó, cát-sê cũng cũng theo quy định, mỗi vai chính trong phim nào cũng đều nhận được 1 chỉ vàng.
Cát xê khi đó dù nhiều nhưng không nuôi nổi thói quen ăn chơi của mình. “Thời đó nghề tôi đam mê không nuôi nổi tôi. Thường đóng một bộ phim, tôi nhận 1 chỉ vàng nhưng lại tiêu hết 2-3 cây vàng”, nam nghệ sĩ thừa nhận.
Tháng 2/2021, nghệ sĩ nhập viện vì đột quỵ, được một số đồng nghiệp - trong đó có nghệ sĩ Trịnh Kim Chi kêu gọi quyên góp.
Sau khi khỏi bệnh, ông chủ yếu sống nhờ đồng nghiệp và mạnh thường quân. Có thời gian, ông làm shipper nhưng sau đó bỏ nghề vì yếu sức.