Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông

Với thông điệp 'Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn', Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã phát động phong trào thi đua nhằm tạo động lực mạnh mẽ trong hoạt động bảo đảm trật tự ATGT ở tất cả các lĩnh vực giao thông vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) và xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong cộng đồng.

Theo đánh giá Ban An toàn giao thông tỉnh, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn thiếu tự giác, chấp hành mang tính đối phó khi có lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ; người điều khiển phương tiện chủ quan, lơ là, không chấp hành ngiêm các quy định của pháp luật về TTATGT như: Sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; chạy quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, không chú ý quan sát... còn khá phổ biến, gây tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Tuyên Quang kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Tuyên Quang kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Trước thực trạng đó, Ban ATGT tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn giao thông thông qua các hoạt động như tổ chức tập huấn, hội thảo, chiến dịch thông tin và tuyên truyền an toàn giao thông. Đặc biệt, tăng cường việc giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh và người điều khiển xe máy, nhằm tạo ra một thế hệ trẻ có ý thức và kỹ năng giao thông tốt từ khi còn nhỏ. Chỉ riêng trong tháng 11, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức 87 buổi tuyên truyền trực tiếp cho trên 54.859 lượt quần chúng nhân dân, giáo viên và học sinh trên địa bàn tham gia; tuyên truyền qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết tai nạn giao thông cho 7.135 lượt người. Tuyên truyền về mức xử phạt liên quan đến sử dụng rượu bia và chở hàng vượt quá tải trọng cho 288 trường hợp người điều khiển phương tiện; phát 1.805 tờ rơi, cẩm nang, tài liệu pháp luật về công tác bảo đảm TTATGT; ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về TTAGT cho 2.000 lượt người; duy trì triển khai thực hiện 38 mô hình tự quản bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh; xây dựng 51 tin, bài, phóng sự đăng tải trên các trang thông tin, báo điện tử. Đồng thời tổ chức tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho 520 cán bộ, giáo viên và 10.744 học sinh tại các trung tâm giáo dục và trường học trên địa bàn tỉnh, duy trì 3 bảng tuyên truyền điện tử trên các tuyến quốc lộ và 1 bảng tuyên truyền điện tử tại đơn vị, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng, lực lượng chức năng và các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp vận tải để kiểm soát việc tuân thủ quy tắc giao thông và nâng cao môi trường giao thông an toàn.

Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, từ 15-10 đến 14-11, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tuần tra kiểm soát, phát hiện và lập biên bản 1.643 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 789 bộ giấy tờ, tạm giữ 738 phương tiện (35 xe ô tô, 698 xe mô tô, 5 phương tiện khác), xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản 116 trường hợp; tước Giấy phép lái xe 201 trường hợp, phạt tiền 1.354 trường hợp, tổng số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính 2,25 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chính như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng; chở quá trọng tải hàng hóa; vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm hoặc chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm; điều khiển xe không có GPLX…

Việc hình thành văn hóa giao thông, kéo giảm tỷ lệ số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương cần sự chung tay của toàn xã hội. Trước hết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn cần tăng cường công tác tuyên truyền và vận động người dân tham gia thi đua một cách sôi nổi và hiệu quả. Việc nâng cao nhận thức của mọi người về ATGT là điều quan trọng để thay đổi hành vi và thực hiện việc tuân thủ pháp luật giao thông.

Đồng chí Đỗ Văn Lai, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Việc phát động rộng rãi phong trào thi đua này là rất cần thiết. Phong trào thi đua đảm bảo an toàn giao thông giúp phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các tập thể và cá nhân, tạo động lực để mọi người tham gia xây dựng một môi trường giao thông an toàn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông. Điều này vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn và cũng gửi thông điệp rõ ràng về sự nghiêm túc trong việc thực thi Luật Giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông an toàn là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả cộng đồng. Mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm của mình, tuân thủ pháp luật về giao thông, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/thuong-ton-phap-luat-de-xay-dung-van-hoa-giao-thong-202360.html