Thượng tôn pháp luật
Có lẽ chưa khi nào, tình trạng chống người thi hành công vụ ở nước ta, cụ thể là chống đối, tấn công lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) lại xảy ra dồn dập với mức độ hết sức nghiêm trọng như trong tháng 7 năm nay.
Vào trưa 9-7, trong khi đang làm nhiệm vụ, Thượng úy Nguyễn Trọng Quý-cán bộ Đội CSGT Công an huyện An Lão (TP. Hải Phòng) phát hiện 1 thiếu niên điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm và chạy với tốc độ cao nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính. Tuy nhiên, thiếu niên này không những không dừng xe mà còn tông thẳng vào người Thượng úy Quý khiến anh bị thương rất nặng. Đối tượng tông xe sau đó được xác định là Đỗ Văn Thắng (16 tuổi, trú tại huyện An Lão, TP. Hải Phòng).
Đến ngày 23 và 26-7, thêm 2 vụ chống người thi hành công vụ nữa liên tiếp xảy ra tại TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và TP. Hà Nội khiến 3 CSGT bị thương. Trong đó, 2 CSGT Công an TP. Phan Thiết là Trung tá Trần Mạnh Thành và Trung úy Đỗ Văn Thịnh bị thương trong khi ngăn chặn đối tượng Trần Minh Phúc (35 tuổi, trú tại tỉnh Yên Bái) lái xe bỏ chạy khỏi vị trí bị dừng xe để kiểm tra hành chính. Còn Đại úy Mai Hùng Sơn (cán bộ Đội CSGT số 7 Công an TP. Hà Nội) trong lúc xử lý một trường hợp vi phạm giao thông đã bị đối tượng Nguyễn Quang Hùng (54 tuổi, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) nhặt hòn đá bên đường đập vào đầu khiến anh này chảy nhiều máu phải nhập viện cấp cứu.
Ngay tại Gia Lai, những năm gần đây cũng xảy ra không ít vụ chống đối, tấn công lực lượng CSGT. Mới đây nhất, vào chiều 27-7, đối tượng Nguyễn Thanh Hùng (SN 1986, trú tại tổ 9, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) điều khiển xe ô tô 12 chỗ chở gỗ lậu đã tông thẳng vào xe ô tô chuyên dụng của Đội CSGT Công an huyện Kông Chro chốt chặn trên tỉnh lộ 667 khiến Đại úy Nguyễn Đức Nhã bị hất văng xa hàng chục mét, bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau khi bắt giữ Hùng, cơ quan Công an xác định đối tượng này dương tính với chất ma túy.
Tình trạng chống đối, tấn công lực lượng CSGT không phải đến bây giờ mới xảy ra, cũng không còn là hiện tượng ít thấy mà đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối. Theo Cục CSGT (Bộ Công an), chỉ tính từ năm 2017 đến tháng 4-2019, cả nước đã xảy ra 107 vụ chống người thi hành công vụ, chống đối CSGT làm 4 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 26 người khác bị thương. Nhiều đối tượng chống người thi hành công vụ đã bị khởi tố, bị phạt tù nhưng dường như tình trạng này vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm, chưa nói là được ngăn chặn triệt để.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến tình trạng chống đối, tấn công lực lượng CSGT diễn biến phức tạp? Trước hết, nó nằm ở chính ý thức thiếu tuân thủ pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông. Trong một xã hội đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bất cứ người dân nào khi tham gia giao thông cũng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tuân thủ yêu cầu của lực lượng CSGT. Trường hợp CSGT có hành vi vi phạm đạo đức công vụ, xử lý sai quy định pháp luật, người dân có quyền phản ánh đến cơ quan quản lý hay khiếu kiện ra tòa án. Thế nhưng, nhiều người hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc do cố tình nên luôn cự cãi, chống đối, thậm chí tấn công lực lượng CSGT khi bị chặn xe, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Thế nhưng, để tình trạng chống đối CSGT xảy ra cũng lại có phần nguyên nhân từ việc thiếu ý thức thượng tôn pháp luật của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ lực lượng này. Cụ thể ở đây là việc một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSGT trong quá trình thực thi công vụ đã vi phạm điều lệnh, quy trình, kỷ luật công tác, có hành vi mãi lộ, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Điều này ở góc độ nào đó đã làm suy giảm niềm tin của người dân vào sự minh bạch, thượng tôn pháp luật của lực lượng CSGT. Từ đó, nhiều người tỏ ra thiếu tôn trọng, nghi ngờ sự công minh của lực lượng này khi thực thi công vụ. Hệ quả của nó là nhiều người sẵn sàng cự cãi, chống đối lực lượng CSGT bất kể đúng-sai.
Trong bất cứ trường hợp nào, hành vi chống người thi hành công vụ cũng là hoàn toàn sai trái, cần lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhưng để hạn chế, ngăn chặn tình trạng này, việc đầu tiên là phải nâng cao hơn nữa hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm của lực lượng thực thi công vụ cũng phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm. Khi tất cả cùng thượng tôn pháp luật thì những vụ chống người thi hành công vụ chắc chắn sẽ không còn xảy ra.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/201908/thuong-ton-phap-luat-5643958/