Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại huyện Thanh Thủy

Ngày 12/4, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát về việc quản lý, tổ chức bộ máy, công tác quản lý, sử dụng đất và tài sản của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn huyện Thanh Thủy.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu phát biểu kết luận buổi giám sát.

Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Dương Hoàng Hương - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đinh Công Thực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng Lâm - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thành Nam - TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng lãnh đạo các sở: Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường.

Thực hiện sắp xếp, sáp nhập các cơ quan, đơn vị, địa phương, huyện Thanh Thủy đã tiến hành sáp nhập sáu xã để thành hai xã mới, giảm bốn xã; sáp nhập 76 khu dân cư thành 50 khu dân cư mới, giảm 26 khu; sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, bộ phận thư viện huyện vào Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) huyện thành Trung tâm VHTTDL và Truyền thông huyện; sáp nhập sáu trạm y tế xã thành hai trạm y tế xã mới; tổ chức lại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng TN&MT thành Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND huyện. Các đơn vị trường học trên địa bàn được giữ nguyên để đảm bảo phục vụ nhu cầu học tập, đi lại của người dân.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Về sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến nay, toàn huyện dôi dư 17 cán bộ, công chức cấp xã. Dự kiến đến hết năm 2024, sẽ giải quyết, sắp xếp bố trí lại đảm bảo đúng số lượng quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với việc quản lý, sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, số lượng tài sản, trụ sở, diện tích đất dôi dư là bốn cơ sở với 14.701,4m² đất và 5.187m² nhà là diện tích đất và trụ sở làm việc của các xã Tu Vũ, Phượng Mao, Trung Nghĩa, Trung Thịnh vẫn được giữ lại tiếp tục sử dụng. Tài sản hiện có khi sắp xếp sáp nhập là 36 Nhà văn hóa khu dân cư vẫn giữ lại tiếp tục sử dụng. UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã, đơn vị xây dựng phương án sắp xếp 209 cơ sở nhà, đất sau sắp xếp, sáp nhập. Cụ thể, giữ lại tiếp tục sử dụng 201 cơ sở nhà, đất; bán tài sản trên đất và nhượng quyền sử dụng đất một cơ sở; chuyển giao cho địa phương quản lý bảy cơ sở…

Sau khi nghe các đại biểu đóng góp ý kiến, thay mặt đoàn giám sát, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu đã đánh giá cao sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Thủy trong việc quản lý, tổ chức bộ máy, sử dụng đất và tài sản của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp, sáp nhập đã góp phần tinh gọn, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Lưu ý một số vấn đề còn khó khăn, hạn chế còn tồn tại, đồng chí yêu cầu huyện Thanh Thủy cần rà soát đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời tham mưu đề xuất chính sách phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận. Đối với việc quản lý, sử dụng đất, tài sản cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp, sáp nhập, cần xây dựng phương án giao cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân sử dụng vào mục đích phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư, nghiêm cấm việc cho thuê, bán các cơ sở nhà, đất này, đồng thời phải có phương án trông coi, bảo quản.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đi khảo sát thực tế tại xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy

Trước đó, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại xã Đồng Trung và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện (cũ).

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//trong-tinh/thuong-truc-hdnd-tinh-giam-sat-tai-huyen-thanh-thuy/192095.htm