Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng: 'Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân'

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Bài liên quan

Lựa chọn đại biểu đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ

Sáng 21/1, Bộ Chính trị chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. Tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã thông tin về Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị.

Theo đó, để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

“Đây là nhiệm vụ đầu tiên, chúng ta phải xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với tình hình của địa phương, đơn vị” - Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐBQH và đại biểu HĐND.

“Chúng ta có thuận lợi là vừa qua chúng ta tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp và vừa rồi đã tổng kết. Đây là thành tựu lớn về mặt nội dung và công tác nhân sự, chọn lựa những nhân sự chủ chốt để tham gia Quốc hội, HĐND”. Thường trực Ban Bí thư nói.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Về giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND, ngoài các nhân sự thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, việc phấn đấu bầu đủ số lượng ĐBQH chuyên trách rất quan trọng, phải phấn đấu đạt được. Làm tốt nhiệm vụ thứ ba này là rất quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sắp tới cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp, của từng ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.

Cùng với đó, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Đồng thời, phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

Chỉ thị cũng nêu rõ: “Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử ĐBQH do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định cụ thể đối với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng: Đây là việc rất quan trọng, chúng ta vừa đảm bảo quyền bầu cử, ứng cử, quyền tự ứng cử, đề cử của công dân nhưng cũng phải đảm bảo quy trình, tránh việc lợi dụng khe hở để đưa người không đủ tiêu chuẩn vào HĐND và ĐBQH. Việc lấy ý kiến đại biểu, cử tri nơi cư trú và nơi công tác phải được tiến hành hết sức thực chất, chỗ này rất quan trọng vì đây là ý kiến của dân tại những nơi đó để đánh giá ĐBQH, đại biểu HĐND. “Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân”. Phải lấy ý kiến của dân thực chất chứ không nên tổ chức hình thức, như vậy mới chọn được người đúng tiêu chuẩn.

Cùng với đó, Chỉ thị cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị kỹ phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối.

“Đây là thời điểm các thế lực tấn công chúng ta, tạo nên những điểm nóng nên cần phải nắm chắc từng tình huống để xử lý, rút kinh nghiệm những lần trước nhờ chúng ta nắm chắc nên có những nơi rất khó khăn, phức tạp nhưng tổ chức bầu cử rất thành công. Nhưng có những nơi chủ quan, tưởng không có vấn đề gì nhưng khi tổ chức lại có vấn đề, nên chúng ta cần rất tỉ mỉ trong công tác bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử” - Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuong-truc-ban-bi-thu-tran-quoc-vuong-dan-la-nguoi-giam-sat-khong-ai-qua-mat-duoc-dan-post114923.html