Thường trực Chính phủ họp chuẩn bị hội nghị trực tuyến toàn quốc
Chiều 27-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đang cố gắng giảm tối thiểu số người nhiễm và tử vong vì dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Nhiều dịch vụ đã phải dừng lại, nhất là các dịch vụ không cần thiết. Chính phủ sẽ tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số thành phố lớn. Một tinh thần quyết chiến, làm mọi biện pháp để ngăn chặn một đại dịch có thể xảy ra ở Việt Nam. Chúng ta vui mừng hiện nước ta chưa có ca tử vong và có 15 ca sẽ ra viện. Trước tác động của dịch, Thủ tướng cho biết, IMF và hãng tin Bloomberg nhận định, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 0% trong năm nay, một số nước tăng trưởng âm. Trong khi đó, Liên hợp quốc nhận định một cuộc suy thoái mới, lớn hơn 2008, sẽ diễn ra đối với toàn cầu.
Thủ tướng cũng cho biết, tối 26-3, Thủ tướng đã dự Hội nghị cấp cao trực tuyến G20, theo đó, Tổng thống, Thủ tướng các nước đều nhấn mạnh phải vực dậy nền kinh tế sau khó khăn. Thí dụ như Mỹ tuyên bố giảm lãi suất bằng 0%, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua gói hỗ trợ 2.000 tỷ USD với 96% ủng hộ và không có phiếu trống. Đây là gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Các nước G20, Đông-Nam Á, châu Á cũng đều có đưa ra những gói kích thích kinh tế...
Với độ mở nền kinh tế lớn, nước ta cũng bị tác động mạnh do dịch. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều rất khó khăn. Khó khăn nữa là hạn hán, mặn xâm nhập, dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, giá dầu thế giới đang giảm, chỉ còn 21 USD/thùng, trong khi dự toán ngân sách nhà nước năm nay là 60 USD/thùng. Với việc Covid-19 ảnh hưởng đến mọi ngõ ngách đời sống xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, phải vực dậy nền sản xuất trong nước để giải quyết việc làm, tăng trưởng, không để đổ gục trước tình hình hết sức phức tạp và khó khăn hiện nay. Chính vì vậy, Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc vào ngày 31-3 tới đây với sự tham dự của tất cả các bộ trưởng; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan của Quốc hội để bàn giải pháp.
Tại hội nghị này, các bộ trưởng sẽ trình bày các chương trình, giải pháp của bộ, ngành mình, khắc phục tốt nhất các khó khăn do dịch gây ra đồng thời lắng nghe các ý kiến tư vấn, góp ý từ hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị này thể hiện sự chủ động của Chính phủ từ sớm, thay vì để tình trạng quá xấu mới bàn giải pháp khắc phục. Trong đó, một trong bốn nội dung lớn chính là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bởi nếu không thì không có việc làm và không thể có tăng trưởng, nhất là trong quý 1 năm nay tăng trưởng chỉ khoảng 3,82%, mức thấp nhất cùng kỳ trong 15 năm qua.
Đây là lĩnh vực đình đốn lớn nhất, gần như các tập đoàn, tổng công ty, cả tư nhân và nhà nước đều ngừng trệ. Có những doanh nghiệp chỉ có doanh thu từ 3 đến 5% so với cùng kỳ quý 1 năm trước. Thí dụ chúng ta dự đoán 20 triệu khách quốc tế bằng đường hàng không, nhưng vừa qua, gần như khách quốc tế không đến Việt Nam được thời gian qua. Các hãng hàng không vô cùng khó khăn. Đi liền với đó là khách sạn gần như 100% đóng cửa. Chúng ta yếu cả cung và yếu cả cầu trong kinh tế. Do đó, phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chúng ta phải tìm thấy một thị trường mới ở trong nước và những thị trường mới, lớn ở nước ngoài trong bối cảnh nhiều hiệp định như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đặc biệt thị trường nội địa 100 triệu dân Việt Nam phải như thế nào?
Đối với lượng vốn đầu tư công lên đến hơn 30 tỷ USD, gồm cả vốn ngân sách và vốn vay, Thủ tướng nêu rõ, hội nghị cần bàn giải pháp để giải ngân hết số vốn này. Ba tháng đầu năm dù có cố gắng, nhưng khối lượng vốn vay và vốn ngân sách nhà nước đều còn rất lớn. Làm sao phải giải ngân hết số vốn này, coi đó là phần quan trọng để giải quyết việc làm, góp phần tăng trưởng, tiêu dùng các sản phẩm trong nước. Lần này phải có chế tài mạnh để giải quyết dứt điểm việc giải ngân cho được vốn đầu tư công. Quyết liệt, cụ thể, chế tài mạnh chứ không phải như các hội nghị lần trước có đưa ra biện pháp nhưng thực thi còn yếu. Đây là khuyết điểm trong điều hành của hệ thống chúng ta. Chính vì thế, Thủ tướng đặt vấn đề vai trò của bộ trưởng thế nào, vai trò của chủ tịch UBND các địa phương, các cơ quan, chủ đầu tư phải làm rõ, phải kỷ luật thế nào, điều chuyển vốn ra sao?
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt hai bộ sử dụng nhiều vốn ngân sách là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có biện pháp mạnh mẽ, nhất là với dự án đường cao tốc bắc-nam, sân bay Long Thành...
Hội nghị cũng sẽ bàn về vấn đề an sinh xã hội, đời sống việc làm của người dân nói chung và đời sống của các đối tượng chính sách, nhất là trong bối cảnh có tình trạng nghỉ việc, nghỉ không lương đang diễn ra trên toàn cầu và nước ta. Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng và phát triển là nâng cao đời sống của nhân dân, nên cần phải tính toán các biện pháp, gói hỗ trợ để bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm mức lương tối thiểu cho công nhân lao động. Cùng với đó là ổn định vĩ mô, chống đầu cơ, nâng giá trái phép. Một nội dung quan trọng khác, đó là đi liền với hậu dịch Covid-19 là tình trạng thiếu việc, thất nghiệp có thể xảy ra, dẫn đến mất an ninh trật tự. Do đó, Bộ Công an phải có những biện pháp chủ động kiểm soát tình trạng này, bảo đảm cuộc sống an toàn cho nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện các báo cáo cho hội nghị toàn quốc sắp tới chất lượng hơn, có “tầm người lãnh đạo”, trong đó phải đi sâu vào các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải lo. Tinh thần lớn mà Thủ tướng nhấn mạnh đó là nâng một số gói hỗ trợ nhiều hơn. Những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải tổng hợp, sớm báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong tháng 3 này.
Trong các giải pháp của các bộ, ngành, Thủ tướng cho rằng, cần chủ động tìm thị trường đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là công nhân lao động. Tìm các nguồn lực đầu tư xã hội, gồm cả FDI và đầu tư tư nhân. Đây là dịp để tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, đào tạo lao động... Cùng với lo sản xuất thì phải lo đời sống của nhân dân; giữ doanh nghiệp, giữ công nhân; ổn định vĩ mô. Đặc biệt phải bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trong mọi trường hợp, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Các mặt hàng ảnh hưởng đến lạm phát phải được kiểm soát tốt, tránh tình trạng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ để nâng giá trái pháp luật.
Nhấn mạnh đổi mới cách làm là biện pháp cần thiết trong “thời chiến”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải có tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai nhiệm vụ. Nêu các vấn đề cụ thể về đầu tư công, Thủ tướng nhắc lại phải tập trung giải ngân hết vốn năm 2020 với gần 700 nghìn tỷ đồng, trong đó phải làm quyết liệt các dự án trọng điểm, có chế tài xử lý nghiêm minh đối, đặc biệt là với bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh có quản lý vốn nếu chậm giải ngân.
Đối với chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát gói hỗ trợ 410 nghìn tỷ đồng; thực hiện ngay gia hạn nộp thuế tiền sử dụng đất; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác; tăng chi chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội; cắt giảm chi thường xuyên. Bộ Tài chính chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước.
Về giải pháp chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý các giải pháp giảm lãi suất, hỗ trợ vốn, trong đó tiếp tục nghiên cứu cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động; sử dụng một phần dự trữ ngoại hối để hỗ trợ ngân sách Nhà nước trong trường hợp cấp bách; nghiên cứu đề xuất gói kích cầu từ trái phiếu Chính phủ như các bộ đề xuất tại phiên họp này.
Đối với vấn đề hỗ trợ người lao động, Thủ tướng thống nhất một số điểm mà Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội nêu ra, trong đó có kiến nghị tạm dừng đóng BHXH theo quy định pháp luật, đồng thời yêu cầu báo cáo Chính phủ để thực hiện ngay. Cùng với đó là tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp; miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người ngừng việc; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, giữ chân người lao động; hỗ trợ trực tiếp người lao động tạm ngừng việc; cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động không lãi suất, mức vay bằng mức lương tối thiểu. Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện biện pháp này.
Đối với tín dụng tiêu dùng, Thủ tướng tán thành đề nghị của Bộ Công Thương, giao Bộ Công thương phối hợp Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cụ thể để kích cầu mạnh mẽ hơn. Đối với phương án bảo đảm an ninh trật tự mà Bộ Công an nêu ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ có tập huấn các phương án cụ thể. Các địa phương phải thực hiện hiệu quả vấn đề này, không để xảy ra tình trạng mất ổn định ở cả nông thôn và thành thị.
Với việc các tập đoàn, tổng công ty gặp nhiều khó khăn, kể cả kinh tế tư nhân và Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu rà soát để có giải pháp hỗ trợ. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tính toán các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, một kênh tăng trưởng quan trọng, hướng vào phân khúc nhà ở xã hội nhiều hơn.